Ngay sau đó, Ban lãnh đạo Intel đã có phiên họp bất thường và chấp thuận đơn từ chức của ông Paul Otellini. Như vậy, ông Paul Otellini sẽ rời khỏi chiếc ghế CEO bắt đầu từ tháng 5/2013. Trong vòng hơn 6 tháng tới, Intel sẽ tìm người thích hợp thay thế.
Ông Paul Bergevin, người phát ngôn của Intel phát biểu: “Quyết định từ chức là tự bản thân ông Paul Otellini đưa ra. Ban giám đốc Tập đoàn rất lấy làm tiếc với quyết định này và đồng ý chấp thuận nguyện vọng của ông”. Được biết, do đã có gần 40 năm cống hiến cho Intel, nên sau khi từ chức CEO, ông Paul Otellini sẽ đóng vai trò “cố vấn cao cấp” thêm ít nhất 3 năm nữa, cho đến khi đủ 65 tuổi về nghỉ hưu. Ông Andy Bryant, Chủ tịch Intel cũng đánh giá cao đóng góp của ông Paul Otellini là: “Đã có công dẫn dắt Intel qua khỏi giai đoạn đầy khó khăn và thách thức vừa qua”.
Ông Paul Otellini là CEO thứ 5 trong lịch sử 44 năm tồn tại của Intel. Trong thời gian ông Paul Otellini làm CEO Intel (từ quý II/2005 đến quý III/2012), doanh thu của Intel đã tăng đáng kể. Nếu doanh thu của Intel năm 2005, khi ông lên nắm quyền lãnh đạo mới là 35 tỷ USD, thì con số này của năm 2011 đã là 54 tỷ USD.
Nhân dịp này, Intel cũng thông báo 3 quyết định bổ nhiệm mới cho 3 nhà quản lý cấp cao của Tập đoàn vào vị trí phó giám đốc điều hành. Đó là Renee James, Trưởng bộ phận phần mềm; Brian Krzanich, Trưởng bộ phận sản xuất toàn cầu; Stacy Smith, Giám đốc phụ trách tài chính (CFO) kiêm giám đốc bộ phận chiến lược.
Theo nhiều người am hiểu nội tình của Intel, có nhiều khả năng, ông Brian Krzanich sẽ là người kế vị ông Paul Otellini trên cương vị CEO. Intel có truyền thống là 5 CEO được bổ nhiệm từ trước đến nay đều là người trưởng thành từ đội ngũ cán bộ quản lý của Tập đoàn, nên CEO sắp tới chắc chắn sẽ lại là người nhà, chứ không phải tìm ở bên ngoài.
Paul Otellini sinh ra và lớn lên ở
Nhiều nhà phân tích nhận xét, quyết định xin từ chức của ông Paul Otellini tuy có phần hơi bất ngờ, song được đánh giá là khôn ngoan và thức thời. Từ vài năm nay, ông đã bị phê phán là phạm sai lầm về mặt chiến lược khi đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet), không có điều chỉnh thích hợp, chỉ định hướng phát triển và sản xuất bộ vi xử lý, chip phục vụ cho máy tính cá nhân (PC). Hơn thế nữa, ông còn tập trung đầu tư vào phát triển dòng laptop “loại nhỏ” (Ultrabook) không hấp dẫn người tiêu dùng. Đến khi nhận ra sai lầm thì phần nào cũng đã muộn.
Theo số liệu thống kê của Hãng Forrester Research, năm 2008, có khoảng 300 triệu PC được bán ra, trong đó phần lớn được trang bị bộ vi xử lý của Intel. Trong khi đó, toàn thế giới mới chỉ tiêu thụ khoảng 142 triệu chiếc smartphone. Theo dự báo của Forrester Research, năm nay sẽ có khoảng 330 triệu PC cùng 665 triệu smartphone được bán ra trên toàn cầu. Năm 2016, số PC sẽ chỉ tăng chậm, lên 360 triệu chiếc, trong khi sẽ có tới hơn 1 tỷ smartphone được tiêu thụ.
Ông Patrick Moorhead, chuyên gia phân tích về công nghệ của Hãng Moor Insights & Strategy (Mỹ) nhận xét, ông Paul Otellini đã không đánh giá đúng về hướng phát triển của điện thoại thông minh, nên đã sao nhãng mảng này. Vì thế, Intel phần nào đi trệch hướng, để rơi mảng chip phục vụ cho điện thoại thông minh vào tay Qualcom, Samsung...
“Sự chuyển dịch diễn ra quá nhanh. Đến khi ông Paul Otellini nhìn thấy những gì xảy ra thì phản ứng phần nào đã muộn. Hiện Intel chỉ chiếm 1% thị phần chip dành cho smartphone. Đầu năm nay, smartphone sử dụng chip của Intel chạy trên nền hệ điều hành Android được tung ra thị trường, nhưng không gây được tiếng vang đáng kể nào. Đây được coi là thất bại của ông”, ông Patrick Moorhead nói.
Chip của Qualcomm đang chiếm ưu thế tại các smartphone. Qualcomm đã đi đúng hướng, nên từ chỗ thua kém Intel, nay đã vượt qua. Cụ thể, trong hơn 7 năm qua, giá cổ phiếu của Qualcomm đã tăng 70%, trong khi giá cổ phiếu của Intel lại giảm 20%. Vì thế mà giá trị vốn hoá thị trường của Qualcomm hiện là 106 tỷ USD, cao hơn Intel (hiện khoảng 100 tỷ USD)
Ông Paul Otellini tự nguyện ra đi là vì chấp nhận đã tính sai bài về mặt chiến lược phát triển, nay muốn sửa sai cũng không dễ. Một phần, tuổi tác cao cũng không ủng hộ ông, nên ông tự nguyện rời khỏi “cuộc chơi” để nhường chỗ cho lực lượng trẻ hơn.