Hoạt động tái chế đang nổi lên thay vì khai thác mỏ đất hiếm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn cung đất hiếm dồi dào của Trung Quốc có thể trở nên ít lợi thế chiến lược hơn nếu Mỹ và các đồng minh giảm nhu cầu bằng cách thu hoạch và tái chế các vật liệu từ thiết bị lỗi thời.
Hoạt động tái chế đang nổi lên thay vì khai thác mỏ đất hiếm mới

Hu Xinyue, nhà phân tích cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam cho biết, hoạt động tái chế có thể được đẩy nhanh hơn so với các mỏ mới vì có thể mất hàng thập kỷ để trở nên khả thi về mặt thương mại.

"Theo quan điểm thân thiện với môi trường, hoạt động tái chế làm giảm nhu cầu khai thác đất hiếm mới, do đó làm giảm cả dấu chân môi trường và năng lượng liên quan đến khai thác và chế biến", bà cho biết.

Đất hiếm là khoáng sản thiết yếu trong sản xuất nhiều công nghệ, được sử dụng trong sản xuất nhiều loại thiết bị điện tử từ điện thoại thông minh đến thiết bị quốc phòng tinh vi như hệ thống radar. Và khoáng sản này từ lâu đã được xem là con át chủ bài trong việc ngăn chặn hoặc ứng phó với một cuộc chiến thương mại leo thang. Trong khi đó, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm khi chi phối khoảng 60% hoạt động khai thác trên toàn cầu và hơn 85% công suất tinh chế.

Mỹ đã tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc vào tháng 9, nhưng theo nhà phân tích Hu Xinyue, sự phụ thuộc quá lớn của nước này vào Trung Quốc đối với đất hiếm cần thiết để sản xuất độc lập các công nghệ như vậy đã "làm dấy lên mối lo ngại rằng sự phụ thuộc này có thể trở thành điểm yếu đáng kể trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang".

Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã tăng 6,8% khối lượng trong 10 tháng đầu năm nay, nhưng nước này hiện đã cấm xuất khẩu các công nghệ khai thác đất hiếm cùng với công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm.

Nhà phân tích Hu Xinyue cho biết, chiến lược tận dụng thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc "rất hiệu quả" trong ngắn hạn nhưng "có thể không duy trì được mức độ ảnh hưởng tương tự" trong dài hạn, vì các chiến lược tái sử dụng và tái chế có thể đáp ứng 30 đến 40% nhu cầu đất hiếm tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu vào năm 2050.

"Mặc dù Trung Quốc có khả năng duy trì thế độc quyền trong chuỗi cung ứng đất hiếm, nhưng tính tuần hoàn gia tăng có thể dần dần giảm sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào Trung Quốc, cuối cùng làm giảm đòn bẩy địa chính trị đối với nguồn tài nguyên quan trọng này", bà cho biết thêm.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang đầu tư vào nhiều giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng đất hiếm để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Kể từ năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi hơn 439 triệu USD để giúp thiết lập các chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước. Công ty Lynas Rare Earths của Úc đã nhận được hơn 258 triệu USD vào năm ngoái để thành lập một cơ sở sản xuất tại Texas.

“Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy sẽ không ngay lập tức dẫn đến những thách thức đối với Trung Quốc…Mỹ vẫn thiếu một chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong nước để khai thác đến sản xuất từ ​​nam châm”, nhà phân tích Hu Xinyue cho biết.

Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông cho biết, hoạt động tái chế sẽ tốn kém hơn so với khai thác nguyên liệu thô mới, nhưng đó là điều mà các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào.

“Nếu giá đất hiếm tăng cao hơn, thì điều đó sẽ tạo ra nhiều động lực hơn để đầu tư nhiều hơn vào việc tái chế từ chất thải, chẳng hạn như từ máy tính không còn sử dụng”, ông cho biết.

Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết, tái chế là một ý tưởng hay, nhưng có thể tốn kém một cách quá mức, điều đó có nghĩa là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng bắt nguồn từ Trung Quốc hiện nay là tìm một nguồn cung khác.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), gần một nửa trữ lượng đất hiếm của thế giới nằm bên ngoài Trung Quốc, bao gồm 19% ở Việt Nam, 18% ở Brazil, 6% ở Ấn Độ và 4% ở Úc.

“Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng vẫn là một thách thức đáng kể…Ví dụ, năng lực tinh chế đặc biệt của Trung Quốc là 220.000 tấn mỗi năm - gấp 5 lần tổng công suất của phần còn lại của thế giới - và do đó sẽ mất nhiều năm để các quốc gia khác có thể theo kịp”, nhà phân tích Hu Xinyue cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục