GDP dao động
Theo HSBC, tăng trưởng GDP trong quý I/2017 của Việt Nam ở mức chậm nhất trong vòng 3 năm qua, chỉ đạt 5,1% so với năm ngoái.
Việc GDP tăng chậm trong quý I/2017, theo HSBC, là do tình hình thời tiết khắc nghiệt, đã làm giảm sản lượng của ngành nông nghiệp. Trong khi đó, tăng trưởng ngành xây dựng chậm đáng kể trong suốt ba tháng đầu năm.
HSBC cũng cho biết, mặc dù ngành khai thác mỏ và đá đã suy yếu một thời gian, nhưng việc giá than giảm mạnh gần đây nhiều khả năng làm tăng lực cản từ ngành này. Nguyên nhân chủ yếu là do các lớp than dễ tiếp cận đang ngày càng cạn kiệt, đẩy chi phí khai thác gia tăng. Dẫu vậy, nhờ ngành sản xuất luôn phát triển mạnh mẽ, đã che dấu những yếu điểm này.
Tuy nhiên, trong quý I/2017, việc tập đoàn sản xuất điện thoại hàng đầu ngừng các dây chuyền sản xuất, đã gây ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất điện tử, qua đó khiến tăng trưởng ngành sản xuất giảm sút.
"Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng ngành sản xuất sẽ sớm hồi phục nhờ vào việc tung sản phẩm mới và nhu cầu toàn cầu sẽ dần hồi phục", HSBC kỳ vọng và cho biết, thông tin này đang được thể hiện trong kết quả khảo sát chỉ số PMI về việc đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng. Theo đó, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã đạt mức tăng nhanh nhất trong năm 2017.
Thêm nữa, các nhà sản xuất vẫn còn rất tự tin vào tình hình sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới sẽ nhiều hơn và các kế hoạch mở rộng kinh doanh.
"Điều quan trọng là mức tăng nhân công việc làm gần đạt mức kỷ lục báo hiệu ngành sản xuất sẽ tốt hơn khi chỉ số này thể hiện mức độ lạc quan về công việc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn. Ngành sản xuất vì vậy sẽ có thể đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những quý tới đây", các chuyên gia HSBC đánh giá.
Ngoài ra, HSBC cũng cho rằng, lạm phát đang dần hạ nhiệt do lạm phát giá lương thực thực phẩm không tăng ngay cả khi giá nhiên liệu và chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục đang tăng cao.
Các số liệu hoạt động khác: tín hiệu hỗn hợp
Báo cáo của HSBC cho biết, đến năm 2016, nhờ có ngành sản xuất và xuất khẩu mà kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những dữ liệu gần đây cho thấy, trong khi ngành sản xuất duy trì hoạt động tốt, ngành xuất khẩu lại bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 3.
Trong khi đó, theo HSBC, các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất tiếp tục được cải thiện trong suốt tháng 3 với chỉ số PMI đạt 54,6 điểm, cao hơn một chút so với tháng 2 (54,2 điểm) và mạnh nhất kể từ tháng 5/2015.
Sản lượng và đơn hàng xuất khẩu tăng nhanh trong tháng, trong khi tổng lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn một chút. Số lượng công việc tăng lên đã dẫn tới chỉ số nhân công việc làm tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2016. Số lượng công việc còn tồn động tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn.
Về mặt giá cả, theo HSBC, giá cả đầu vào đã tăng nhanh nhất trong vòng 6 năm qua trong bối cảnh giá đầu vào của các nguyên vật liệu thô khác tăng cao và sự suy yếu của đồng tiền. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cao hơn đã được chuyển cho người tiêu dùng, chỉ một phần do lạm phát chi phí (tăng trong giá đầu ra) đã tăng với tốc độ chậm hơn, đồng nghĩa với việc giảm biên lợi nhuận. Điều này được phản ánh trong chỉ số sản lượng tương lai đã giảm nhẹ từ mức đỉnh của tháng Hai mặc dù vẫn còn ở mức cao.
Không cần quá lo ngại
Xem xét tình hình, HSBC cho rằng, việc tăng trưởng GDP chậm lại trong quý I/2017 chỉ là một bước lùi nhỏ và lĩnh vực sản xuất sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong những quý sắp tới.
“Kết quả tăng trưởng GDP thể hiện mức độ nhạy cảm của nền kinh tế đối với quy trình sản xuất, đặc biệt là là lĩnh vực công nghệ cao. Để gia tăng việc mở rộng tăng trưởng và giúp làm giảm tình hình biến động sản lượng kinh tế, Chính phủ cần phải có nhiều cuộc cải tổ, đặc biệt là liên quan đến hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và sự ra đời các chính sách tài khóa”, chuyên gia kinh tế HSBC nhấn mạnh.