Xu thế công nghệ hóa cùng với sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 khiến thương mại điện tử phát triển mạnh, trong đó có các giao dịch mua bán bảo hiểm nhân thọ. Ông đánh giá thế nào về bảo hiểm nhân thọ điện tử tại Việt Nam thời gian qua?
Cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, các giao dịch mua bán bảo hiểm nhân thọ trên nền tảng điện tử cũng gia tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, hình thức giao dịch này cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là liên quan tới chữ ký điện tử do khách hàng thường không trực tiếp ký, mà được ủy quyền cho bên bán bảo hiểm ký thay, nếu tranh chấp xảy ra thì bên chịu thiệt hại sẽ là khách hàng.
Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào hoạt động kinh doanh. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp, nhưng nếu không thận trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu cần và đủ của một hợp đồng bảo hiểm số thì sẽ dễ dẫn đến tranh chấp.
Theo như ông giải thích ở trên thì các giao dịch mua bán bảo hiểm nhân thọ bằng hình thức điện tử chỉ có giá trị nếu có chữ ký thật của khách hàng?
Đúng vậy, chữ ký là yêu cầu bắt buộc đối với một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử.
Ngoài ra, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được thực hiện bằng hình thức giao dịch điện tử còn phải tuân thủ theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Để tránh sai sót, người có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ bằng hình thức điện tử cần nắm rõ một số khái niệm, chẳng hạn hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 33, Luật Luật Giao dịch điện tử năm 2005); giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng (Điều 36, Luật Giao dịch điện tử năm 2005).
Hay như các đặc điểm của hợp đồng điện tử gồm: Thực hiện thông qua trung gian là phương tiện điện tử; chữ ký có thể được mã hóa và sử dụng là chữ ký số; chuyển tải qua thông điệp dữ liệu, đi qua phương thức trung gian để kết nối các bên trong hợp đồng.
Về phạm vi ký kết, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử cần có công cụ bổ trợ kết nối để các chủ thể có thể kết nối với nhau (thông qua mạng lưới đại lý hoặc tư vấn viên); có chủ thể tham gia giao kết hợp đồng (thông điệp dữ liệu với chữ ký được mã hóa); cần nhà cung cấp mạng và chữ ký số, đóng vai trò xác nhận sự tin cậy của thông tin và lưu giữ thông tin giao dịch giữa các bên mà pháp luật đã có quy định…
Để tránh việc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử thiếu chữ ký của khách hàng thì hướng giải quyết ra sao, theo ông?
Khi tòa án không công nhận thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đó sẽ bị vô hiệu vì chủ thể của hợp đồng không ký. Từ đó, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử mà khách hàng không trực tiếp ký (chữ ký điện tử) sẽ được xem là vô hiệu. Lúc này, quyền và nghĩa vụ của các bên được giải quyết theo luật và phần thiệt hại sẽ nghiêng về khách hàng.
Điều này đồng nghĩa với việc nhà bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm thực thi các cam kết đối với khách hàng theo hợp đồng - không có nghĩa vụ bồi thường nếu khách hàng không may gặp rủi ro. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bên bán bảo hiểm cố tình lợi dụng yếu tố công nghệ để gây thiệt hại cho khách hàng. Do đó, cần sớm có cơ chế giám sát chặt chẽ các giao dịch này.
Để tránh rủi ro cho các bên, trước khi bàn giao hợp đồng cho khách hàng, nhà bảo hiểm cần có văn bản xác nhận của khách hàng với chữ ký sống, trong đó khẳng định các chữ ký giao dịch trước đây là đúng chữ ký của khách hàng và chịu trách nhiệm với việc này
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các chữ ký gián tiếp (được chụp ảnh hoặc scan) bằng chữ ký trực tiếp (chữ ký sống) khi bàn giao hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng về sau này.
Đồng thời, đạo đức của đại lý/tư vấn viên bảo hiểm cũng phải được đặt lên hàng đầu, tránh việc chạy đua chỉ tiêu mà “làm tắt” quy trình, không tư vấn kỹ cho khách hàng.