Tại Hội thảo đầu tư kinh doanh trực tuyến Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) tổ chức vào ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, năm 2020 dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đạt gần 4 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Lũy kế đến hết quý I/2021, Hàn Quốc có hơn 9.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 71,5 tỷ USD, đứng thứ nhất cả về tổng vốn đăng ký và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc là những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm, luôn đưa ra quyết định nhanh chóng, đóng góp ngân sách cao, chú trọng bảo vệ môi trường và chăm lo đời sống cho người lao động, và làm tốt công tác an sinh xã hội.
Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và hiệp định RCEP vừa được ký kết, đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong thời gian qua Việt Nam đã, đang và tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn đã được ban hành đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý mới cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Các thay đổi trong chính sách đều được xây dựng theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh và phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế, nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm đất đai, năng lượng, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao; các dự án có ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các dự án có tác động lan tỏa tích cực tới các doanh nghiệp trong nước, kết nối các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
"Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Sự hợp tác đầu tư này mang tính bổ trợ, bổ sung cho nhau và cùng phát triển", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá.
Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều khung hợp tác thông qua các hiệp định song phương và đa phương, đơn cử Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký kết trong tháng 5/1994, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ký vào tháng 9/2013, Hiệp định thương mại tự do ký kết trong tháng 5/2015. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rất nhiều mẫu quy định theo hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được hai bên đưa vào áp dụng. Đáng chú ý, hiệp định RCEP được ký kết gần đây và các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác đã mở ra khuôn khổ pháp lý, cơ chế ưu đãi đặc biệt trong quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Không chỉ hưởng lợi các hiệp định thương mại mà Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia, doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam cũng có thể hưởng ưu đãi về xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các thị trường lớn như CPTPP, EVFTA. "Đây cũng là lợi thế giúp khiến không riêng doanh nghiệp Hàn Quốc mà nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác cũng đang hướng đến thị trường Việt Nam", ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.