Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo "Triển vọng Kinh tế Việt Nam tháng 2/2017". Theo đó, các chuyên gia HSBC nhận định, trong nửa đầu năm 2016, nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng trưởng nhanh hơn nửa cuối năm. Trong quý IV/2016, tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% so với cùng kỳ năm trước và cả năm đạt 6,2% (trong năm 2015 đạt 6,7%).
Theo HSBC, ngành sản xuất vẫn là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Cải cách tài chính công không nên chỉ bao gồm quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ, mà còn phải cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp nhà nước.
- HSBC
Việt Nam tiếp tục giành thị phần toàn cầu ở một số mặt hàng trọng điểm, từ quần áo đến mặt hàng điện tử, phản ánh phần nào sự hội nhập của nền kinh tế trong nước vào chuỗi cung ứng khu vực của các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh cao của Việt Nam cũng là yếu tố thu hút quan trọng ở đây, giúp Việt Nam giải ngân dòng vốn FDI đạt kỷ lục trong năm 2016. Các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu đến từ ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
“Nói chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá lạc quan. Nhưng câu hỏi vẫn còn đặt ra là ‘Làm sao để Việt Nam phát triển bền vững?’. Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên chúng ta phải thừa nhận tầm quan trọng của chi tiêu công ở Việt Nam. Nếu không tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tốc độ nhanh sẽ không thể bền vững. Tăng trưởng chi tiêu công mạnh mẽ cũng là nền tảng trong việc giữ nhu cầu trong nước mạnh mẽ. Chi tiêu công và các chính sách thuế chính vì vậy cũng rất quan trọng”, HSBC đánh giá.
“Chính vì vậy, cải cách tài chính công không nên chỉ bao gồm quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ, mà còn phải cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp nhà nước", HSBC nhấn mạnh và cho biết, tỷ lệ Nhà nước vẫn nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn còn rất cao, tới 92% vốn điều lệ doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Mặc dù vậy, Chính phủ đang có những động thái tích cực để thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước khi ban hành Quyết định 58/2016, trong đó quy định về tổng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp được yêu cầu cổ phần hóa. Trước đó, tỷ lệ này đã được xác định theo lĩnh vực, dẫn đến việc thoái vốn thấp.
“Tốc độ thoái vốn nhanh hơn sẽ mở ra cho Chính phủ nhiều cơ hội tài khóa, giúp kích thích các hoạt động kinh tế. Mặc dù chỉ là một động thái nhỏ, nhưng quyết định trên đã nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ muốn làm sâu sắc thêm các quá trình cải cách, từ đó có thể cải thiện các triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế”, Báo cáo của HSBC nhận định.