IEA: Doanh số bán ô tô điện tăng 55% vào năm 2022, vượt mốc 10 triệu xe

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố hôm thứ Tư (26/4), doanh số bán ô tô điện đã tăng lên hơn 10 triệu vào năm ngoái, với khoảng 60% là từ thị trường Trung Quốc.
Xe điện Tesla được chụp ở Trung Quốc Xe điện Tesla được chụp ở Trung Quốc

Theo báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu của IEA cho năm 2023, dữ liệu doanh số bán hàng kỷ lục đã tiếp tục thể hiện xu hướng tăng trưởng bền vững cho ngành.

Báo cáo của IEA cho biết: “Doanh số bán ô tô điện - bao gồm cả xe điện chạy bằng pin (BEV) và xe điện hybrid plug-in (PHEV) - đã vượt 10 triệu chiếc vào năm ngoái, tăng 55% so với năm 2021”.

Tổng cộng, IEA cho biết, hơn 26 triệu ô tô điện đã chạy trên đường trên toàn thế giới vào năm 2022, tăng 60% so với năm 2021.

Một số người xem xe điện là một công cụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang các hình thức vận tải ít phát thải và không phát thải. Trong thời gian tới, IEA cho biết họ ước tính doanh số bán xe điện trên toàn thế giới sẽ đạt gần 14 triệu vào năm 2023.

“Sự tăng trưởng bùng nổ này có nghĩa là thị phần của ô tô điện trên thị trường ô tô nói chung đã tăng từ khoảng 4% vào năm 2020 lên 14% vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm lên 18% trong năm nay, dựa trên những dự đoán mới nhất của IEA”, báo cáo cho biết.

Thị trường Trung Quốc chiếm ưu thế

IEA mô tả Trung Quốc là “người dẫn đầu” khi nói đến doanh số bán ô tô điện. Cụ thể, hơn 50% ô tô điện trên đường hiện có thể được tìm thấy tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

IEA cho biết: “Tại châu Âu - thị trường lớn thứ hai - doanh số bán ô tô điện đã tăng hơn 15% vào năm 2022, nghĩa là cứ 5 ô tô bán ra thì có hơn 1 ô tô điện”.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA cho biết: “Xe điện là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế năng lượng toàn cầu mới đang nổi lên nhanh chóng - và chúng đang mang lại sự chuyển đổi lịch sử cho ngành sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Những xu hướng mà chúng ta đang chứng kiến có ý nghĩa quan trọng đối với nhu cầu dầu toàn cầu”.

“Mặc dù động cơ đốt trong đã không có đối thủ trong hơn một thế kỷ qua, nhưng xe điện đang thay đổi hiện trạng này. Đến năm 2030, nhu cầu dầu có thể giảm ít nhất 5 triệu thùng/ngày. Ô tô điện chỉ là làn sóng đầu tiên, xe buýt và xe tải điện sẽ sớm theo sau”, ông cho biết thêm.

Mở khóa tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ

Trong khi Trung Quốc, châu Âu và Mỹ là những người chơi lớn khi nói đến ô tô điện, IEA lưu ý rằng các khu vực khác trên thế giới cũng đang có “những dấu hiệu đầy hứa hẹn”.

“Doanh số bán ô tô điện nhìn chung ở mức thấp bên ngoài các thị trường lớn, nhưng năm 2022 là một năm tăng trưởng ở Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Nói chung, doanh số bán ô tô điện ở các quốc gia này đã tăng hơn gấp ba lần so với năm 2021”, Fatih Birol cho biết.

Ấn Độ đang chứng kiến ​​sự tăng tốc của cả ô tô điện và sản xuất linh kiện. Điều này đã được hỗ trợ bởi một chương trình khuyến khích trị giá 3,2 tỷ USD từ chính phủ Ấn Độ.

Thách thức phía trước

Vài năm qua đã chứng kiến một số nền kinh tế lớn đưa ra kế hoạch tăng số lượng xe điện trong tương lai.

Chẳng hạn, Anh muốn ngừng bán xe ô tô và xe tải chạy bằng dầu diesel và xăng mới vào năm 2030 và sẽ yêu cầu tất cả ô tô và xe tải mới phải không có khí thải từ ống xả từ năm 2035.

Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách giảm lượng khí thải từ giao thông đường bộ. Ở Mỹ, California đang cấm bán các phương tiện chạy bằng xăng mới vào năm 2035.

Mặc dù có sự phấn khích về tiềm năng của các phương tiện ít phát thải và không phát thải, nhưng việc chuyển hướng từ bỏ ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Có những lo ngại rằng mức độ tiếng ồn thấp hơn của xe điện có thể gây khó khăn cho những người có vấn đề về thị lực. Ngoài ra, có các cuộc thảo luận về chi phí và sự an toàn đang xuất hiện, đồng thời việc đảm bảo cơ sở hạ tầng sạc có thể tiếp cận được với tất cả mọi người là một lĩnh vực khác cần theo dõi.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục