“Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ hạ dự báo tăng trưởng do hậu quả của cuộc khủng hoảng, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng thế giới sẽ ở trong vùng tăng trưởng tích cực”, bà cho biết.
Bình luận của bà được đưa ra một ngày sau khi IMF thông qua khoản viện trợ khẩn cấp 1,4 tỷ USD cho Ukraine. Số tiền đó sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động chính của chính phủ Ukraine, chẳng hạn như trả lương và lương hưu.
Trong báo cáo triển vọng vào tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 4,4% vào năm 2022, mức tăng trưởng vừa phải so với mức 5,9% vào năm 2021. Tuy nhiên, hiện chưa rõ IMF sẽ cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu đến mức nào trong báo cáo sắp tới.
“Rõ ràng, cuộc chiến này kéo dài bao lâu là yếu tố không chắc chắn chính mà chúng ta phải đối mặt”, bà cho biết.
Một số tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, bao gồm giá hàng hóa tăng, có thể gây ra các vấn đề cho nền kinh tế thế giới và kìm hãm tăng trưởng. Giá hàng hóa đã tăng vọt trong những tuần gần đây trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại xung đột sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Giá dầu thô Brent đã tăng vọt kể từ ngày 24/2 mặc dù đã giảm trở lại trong những phiên gần đây. Các kim loại bao gồm palađi và niken cũng tăng giá mạnh. Ukraine và Nga cũng là hai trong số các nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, cũng làm dấy lên lo ngại về giá lương thực.
Bà Georgieva cho biết, lạm phát đã ở mức cao và áp lực giá cả gia tăng do khủng hoảng địa chính trị có thể ảnh hưởng nặng hơn đến thu nhập thực tế và do đó, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Niềm tin kinh doanh giảm sút cũng là một mối quan tâm.
Bà nói thêm rằng, mặc dù Nga "chắc chắn" sẽ đi vào suy thoái, nhưng không chắc các nước láng giềng ở châu Âu và châu Á sẽ theo sau như thế nào. Lo ngại của IMF là việc thắt chặt các điều kiện kinh tế do hậu quả của các sự kiện địa chính trị trong hai tuần qua có thể cản trở các quốc gia vốn đã chậm chạp trong việc phục hồi sau đại dịch Covid-19.