IMF: Không có mô hình chung cho tất cả các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, bằng chứng xuất hiện từ các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đầu tiên trên thế giới cho thấy không có mô hình chung nào phù hợp với tất cả vì sự ổn định và quyền riêng tư của từng hệ thống.
IMF: Không có mô hình chung cho tất cả các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương

IMF ước tính, hiện có khoảng 100 quốc gia đang xem xét CBDC và nghiên cứu mới được IMF công bố vào thứ Tư (9/2) đã xem xét các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Thụy Điển và Bahamas, đây là những quốc gia mà tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đã và đang hoạt động hoặc ở giai đoạn phát triển.

Trong bài phát biểu về báo cáo, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, có một số bài học chính từ những kinh nghiệm ban đầu này. Nếu các CBDC được thiết kế một cách "thận trọng", chúng có khả năng mang lại khả năng phục hồi cao hơn, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ kiểu ngân hàng hơn và giảm chi phí luân chuyển tiền bạc.

Và CBDC cũng sẽ an toàn hơn so với "các loại tiền điện tử không được hỗ trợ vốn dĩ rất dễ bay hơi" như bitcoin cũng như "stablecoin", thường được liên kết với một loại tiền tệ chính thống hoặc một tài sản nào đó chẳng hạn như vàng.

Nói về mô hình chung cho các loại tiền điện tử, bà Georgieva nhấn mạnh: “Không có một kích cỡ nào phù hợp với tất cả”.

Sự ổn định tài chính và các cân nhắc về quyền riêng tư cũng là điều quan trọng nhất đối với việc thiết kế các CBDC, trong khi cần phải có sự cân bằng giữa các phát triển trên mặt trận thiết kế và mặt chính sách.

“Đây vẫn còn là những ngày đầu đối với CBDC và chúng tôi không biết chúng sẽ đi bao xa và nhanh như thế nào”, bà Georgieva cho biết.

Một trong những lý do chính mà các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang nghiên cứu và giới thiệu các phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền của ngân hàng trung ương là để tránh các “Big Tech” giành quá nhiều quyền kiểm soát đối với cách thức lưu chuyển và sử dụng tiền, đặc biệt là khi việc sử dụng tiền mặt ngày càng thu hẹp.

Bahamas đã có “đô la cát” kỹ thuật số trong khi Trung Quốc là nền kinh tế tiên tiến nhất trong số các nền kinh tế lớn và đang thử nghiệm CBDC hàng loạt tại Thế vận hội mùa đông hiện đang diễn ra ở Bắc Kinh, bao gồm cả việc cung cấp cho những người nước ngoài.

Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tháng 7 đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới việc tung ra một phiên bản kỹ thuật số của đồng euro, khởi động giai đoạn điều tra kéo dài 24 tháng và sau đó là ba năm thực hiện.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã do dự hơn trong việc tạo ra CBDC, nhưng tháng trước họ cũng đã đưa ra một báo cáo và 120 ngày tham vấn cộng đồng để tranh luận về những lợi thế và bất lợi của đồng đô la kỹ thuật số.

Fed đã nói rõ rằng, họ không ủng hộ bất kỳ "kết quả" nào vì một mặt CBDC có thể chuyển đổi hệ thống tài chính và tăng tốc độ thanh toán trên toàn cầu trong khi đồng đô la kỹ thuật số được thiết kế kém có thể làm suy yếu các ngân hàng, gây mất ổn định hệ thống tài chính và tạo ra các vấn đề về quyền riêng tư.

Đồng đô la kỹ thuật số

Tobias Adrian, một quan chức hàng đầu khác của IMF cho biết, một lo lắng chính đối với các quốc gia nghèo hơn là có thể có "sự đô la hóa kỹ thuật số" trên diện rộng, nhằm chỉ việc người dân từ bỏ tiền tệ của họ để ủng hộ CBDC từ các ngân hàng trung ương lớn.

“Đô la hóa luôn là cuộc đấu tranh đối với các quốc gia bị coi là bất ổn. Nhưng tất nhiên, một khi chúng ta đi đến một thế giới kỹ thuật số hoàn toàn, kiểu đô la hóa, hoặc kỹ thuật số hóa, hoặc CBDC hóa có thể nhanh hơn và nguy hiểm hơn nhiều", ông cho biết.

Mu Changchun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đề cập đến rủi ro của hoạt động ngân hàng kỹ thuật số khi những người tiết kiệm sẽ rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng thương mại và cất giữ tại ngân hàng trung ương.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục