CEO mới của Intel có dám “liều mình như chẳng có”?

(ĐTCK) Ngày 16/5 tới, ông Brian Krzanich, 52 tuổi, nhà quản lý cấp cao của Tập đoàn công nghệ cao Intel (Mỹ) sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành (CEO), thay ông Paul Otellini.
Brian Krzanich. Brian Krzanich.

Quyết định này đã được Ban lãnh đạo Intel đưa ra vào cuối tuần trước. Ông Brian Krzanich là CEO thứ 6 trong lịch sử 45 năm tồn tại của Tập đoàn. Trước đó, vào tháng 11/2012, ông Paul Otellini đã chính thức thông báo kế hoạch rời chức CEO vào giữa tháng 5/2013. Vì thế, Intel buộc phải tổ chức chiến dịch tìm người bên ngoài thế chân. Cuộc “săn lãnh đạo” được Intel làm khá ráo riết và bài bản, song rút cục lại chẳng chọn được nhân vật nào thích hợp. Cuối cùng, Intel đành phải quay về sử dụng người nhà như là giải pháp an toàn và tối ưu nhất trong bối cảnh hiện nay. Và ông Brian Krzanich, ứng cử viên sáng giá nhất đã chính thức được chọn.

Ông Brian Krzanich chỉ nắm chức CEO, còn chiếc ghế chủ tịch thuộc về bà Renee James, 48 tuổi, phụ trách mảng phần mềm. Trước đây, ông Paul Otellini đảm nhiệm cả 2 chức vụ này.

Ông Brian Krzanich được trao quyền điều hành Intel đúng vào lúc Tập đoàn đứng trước việc phải thay đổi chiến lược phát triển cho tương lai. Việc bán máy tính cá nhân (PC) và cả laptop trên toàn cầu đều giảm khá mạnh, khiến cho việc tiêu thụ chip của Intel (bộ phận quan trọng bậc nhất của PC và laptop) cũng sụt giảm đáng kể. Intel là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (chiếm 80% thị phần toàn cầu), hàng năm, 2/3 doanh thu của Intel đến từ mảng chip dành cho PC. Vì vậy, mảng này sụt giảm, tất yếu ảnh hưởng ngay đến kết quả kinh doanh chung.

Theo nhiều nhà phân tích, dù rất mạnh trong việc sản xuất chip cho PC và máy chủ (server), song Intel lại tỏ ra khá yếu trong cung cấp dòng chip cho điện thoại di động và máy tính bảng (tablet). Intel đang đối mặt với các đối thủ cạnh tranh lớn là Qualcomm và Nvidia, chuyên sản xuất chip dành cho điện thoại di động và điện thoại thông minh (smartphone).

Năm 2012 đánh dấu lần đầu tiên sau 12 năm, doanh thu của Intel sụt giảm; lợi nhuận cũng giảm 15% so với năm 2011. Ngay trước khi thông báo việc bổ nhiệm CEO mới, Intel đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2013. Theo đó, trong quý I/2013, doanh thu của Intel là 12,6 tỷ USD, giảm 7% so với quý IV/2012; lợi nhuận ròng đạt 2 tỷ USD, giảm gần 20%.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), trong quý I/2013, lượng PC tiêu thụ giảm 13% so với quý I/2012, trong khi smartphone bán ra tăng 41,6% và máy tính bảng tăng tới 142,4%. Chỉ cần nhìn vào các con số trên, cũng phần nào có thể thấy, do chưa bắt kịp xu hướng mới, nên Intel đã gặt hái kết quả chưa được như mong muốn.

Nhiệm vụ mà Intel đặt ra cho ông Krzanich khá rõ ràng, đó là phải điều chỉnh chiến lược, hướng mạnh tới mảng chip dành cho máy tính bảng và smartphone.

Nói một cách công bằng, Intel không hề sao nhãng mảng này, mà chỉ chưa có bước đột phá mạnh để bứt lên. 

Ngày 7/5, ông Dadi Perlmutter, Phó chủ tịch điều hành Intel Corp. cho biết, mẫu thiết kế mới cho chip Atom có tên gọi là Silvermont đã được gửi đến cho nhiều khách hàng dùng thử, trước khi đi vào sản xuất đại trà. Chip này sử dụng cho máy tính bảng có công suất cao gấp 3 lần mẫu cũ và ít tiêu hao năng lượng hơn. Thực tế này cho thấy, Intel đâu có “ngủ quên”.

Trở lại việc lựa chọn tân CEO. Ngay ở đây cũng có những ý kiến trái chiều.

Betsy Van Hees, chuyên gia phân tích của Công ty Wedbush Securities (Mỹ) nhận xét: “Các nhà đầu tư, cổ đông cảm thấy hơi thất vọng khi Ban lãnh đạo Intel không mạnh dạn thay máu khi Công ty đang đứng ở ngã ba đường. Lúc này, cần có sự thay máu hoàn toàn thì mới mong có đột phá”. 

Trong khi đó, ông Sergis Mushell, chuyên gia phân tích của Hãng Gartner Inc. lại nhận định, việc chọn “người nhà” Brian Krzanich là thượng sách, bởi Intel là một doanh nghiệp có quy mô lớn, có tổ chức khá phức tạp (hiện có khoảng 105.000 nhân viên và doanh thu năm 2012 hơn 53 tỷ USD). Người bên ngoài sẽ mất nhiều thời gian để làm quen.

Trong khi đó, ông Brian Krzanich lại có hơn 31 năm liên tục làm việc cho Intel (từ năm 1982), lại trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nên có nhiều kinh nghiệm và hiểu rõ nội tình Intel. Vấn đề lúc này là cần đến sự quyết liệt trong điều hành của ông.

Còn nhớ, trong giai đoạn 1987- 1998, CEO khi đó là ông Andrew S. Grove cũng đứng trước hoàn cảnh tương tự. Song ông này đã để lại dấu ấn không phai mờ, khi đưa Intel bứt phá lên. Chính ông đã đưa ra slogan không chính thức của Intel là “Only the paranoid survive” (tạm dịch: chỉ những người khùng, hoang tưởng mới sống sót), tức là phải tiến lên theo kiểu “liều mình như chẳng có”. Andrew S. Grove đã thành công với tinh thần này. Vậy ông Brian Krzanich có dám nhập cuộc và lặp lại chiến tích của Andrew S. Grove, với tinh thần tương tự?                                         


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục