Vietnam Expo năm nay thu hút 320 doanh nghiệp tham gia với quy mô 300 gian hàng trưng bày, gồm các tổ chức xúc tiến và cộng đồng doanh nghiệp đến từ Cuba, Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam...
Các nhóm ngành hàng trưng bày được bố trí thành từng khu vực gồm: Máy móc - Công nghiệp phụ trợ; Công nghệ số - Thương mại điện tử; Thực phẩm đồ uống - Hàng tiêu dùng.
Đáng chú ý, trong nhóm các đối tác này thì Hàn Quốc đang nổi lên trở thành tên tuổi tham gia tích cực và quy mô lớn nhất.
Các doanh nghiệp thương mại và nhà đầu tư Hàn Quốc đang coi Vietnam Expo 2021 là một trong những cơ hội để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Ông Lee Jong Seob, chủ tịch Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương cho biết, Hàn Quốc chú trọng giao thương trực tuyến, xem đây là giải pháp được áp dụng triệt để nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại gặp khó khăn.
“Bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào muốn tìm kiếm các nhà cung cấp Hàn Quốc uy tín, sắp xếp lịch làm việc trực tuyến, hỗ trợ phiên dịch Việt - Hàn và các doanh nghiệp Việt Nam đều được miễn phí từ các hoạt động hỗ trợ này”, ông Lee Jong Seob cho biết.
Trung tâm thương mại kỹ thuật số K-STUDIO dù mới được thiết lập hồi tháng 2 nhưng đã hỗ trợ 60 doanh nghiệp từ Incheon, Daegu, Gyeongbuk, Chungbuk và Ulsan giao thương trực tiếp với hơn 120 doanh nghiệp Việt Nam.
Riêng tại Vietnam Expo 2021 cũng thu hút hơn 50 doanh nghiệp của Hàn Quốc với các sản phẩm chất lượng cao được trưng bày tập trung vào các lĩnh vực: Thực phẩm - đồ uống; đồ gia dụng; hàng tiêu dùng – hóa mỹ phẩm; đồ dùng cho mẹ và bé; thiết bị-vật tư y tế, thiết bị - máy móc công nghiệp.
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt gần 67 tỷ USD; là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc.
Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Hàn Quốc đối với nhóm hàng hàng máy móc thiết bị phục vụ đầu tư, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm, hàng điện tử tiêu dùng... Trong khi đó, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm của các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử…
Bộ Công Thương hy vọng các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ bắt tay bền chặt hơn với các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hàn Quốc và toàn cầu. Và phát triển chung cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Riêng về đầu tư, theo dữ liệu của Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM), dù dịch bệnh nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong năm nay.
Theo số liệu của Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, tuy đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng tính đến năm 2020 Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí thứ nhất với tổng số vốn đầu tư tích lũy vào Việt Nam là 70,4 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với 8.934 dự án.
Mặc dù có nhiều nhà đầu tư, nhưng quy mô đầu tư năm 2020 đã giảm so với năm 2019 vì việc đi lại bị hạn chế. Hơn nữa, KOCHAM cho rằng, việc tăng lương quá mức trong ngành công nghiệp nhẹ, cùng tình trạng thiếu lao động có tay nghề là những yếu tố khiến các công ty mới của Hàn Quốc không thể đầu tư vào Việt Nam.
Hiện KOCHAM đại diện cho hơn 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại miền trung và nam Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đều là các công ty xuất khẩu. Do đó, họ phải đối mặt nhiều khó khăn hoặc nguy cơ phá sản vì việc xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu bị hạn chế vì Covid -19. Dù vậy, các công ty gặp khó khăn phải nỗ lực tái cơ cấu để tiếp tục tồn tại.
Ông Kim Heung-Soo, Chủ tịch KOCHAM kỳ vọng trong tương lai, Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư mới từ các công ty thuộc những lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến nhưng đòi hỏi Việt Nam cũng phải có nguồn lao động chất lượng cao.
Các giai đoạn của dòng vốn Hàn Quốc gồm: giai đoạn đầu gắn với các dự án đầu tư thâm dụng lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Giai đoạn tiếp theo sẽ có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp. Các công ty Hàn Quốc hiện đã góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều công ty Việt Nam.
Chẳng hạn, SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV… Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh... với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD.
Sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính trước mắt nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cho chính các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Đây đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc và có khả năng huy động vốn với giá thấp.
Vì vậy, tài chính - ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới với bài toán hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam và khi tỉ trọng đóng góp của các doanh nghiệp này vượt trên 30% quy mô nền kinh tế. Ngoài ra các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) nếu Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.