Hiện nay, nhiều ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất dao động từ 8 - 9%/năm. Mới đây, vào đầu tháng 10/2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã phát hành Chứng chỉ tiền gửi ghi danh dài hạn 469 ngày (khoảng 15 tháng) có 5 mệnh giá, bao gồm 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng, với mức lãi suất 8,9%/năm.
Trước đó, đầu tháng 8, VIB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, với lãi suất 9,1%/năm.
Mức lãi suất tương tự cũng được VietABank đưa ra hồi đầu tháng 5. SHB cuối tháng 3/2019 cũng đưa ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất tối đa 8,9%/năm cho chứng chỉ mệnh giá trên 2 tỷ đồng và có kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng Bản Việt cũng vừa chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.
Tuy nhiên, đó là mức lãi suất áp dụng cho sản phẩm chứng chỉ có mệnh giá tối thiểu trên 100 triệu đồng và kỳ hạn đến 60 tháng.
Được biết đến như một kênh đầu tư lợi nhuận, sản phẩm chứng chỉ tiền gửi được nhiều người lựa chọn vì lãi suất cao.
Đồng thời, sản phẩm này còn có nhiều ưu điểm nổi bật. Đây là một tài sản đầu tư hoàn toàn không có rủi ro vì được bảo đảm bởi các tổ chức tài chính lớn.
Cả gốc và lãi đều được bảo đảm trong toàn bộ thời gian khách hàng gửi tiền như một hình thức gửi tiết kiệm. Điều này khiến cho chứng chỉ tiền gửi rất hấp dẫn đối với những người đang có một số tiền nhàn rỗi muốn đầu tư an toàn.
Hơn nữa, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn so với các tài khoản tiết kiệm thông thường có cùng kỳ hạn.
Vì thế, đối với các cá nhân muốn tối đa hóa lợi nhuận khoản tiền tiết kiệm của mình thì chứng chỉ tiền gửi là một sự lựa chọn tốt hơn so với việc gửi ở tài khoản tiết kiệm hay tham gia thị trường tiền tệ.
Lãi suất của các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi hiện nay cũng đi kèm với điều kiện về mệnh giá hoặc thời hạn kéo dài.
Như vậy, ngoại trừ sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của SCB có kỳ hạn 189 ngày (khoảng hơn 5 tháng) và 469 ngày (khoảng hơn 15 tháng), đa số ngân hàng thương mại trên thị trường phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao có kỳ hạn từ 24 đến 48 tháng, thậm chí là 60 tháng (tại Ngân hàng Bản Việt), 61 tháng (tại VIB)…
Tuy nhiên, điểm hạn chế của sản phẩm này là chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi không được rút vốn trước hạn và không thực hiện tái ký gửi.
Cũng vì hạn chế này mà khá nhiều khách hàng lo lắng sẽ gặp phải khó khăn khi cần chuyển nhượng.
Bà Trần Thị Minh Thảo, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân SCB cho biết, hiện nay, các ngân hàng đều có chính sách ưu đãi dành cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Bên cạnh là đơn vị phát hành, tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan, các ngân hàng còn là đơn vị trung gian, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm người mua chứng chỉ tiền gửi khi có nhu cầu chuyển nhượng, giúp khách hàng chủ động nguồn tài chính.
“Tại SCB, khi có nhu cầu chuyển nhượng, khách hàng và người nhận chuyển nhượng chỉ cần đến điểm giao dịch bất kỳ của SCB trên toàn quốc sẽ được hỗ trợ thủ tục chuyển nhượng một cách dễ dàng. Trên giấy đề nghị chuyển nhượng sẽ thể hiện rõ thông tin cả hai bên”, bà Thảo cho biết.