Lường trước khả năng thất bại vẫn phải làm
Cuối tháng 10/2020, phiên đấu giá chào bán cạnh tranh cả lô cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex) thất bại. Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua, cổ phiếu của doanh nghiệp nhiều tiềm năng này rơi vào cảnh ế ẩm.
Phiên đấu giá cổ phần Vocarimex dự kiến diễn ra vào ngày 4/11, nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký năng lực nhà đầu tư, không có nhà đầu tư nào gửi hồ sơ đăng ký tham gia. Một lãnh đạo của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ngán ngẩm chia sẻ: “Quá nản. Lường trước nhiều khả năng thất bại nhưng vẫn phải làm”. Nhiều khả năng thất bại ở đây được nhìn nhận trước là do mức giá khởi điểm 22.690 đồng/cổ phần cho lô 44,2 triệu cổ phần, tương đương 36,3% vốn điều lệ Vocarimex là quá cao.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VOC của Vocarimex khi đó được giao dịch quanh vùng giá 23.000 đồng/cổ phiếu, tăng 147% so với đầu tháng 4, sau khi có thông tin SCIC sẽ thoái vốn. Tăng giá theo thị trường chung hồi phục, nhưng đây là mức giá được nhận định là thị trường tận dụng cơ hội để “tạo sóng” nhằm kiếm lợi nhuận đầu tư ngắn hạn, chứ không thực sự hấp dẫn để đầu tư dài hạn.
Giá khởi điểm thoái vốn ở mức cao khiến thị trường tận dụng cơ hội để “tạo sóng” nhằm kiếm lời ngắn hạn
Trước đó, tháng 7/2019, SCIC từng rao bán 36,3% cổ phần Vocarimex với giá 22.300 đồng/cổ phần, nhưng không thành công.
Có phải Vocarimex yếu kém đến mức không có nhà đầu tư quan tâm? Câu trả lời là không. Hiện cổ đông lớn nhất của Vocarimex là Tập đoàn Kido sở hữu 51% vốn. Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Ban lãnh đạo Kido đã tiết lộ kế hoạch hợp nhất các đơn vị thành viên gồm Kido Foods (KDF), Vocarimex, Dầu thực vật Tường An (TAC), Kido Nhà Bè.
Một số nguồn tin cho biết, Kido thể hiện mối quan tâm gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu Vocarimex, nhưng mức giá họ chấp nhận chỉ khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu.
Gần đây, giá cổ phiếu VOC trên sàn chứng khoán dao động quanh mức 17.000 đồng/cổ phiếu.
Nguy cơ hụt thu ngân sách
“Rẻ mua chơi, đắt để đó”, tâm lý chung của các nhà đầu tư được nhìn nhận sẽ lặp lại trong nhiều phiên thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiềm năng mà SCIC đang quản lý vốn, điển hình trước đó là phiên thoái hơn 5% vốn tại FPT.
Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC nhận xét, doanh nghiệp tốt nhưng ít nhà đầu tư quan tâm là do các quy định về định giá cổ phần thoái vốn “khá cứng” được áp dụng gần đây. Thời điểm này, cổ phiếu “hoa hậu” Sabeco (Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) mà đưa ra bán cũng không dễ thành công, nếu giữ nguyên cách định giá cũ.
Trong khi đó, tính toán của Bộ Tài chính qua rà soát các quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2019 đến nay cho thấy, dự kiến nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 là 42.200 tỷ đồng trong trường hợp thực hiện thành công việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco. Nếu các bộ, ngành Trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán thì tổng nguồn thu dự kiến thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp có thể đạt trên 45.000 tỷ đồng.
Ngoài những câu chuyện như thoái vốn ở Vocarimex, FPT khó khăn, tiến độ cổ phần hóa cũng hết sức ì ạch. Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm 2020, có 6 doanh nghiệp đã gửi báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Nhìn xa hơn, trong gần 5 năm qua, có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.
Thực tế, chỉ có 37/128 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa thuộc danh mục theo kế hoạch, đạt 28%. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 4 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp, trong đó, triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 90 doanh nghiệp.
Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp rất chậm. Những địa phương còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là Hà Nội có 13 doanh nghiệp, TP.HCM có 38 doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp, Bộ Công thương có 4 doanh nghiệp, Bộ Xây dựng có 2 tổng công ty.
Cho đến thời điểm này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp của một tổng công ty là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2), còn nợ rất nhiều đầu việc.
Kết quả thoái vốn nhà nước cũng tương tự. Từ năm 2016 đến hết tháng 8/2020, số vốn thoái được là 25.634 tỷ đồng, thu về 172.877 tỷ đồng. Ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, hết năm 2020, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp, các trường hợp thoái vốn chậm được yêu cầu làm thủ tục chuyển giao về SCIC để thực hiện.
Bộ Tài chính tỏ ra lo ngại việc cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch sẽ dẫn đến không thể thu đủ tiền về ngân sách như dự tính.
Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng. Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 50.000 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2020 đã chuyển 6.500 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020 đã có 211.500 tỷ đồng được chuyển từ Quỹ vào ngân sách nhà nước, đạt 85% kế hoạch. Số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào ngân sách nhà nước trong năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội là 38.500 tỷ đồng
Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 830 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp còn có các nhiệm vụ chi cần thiết khác đã có chủ trương, dự kiến chi khoảng 63.600 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển về ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, để đáp ứng đủ số tiền nộp vào Quỹ năm 2020, dự kiến nguồn thu chủ yếu từ việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco, các tổng công ty cổ phần của Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp do SCIC thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Giải pháp cốt lõi không được đề cập
Để tăng khả năng thành công của các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, qua đó đảm bảo kế hoạch thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị triển khai những giải pháp… “không mới”.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.
Hay người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi đó, điểm cốt lõi là việc sửa đổi các quy định bất hợp lý được ghi nhận và phản ánh từ thị trường liên quan đến định giá doanh nghiệp, quy trình bán cổ phần thoái vốn… thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính lại không được đề cậpn