Họp thẩm tra Luật Đầu tư PPP: Cần luật hoá quy định về đối tác công tư

(ĐTCK) Sáng 29/8, Ủy ban Kinh tế quốc hội đã họp phiên toàn thể tiến hành thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật Đầu tư PPP) lần đầu tiên chuẩn bị cho việc hoàn thành báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật để có thể trình Quốc hội cho ý kiến xem xét trong kỳ họp tới đây.
Họp thẩm tra Luật Đầu tư PPP: Cần luật hoá quy định về đối tác công tư

Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành Luật đầu tư PPP.

Theo ông Thanh, trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn chế, mô hình đầu tư đối tác công tư sẽ giúp bổ sung nguồn lực nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu dịch vụ công của toàn xã hội.

Đây cũng là chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị từ nhiều năm nay, được cụ thể hóa qua các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ hướng tới hoàn thiện chính sách thu hút nguồn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, nguồn lực đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả chất lượng tiến độ dự án đầu tư, chống thất thoát lãng phí.

Tuy nhiên, đến nay hình thức đầu tư PPP vẫn triển khai triển khai trên cơ sở vận dụng các luật khác, chưa có luật riêng cho hình thức đầu tư này nên việc triển khai còn nhiều bất cập. Do đó, việc xây dựng Luật PPP hướng tới tạo dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP.

Thừa ủy quyền của Chính phủ và thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật PPP.

Thực tiễn triển khai cho thấy quy định về PPP cần phải được hoàn thiện bởi hiện nay quy định chi tiết cho hoạt động PPP mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công...).

Đồng thời, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Bên cạnh đó, hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.

“Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài. Luật PPP hướng tới tạo dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác.

Bên cạnh đó, Luật sẽ bảo đảm tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai minh bạch và hiệu quả, góp phần tạo niềm tin thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hữu hạn của Nhà nước như vốn, ưu đãi, bảo đảm đầu tư..”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều. Trong đó, một số chính sách được nâng cấp từ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP (lĩnh vực đầu tư, trình tự thực hiện dự án, loại hợp đồng, luật áp dụng...); đồng thời bổ sung một số chính sách mới tại dự thảo Luật cụ thể.

Về phạm vi áp dụng, dự thảo được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không triển khai theo hình thức PPP trên thực tế từ trước đến nay hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hoặc triển khai theo các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, để xử lý linh hoạt trong thực tiễn, trường hợp phát sinh về lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương được đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về quy mô thực hiện dự án PPP, Dự thảo Luật đang quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP- theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M) là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng).

Họp thẩm tra Luật Đầu tư PPP: Cần luật hoá quy định về đối tác công tư ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung 

Liên quan trình tự thực hiện dự án PPP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, quy trình thực hiện dự án PPP theo quy định hiện hành đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, theo quy trình 4 bước (i) Chuẩn bị đầu tư; (ii) Lựa chọn nhà đầu tư; (iii) Thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng; (iv) Triển khai thực hiện dự án. 

Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao (ví dụ các dự án BOT điện, dự án xử lý rác thải phát điện...), tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi quyết định chủ trương đầu tư; sau đó nhà đầu tư trúng thầu sẽ tổ chức lập FS và thực hiện hợp đồng.

Đối với dự án BT, bởi tính chất “tương tự” dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, dự án BT chỉ được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán.

Cũng theo Thứ trưởng, về các loại hợp đồng PPP, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành đang triển khai tốt tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP với 07 loại hợp đồng cơ bản theo 03 nhóm: (i) thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; (ii) nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; (iii) đổi nguồn lực công lấy công trình – BT.

Liên quan Hội đồng thẩm định dự án, từ yêu cầu thực hiện dự án PPP, kinh nghiệm quốc tế và hạn chế thực tiễn trong thời gian qua, Dự thảo Luật đề xuất cơ chế Hội đồng thẩm định cho các dự án PPP. Tùy theo quy mô, tính chất, yêu cầu dự án, Hội đồng thẩm định có các cấp khác nhau.

Đối với các dự án quan trọng do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì phải được xem xét bởi Hội đồng thẩm định nhà nước; đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng trình bày rõ các nội dung thiết kế trong dự thảo luật về lựa chọn nhà đầu tư, về hoạt động của doanh nghiệp dự án, về các cơ chế đảm bảo của Chính phủ bao gồm 2 cơ chế đề xuất là bảo đảm cân đối ngoại tệ và Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư được thiết kế trên cơ sở cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu”...

Liên quan cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, dự thảo luật đưa ra các phương án cụ thể về nguồn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP, cách thức giải ngân vốn đầu tư công trong dự án PPP và bố trí vốn nhà nước cho dự án áp dụng loại hợp đồng BTL, BLT.

Cho ý kiến về dự thảo luật tại phiên họp toàn thể, các các ý kiến đại biểu, chuyên gia độc lập và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức đều thống nhất tầm quan trọng của việc ban hành 1 đạo luật riêng về đầu tư PPP trong bối cảnh hiện nay – sau khi Việt Nam đã có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện đầu tư BOT, BT với khung pháp lý cấp Nghị định.

Các ý kiến đều đánh giá cao mục đích quan điểm và cơ sở xây dựng dự án luật, đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc của Ban soạn thảo trong việc tập hợp, hoàn thiện cơ sở đề xuất và xây dựng nội dung, cách thức thiết kế luật cũng như việc tham vấn các ý kiến góp ý xây dựng dự thảo luật.

Các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận 6 nhóm vấn đề lớn, trong đó tập trung vào  việc đánh giá hiệu quả dự án, về các cơ chế bảo đảm bảo lãnh, cơ chế trình tự thực hiện dự án, các loại hợp đồng.

Ý kiến đại biểu nhấn mạnh dự thảo luật cần  làm rõ bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư để từ đó thống nhất cách tiếp cận theo đầu ra, căn cứ chất lượng dịch vụ công; quản lý vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP. Tính đồng bộ giữa dự án Luật PPP với các luật hiện hành cũng cần được nghiên cứu tiếp để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật ...  

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục