Ngân hàng dồn dập phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao

Mấy tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất tới 9 - 10%/năm, trước áp lực cạnh tranh huy động vốn trung và dài hạn.
Ngân hàng Việt Á phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 9,1%. Ảnh: Đức Thanh Ngân hàng Việt Á phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 9,1%. Ảnh: Đức Thanh

Ám ảnh con số 30 - 35 - 40

Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt gây sốc khi tung ra chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho cá nhân và tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm (kỳ hạn 5 năm). Còn các kỳ hạn từ 24 tháng đến 48 tháng có lãi suất từ 9,5% đến 10%/năm. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất thị trường tính đến thời điểm hiện nay.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Mức lãi suất này cũng được VietABank áp dụng với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng khác cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng với lãi suất xấp xỉ 9%/năm, như SHB, Sacombank, SeABank…

Không chỉ dồn dập phát hành trái phiếu, việc chạy đua phát hành chứng chỉ huy động tiền gửi cho thấy, các ngân hàng đang rất khát vốn trung, dài hạn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ngân hàng đẩy mạnh huy động như vậy?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP VIB cho biết, VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 5 năm là nhằm tăng vốn cấp 2. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 5 năm nếu đáp ứng một số quy định, có thể bổ sung vào nguồn vốn cấp 2 của ngân hàng thương mại.

Tuy vậy, theo quan sát của Báo Đầu tư, ngoại trừ VIB, đa số ngân hàng thương mại trên thị trường phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao có kỳ hạn 24 - 48 tháng (tức là vốn trung, dài hạn) để kinh doanh.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung cho rằng, sở dĩ các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 - 48 tháng với lãi suất cao là nhằm huy động vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu kinh doanh thời gian tới. Theo quy định của Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%. Tỷ lệ này có thể giảm xuống 30 - 35% trong thời gian tới.

Đường cong lãi suất cao ở kỳ hạn dài, thấp ở kỳ hạn ngắn là hợp lý. Trong bối cảnh các nước đang nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tôi cho rằng, áp lực tăng lãi suất tiền đồng là không nhiều. Tuy nhiên, ở nước ta, cầu vốn trung, dài hạn đang rất cao, nên lãi suất huy động kỳ hạn trung, dài hạn có thể ổn định ở mức hiện nay hoặc tăng nhẹ. Riêng mặt bằng lãi suất kỳ hạn ngắn không bị ảnh hưởng

- Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB   

“Hiện nay, nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp và cả người dân rất lớn (vay mua nhà, ô tô), trong khi vốn huy động của các các ngân hàng chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, ngân hàng phải tăng huy động vốn trung, dài hạn. Đây là lý do nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi thời gian gần đây”, ông Trung nói.

Cùng chung nhận định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cao cấp của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho rằng, việc ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao để huy động vốn trung, dài hạn là dễ hiểu, nhằm đáp ứng tỷ lệ 40 - 35 - 30% như đã phân tích ở trên.

Cũng theo ông Hiếu, sở dĩ ngân hàng không dâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên cao, mà chọn phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao vì chứng chỉ tiền gửi không được phép rút trước hạn, trong khi với gửi tiết kiệm, tính ổn định thấp hơn do người dân có thể rút trước hạn.

Ngân hàng cần lộ trình chống sốc

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, hiện nay, các nhà băng đang chịu nghịch lý là thừa vốn ngắn hạn, trong khi thiếu vốn dài hạn. Thời gian qua, dù đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi, nhưng sự dịch chuyển kỳ hạn tại các nhà băng còn khá chậm. Chính vì vậy, các nhà băng đang gấp rút tìm mọi cách để làm “dày” vốn trung, dài hạn, nếu không muốn tốc độ tăng trưởng bị chững lại.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các ngân hàng dâng lãi suất huy động kỳ hạn trung, dài hạn gần đây cho thấy, nhà băng đang chịu áp lực từ việc NHNN siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Cũng theo TS. Nghĩa, điều này cho thấy, việc ban hành các chính sách mới gây tác động rất lớn tới các nhà băng và có thể gây xáo trộn thị trường. Do đó, điều hành chính sách cần thận trọng và không nên đưa ra các điều chỉnh quá gấp gáp. Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, lãi suất đang ở đỉnh và khó có thể tăng thêm nữa.

NHNN đang xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn còn 30% vào năm 2022 với các phương án, lộ trình giảm khác nhau. Theo NHNN, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của các ngân hàng, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng.

Đề xuất trên của NHNN được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, nhằm giảm rủi ro cho các ngân hàng và cả nền kinh tế. Mặc dù vậy, trong bối cảnh thị trường trái phiếu mới ở giai đoạn đầu, các chuyên gia cho rằng, cần thiết kế lộ trình giảm từ từ để chống sốc cho các nhà băng, nhất là các nhà băng nhỏ, nếu không sẽ khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất lên cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

    Thùy Liên
    baodautu.vn

    Tin liên quan

    Tin cùng chuyên mục