Bảo hiểm trực tuyến thiếu một hệ sinh thái thành công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Tạ Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Bolttech Việt Nam về triển khai bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam.
Hệ sinh thái bảo hiểm tại Việt Nam còn khá hạn chế. Ảnh: Shutterstock Hệ sinh thái bảo hiểm tại Việt Nam còn khá hạn chế. Ảnh: Shutterstock

Như ông chia sẻ, muốn phát triển bảo hiểm trực tuyến thành công cần một hệ sinh thái, cụ thể là thế nào?

Thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đã phát triển nhanh trong nhiều năm qua. Cùng với việc ra đời của nhiều sản phẩm bảo hiểm mới, thiết thực, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhận thức của khách hàng về bảo hiểm cũng ngày một cải thiện.

Tuy nhiên, không giống như các sản phẩm tiêu dùng bình thường khác như thực phẩm, điện thoại, đồ gia dụng… thường nhằm đáp ứng ngay các nhu cầu sử dụng của người mua, sản phẩm bảo hiểm mang tính dự phòng cho các rủi ro tương lai (có thể xảy ra hoặc không xảy ra), nên tính cấp thiết của nó phụ thuộc vào quan điểm và nhu cầu cá nhân của người mua.

Ông Tạ Chiến

Ông Tạ Chiến

Nói như thế không có nghĩa rằng bảo hiểm là một trò cá cược, bởi thực tế, bảo hiểm là một phương pháp hoạch định tài chính và quản lý rủi ro. Người mua bảo hiểm chấp nhận trả phí bảo hiểm như một rủi ro nhỏ, nằm trong kế hoạch chi tiêu, để mua được sự bảo vệ và yên tâm nếu không may xảy ra một sự cố bất ngờ, gây thiệt hại lớn, có thể ảnh hưởng tới toàn bộ tình hình tài chính của mình. Ngoài ra, tính cấp thiết của các sản phẩm bảo hiểm còn tùy thuộc vào trình độ phát triển, mức thu nhập của xã hội cũng như thói quen tiêu dùng của thị trường.

Ở Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm được giới thiệu, tiếp cận tới người tiêu dùng thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau, trong đó có mạng lưới đội ngũ các đại lý cá nhân, tổ chức có sự gần gũi, thuận tiện trong việc truyền tải thông tin tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ liên quan khác với số lượng lớn khách hàng tham gia, tạo ra cộng đồng tiêu dùng đông đảo.

Dẫu vậy, nếu các sản phẩm bảo hiểm có thể được đóng gói đơn giản, thông qua các kênh phân phối thuận tiện, dễ dàng thì người tiêu dùng sẽ dần thay đổi hành vi và nhu cầu tiêu dùng thông qua các trải nghiệm người dùng thông minh, đúng thời điểm và bối cảnh tiêu dùng.

Điều này sẽ hoàn thiện khi sự kết nối giữa nhà cung cấp, người bán, người mua được thực hiện bởi các hệ thống công nghệ thông tin có khả năng đáp ứng được các yêu cầu trên. Đó là lý do tại sao việc kết nối các hệ sinh thái sẽ tạo ra nền tảng thay đổi hành vi tiêu dùng, phương thức bán hàng và tạo ra sự thành công trong kinh doanh trực tuyến.

Như vậy có nghĩa kết nối hệ sinh thái là một hình thức hợp tác chéo, nhưng ở quy mô rộng lớn hơn, có thể mang tính toàn cầu?

Đúng vậy. Hệ sinh thái trong bảo hiểm thực chất là hệ thống sở hữu một tệp khách hàng lớn, một cộng đồng đông đảo mà ở đó có thể triển khai các sản phẩm bảo hiểm. Đó có thể là ngân hàng, bệnh viện, hãng hàng không, khách sạn, các chuỗi cửa hàng giao dịch, sàn thương mại điện tử, viễn thông, bất động sản, showroom, gara… Trong đó, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng là một mô hình phân phối bảo hiểm quan trọng, có tốc độ tăng trưởng nhanh những năm gần đây.

Để dễ hình dung, lấy ví dụ là khi bán vé máy bay, nhân viên phòng vé có thể chào bán kèm bảo hiểm du lịch, bảo hiểm trễ chuyến…, hay khi bán điện thoại, người bán có chương trình bảo hành mở rộng hoặc bảo hiểm vỡ màn hình…, hoặc khi ngân hàng cho vay mua nhà, mua xe, thì đi kèm theo đó là dịch vụ bảo hiểm nhà, xe, tai nạn…

Những năm gần đây, không ít website bán bảo hiểm trực tuyến được lập nhưng hoạt động èo uột, thậm chí “chết yểu”, phải chăng là do thiếu một hệ sinh thái như trên?

Đó là lẽ hiển nhiên. Thời gian qua, có nhiều website bán bảo hiểm được lập, được đầu tư khá bài bản cả về hình thức lẫn nội dung với nhiều tham vọng, nhưng tiếc là sau đó dần thui chột, thậm chí ngừng hoạt động ngay từ khi chưa kịp ra mắt thị trường.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như nhiều người dùng chưa có thói quen mua online đối với sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp chưa đầu tư mạnh cho đội ngũ truyền thông, quảng cáo, thiếu sự tích hợp các sản phẩm trọn gói cộng với đội ngũ hỗ trợ bán hàng đông đảo… dẫn đến doanh số mang về không đủ nuôi sống được hệ thống của website... Song, nguyên nhân sâu xa vẫn là do thiếu một hệ sinh thái đủ lớn để vận hành trơn tru, chí ít là trong giai đoạn đầu. Nếu hội tụ đủ các yếu tố này thì sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc bán bảo hiểm trực tuyến.

Vậy mô hình hệ sinh thái bảo hiểm được triển khai như thế nào tại thị trường Việt Nam? Thách thức đối với việc triển khai bán bảo hiểm trực tuyến trong điều kiện hiện nay là gì?

Ở nhiều nước, mô hình hệ sinh thái bảo hiểm được triển khai mạnh mẽ. Tại Việt Nam, mô hình hình này được áp dụng khá thành công ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính tiêu dùng, viễn thông… và trở thành xu thế tất yếu cho sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, với lĩnh vực bảo hiểm, hệ sinh thái còn khá hạn chế do còn thiếu những hệ thống quy mô và thông minh, với khả năng hỗ trợ cả người bán và người mua trong việc lựa chọn sản phẩm theo bối cảnh. Để khắc phục vấn đề này, cần có sự đầu tư bài bản, mạnh mẽ cả về nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin… cùng với sự nghiên cứu và kinh nghiệm áp dụng thực tế từ nhiều thị trường đã triển khai thành công.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, trước hết cần nhìn nhận đây là một cơ hội lớn, là xu thế tất yếu của thị trường, để từ đó có được chiến lược đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, cần có tư duy sáng tạo về sản phẩm và phương thức triển khai nhằm đáp ứng cho việc áp dụng công nghệ thông tin cho toàn bộ chuỗi dịch vụ, từ marketing, giới thiệu sản phẩm… tới bán hàng và sau bán hàng.

Còn thách thức theo tôi thì có nhiều, nhưng rào cản lớn nhất hiện nằm ở sản phẩm và dịch vụ bồi thường. Sản phẩm phân phối trực tuyến cần đơn giản, dễ hiểu, dễ mua bán, còn thủ tục bồi thường cần nhanh chóng, thuận tiện, dễ ứng dụng công nghệ... Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý phù hợp với các mô hình kinh doanh mới, tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển thị trường trong bối cảnh hiện nay.

Kết nối hệ sinh thái đã và đang được các tập đoàn lớn trên thế giới thực hiện thành công tại nhiều thị trường. Ông có thể đưa ra một con số cụ thể?

Kết nối hệ sinh thái đồng nghĩa với việc kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới tại nhiều quốc gia. Theo đó, các tập đoàn sẽ đầu tư mạnh mẽ nhằm mục tiêu vừa mở rộng thị trường, vừa tạo ra mối quan hệ sâu sắc hơn với khách hàng và đối tác.

Như với Bolttech, việc kết nối các tập đoàn lớn trên thế giới được thực hiện thành công tại nhiều thị trường lớn, trong đó có Mỹ, với số phí bảo hiểm được giao dịch đạt khoảng 3 tỷ USD tính đến tháng 9/2020 và trên 2 triệu đơn bảo hiểm đang được vận hành. Hiện tại, Bolttech hoạt động tại 12 quốc gia trên khắp 3 khu vực là châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Kim Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục