Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc biến Việt Nam thành mỏ vàng của doanh nghiệp Hàn?

Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc cùng mối quan hệ tốt đẹp ASEAN - Hàn Quốc và tiềm năng phát triển của Việt Nam đang tạo cơ hội to lớn để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư từ xứ kim chi.
Sản xuất tại nhà máy của Công ty Doosan Vina (Chu Lai). Ảnh: Đức Thanh. Sản xuất tại nhà máy của Công ty Doosan Vina (Chu Lai). Ảnh: Đức Thanh.

Cú hích từ “Chính sách hướng Nam”

Quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Hàn Quốcvà ASEAN, Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và tiềm năng phát triển của Việt Nam được cho là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN nói chung và vào Việt Nam nói riêng.

Theo khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và tham dự Hội nghị Thượng định CEO ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam là một điểm đến thích hợp bởi cơ cấu dân số vàng với gần 70% đang ở độ tuổi 15 - 64, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD, được các tổ chức đánh giá tín dụng uy tín của quốc tế đánh giá tích cực

“Việt Nam chào đón các doanh nghiệp Hàn Quốc đi theo Chính sách hướng Nam mới đến để cùng hợp tác, cùng thành công với ASEAN”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Thượng định CEO ASEAN - Hàn Quốc, với vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020, trước hơn 500 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Tất nhiên, là một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời cũng là đối tác kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc tại ASEAN, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển này.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, Chính sách hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in được cho là cơ hội mới cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại ASEAN và Nam Á.

Sau khi Hàn Quốc ban hành Chính sách hướng Nam mới, vốn đầu tư ra nước ngoài từ quốc gia này đã tăng mạnh. Năm 2018, với 38,9 tỷ USD, Hàn Quốc đã lần đầu tiên nằm trong danh sách 10 nước có mức đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Châu Á tiếp tục thu hút được nhiều nhất vốn đầu tư ra nước ngoài từ Hàn Quốc nhất, chiếm 34,1% tổng vốn, đạt gần 17 tỷ USD. Ở châu Á, Việt Nam đứng thứ hai (sau Trung Quốc) về thu hút vốn đầu tư từ Hàn Quốc.

Năm ngoái, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 7,2 tỷ USD. Còn 11 tháng năm nay, con số này là trên 5,7 tỷ USD.

Tính lũy kế, đến nay, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 66,8 tỷ USD.

Ngoài Chính sách hướng Nam mới, thì một phần của dòng vốn sẽ được dịch chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Samsung, tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, cũng đã tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của mình tại Trung Quốc và rất có thể, việc sản xuất sẽ được dịch chuyển sang Việt Nam hoặc Ấn Độ.

Việt Nam, mỏ vàng của các doanh nghiệp Hàn Quốc?

Chính báo chí Hàn Quốc đã đặt câu hỏi đó, sau khi nhìn lại tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Môi trường kinh doanh thuận lợi, không ngừng được cải thiện, chi phí rẻ… là những lý do khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc dốc vốn vào Việt Nam.

Ban đầu chỉ là đầu tư để sản xuất phục vụ xuất khẩu, sau được chuyển hướng sang các lĩnh vực khác, như dịch vụ, bán lẻ, giải trí, bất động sản, tài chính - ngân hàng…

Sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn đã minh chứng rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc nhìn thấy những tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Hiện nay, 58% doanh thu smartphone trên toàn cầu của Samsung đến từ hợp tác sản xuất tại Việt Nam   

- Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc

Một đặc điểm nổi bật trong đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc là hầu hết dòng vốn của Hàn Quốc đến từ các chaebol như LG, Samsung, Hyundai, KIA…

Và điều thú vị là, hầu như tất cả các tập đoàn lớn, các chaebol lừng danh của Hàn Quốc đều đã có mặt tại Việt Nam.

Lần lượt, các tập đoàn lớn, nhỏ của Hàn Quốc đều đã đến Việt Nam. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, đã có rất nhiều kế hoạch đầu tư thành hiện thực.

Chẳng hạn, Tập đoàn SK chi 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup, hay KEB Hana Bank bỏ ra hơn 800 triệu USD để góp vốn vào BIDV.

Chưa dừng lại ở đó, LG Chemical muốn xây dựng một dự án sản xuất pin li-ion ở Việt Nam. Hiệp hội Máy nông nghiệp Hàn Quốc (KAMICO) cũng đang muốn xây dựng một dự án sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam.

Hanwha Aerospace, công ty hiện có dự án sản xuất động cơ máy bay quy mô 400 triệu USD tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang tiếp tục lên kế hoạch xây dựng giai đoạn III tại đây. Còn Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc (LH) thì cũng đã bắt tay với Tập đoàn Ecopark để trước mắt triển khai hai dự án bất động sản ở Việt Nam…

Các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lớn và thành công tới nỗi, mới đây, các chuyên gia đã khuyến nghị rằng, nếu muốn mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, thì Hàn Quốc nên ứng dụng thành công của mình tại Việt Nam sang các nước ASEAN khác.

“Hàn Quốc cần phải thiết lập Indonesia và Philippines là đối tác chiến lược mới, xem xét quy mô và dân số kinh tế của họ”, ông Jeong Young-shik, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc đã nói như vậy.

Theo ông này, điều đó sẽ giúp Hàn Quốc “thiết lập một mạng lưới sản xuất kết nối Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia”.

Nếu điều này trở thành hiện thực, thì nó không chỉ có lợi cho Hàn Quốc, mà cho cả Việt Nam, với tư cách là một trọng điểm đầu tư của Hàn Quốc tại ASEAN nói riêng, châu Á nói chung. Tham gia được vào mạng lưới sản xuất khổng lồ của Hàn Quốc sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, đúng là, Việt Nam đang trở thành mỏ vàng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng trong chuyến công tác mới đây tới Hàn Quốc cũng đã khẳng định rằng, Việt Nam chính là “điểm tựa” để các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục