Thực tế đáng lo ngại
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, vấn đề sở hữu nhà nước gắn với quản trị DN nhà nước luôn tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất, đã là sở hữu nhà nước bao giờ cũng phải có người đại diện, hay nói cách khác là vắng “ông chủ” thật sự. Thứ hai là xung đột lợi ích giữa người đại diện và chủ sở hữu.
Hai vấn đề này là muôn thủa, bởi vậy để bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, đồng thời tạo điều kiện tốt để nâng cao giá trị DN, qua đó nâng cao giá trị phần vốn nhà nước tại DN, tổ chức quản lý vốn cần quan tâm đặc biệt với việc kiện toàn hệ thống người đại diện.
Ở nhiều DN, cái khó của người đại diện là họ đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò: lãnh đạo DN, người đại diện vốn nhà nước, thậm chí cả cổ đông. Trong thực tế, vô số vấn đề nảy sinh khiến người đại diện khó xử, chẳng hạn, DN muốn thực hiện phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động để khuyến khích họ gắn bó và cống hiến, song lại làm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại DN; cổ đông nhà nước muốn DN trả cổ tức bằng tiền nhưng DN muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu để lấy vốn đầu tư phát triển; nhà nước muốn DN đầu tư vào nông nghiệp vì an sinh xã hội nhưng các cổ đông khác lại không bằng lòng vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao…
“Người đại diện nên quyết định như thế nào?”, câu hỏi này đã nhiều lần được đặt ra với các chuyên gia quản trị quốc tế tại nhiều hội thảo ở Việt Nam. Bà Anne Molyneux, đến từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã trả lời: “Người đại diện hãy bỏ phiếu vì lợi ích của DN. Và cái tài của người đại diện và cổ đông nhà nước là làm thế nào để lợi ích của DN gắn liền với lợi ích của nhà nước, DN phát triển tốt, mọi cổ đông đều được lợi”.
Với những kinh nghiệm đầu tư vào nhiều DN Việt Nam, một chuyên gia đến từ Red River Holdings nhận xét, lợi ích, khen thưởng của người đại diện trong nhiều trường hợp không gắn liền với hiệu quả kinh doanh của DN, mà phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Việc này dẫn đến tình trạng người đại điện sợ trách nhiệm nên không dám hoặc chậm đưa ra quyết định, ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của DN. Đặc biệt, ở một số DN, ban lãnh đạo công ty, đã hạn chế cung cấp thông tin, điều chỉnh lợi nhuận nhằm mục đích mua thâu tóm công ty từ nhà nước, hoặc các cổ đông khác với giá rẻ.
Vậy kiện toàn như thế nào để người đại diện vốn thực sự là cánh tay nối dài của nhà nước? Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phải chọn những người có năng lực, chuyên nghiệp và quy trách nhiệm rõ ràng, thưởng phạt phân minh. Cái đáng sợ nhất là chế độ làm tập thể, cơ chế vô thưởng vô phạt, đùn đẩy trách nhiệm, thưởng có công, tội không chịu.
Nhân rộng thông lệ tốt
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC đã xây dựng hệ thống người đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN, trong đó có sự kết hợp giữa cán bộ tại DN và cán bộ của SCIC nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phối hợp giữa SCIC với người đại diện, giữa người đại diện với ban điều hành DN và giữa cổ đông SCIC với DN.
Căn cứ tình hình từng DN, SCIC lựa chọn người đại diện để đề cử vào các vị trí điều hành như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc… Khi cân nhắc đề cử người đại diện tham gia bộ máy điều hành DN, SCIC chủ yếu sử dụng người đại diện là cán bộ đang công tác tại chính DN đó. Cán bộ SCIC chỉ đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT hoặc được biệt phái trực tiếp tham gia ban giám đốc DN trong 2 trường hợp: DN đang gặp khó khăn cần cổ đông nhà nước can thiệp trực tiếp hoặc DN thuộc diện nhà nước nắm giữ lâu dài, hay đang cần tái cơ cấu để nâng cao giá trị, bảo đảm cho việc thoái vốn thành công và đạt hiệu quả cao.
Thực tế, việc cử cán bộ SCIC làm việc trực tiếp đã giúp nhiều DN có được những kết quả tích cực. Chẳng hạn, tại Vinaconex, SCIC đã hoàn thiện bộ máy quản trị, biệt phái cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc tài chính của Vinaconex và Phó giám đốc tài chính CTCP Xi măng Cẩm phả để điều hành hoạt động tài chính, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền.
Hay tại Đại hội đồng cổ đông hết nhiệm kỳ tháng 4/2015 vừa qua, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinare thay cho ông Trịnh Quang Tuyến đến tuổi về hưu. Việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới đã được Bộ Tài chính phê duyệt thông qua. Tại CTCP Sa Giang, SCIC có 3 người đại diện vốn, cơ cấu HĐQT của Sa Giang được xem là phù hợp theo thông lệ quản trị tiên tiến khi cân bằng giữa số lượng thành viên HĐQT điều hành và không điều hành, thành viên độc lập và Chủ tịch HĐQT không điều hành.
Người đại diện của SCIC có quy chế hoạt động, được hỗ trợ khi cần thiết, được tham gia nhiều khóa đào tạo của Tổng công ty... Dưới sự tư vấn và hỗ trợ của JICA, SCIC đã hoàn thiện nội dung cuốn tài liệu “Hướng dẫn biểu quyết” vào tháng 12/2015. Đây là tài liệu tham khảo quan trọng đối với hệ thống người đại diện vốn của SCIC tại các DN, hướng dẫn người đại diện cách thức đưa ra quyết định về các vấn đề quản trị DN tại các kỳ họp đại hội cổ đông và họp hội đồng quản trị, dựa trên các thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới.
Sau khi được phổ biến lần đầu và lấy ý kiến, Bản dự thảo hướng dẫn biểu quyết đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người đại diện vốn. Tài liệu này sau đó đã được áp dụng thử nghiệm tại kỳ đại hội cổ đông tháng 4/2016 và sẽ được xem xét, chỉnh sửa định kỳ hàng năm nhằm phù hợp với thực tế áp dụng tại DN, cũng như những thay đổi về tình hình kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, JICA còn hỗ trợ SCIC xây dựng “Bộ quy tắc quản trị DN” sử dụng cho các cán bộ quản lý vốn đầu tư và “Bộ chỉ số quản trị rủi ro” dùng cho các hoạt động đầu tư mới của SCIC. Cùng với Hướng dẫn biểu quyết, các tài liệu này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị vốn tại các DN, thông qua đó thúc đẩy DN hoạt động lành mạnh, hiệu quả và nâng cao giá trị.
Ông Takahashi Akito, Phó Trưởng đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, mô hình đang được áp dụng tại SCIC rất cần được tham khảo rộng rãi, bởi tại Việt Nam, Nhà nước đang là cổ đông lớn tại rất nhiều DN. Thực trạng này dẫn đến việc cần thiết phải thông qua một cơ chế quản trị thích hợp để quản lý những cổ đông lớn, việc phát triển và công khai các “Quy tắc ứng xử” của cổ đông Nhà nước sẽ là cần thiết để chuẩn hóa ứng xử của cổ đông này.
Cần hoàn thiện khung pháp lý về người đại diện vốn nhà nước
Luật cũng quy định khá rõ nếu các chức danh quản lý DNNN lấy từ viên chức, công chức thì họ phải thôi không nằm trong diện đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều quy định hướng dẫn luật hoặc các văn bản dưới luật chưa thể hiện rõ tinh thần đó, thậm chí đi ngược lại. Chẳng hạn, quy định người đại diện vốn nhà nước là viên chức, công chức hay áp trần lương thưởng với các vị trí quản lý trong DN… Bởi vậy, cùng với việc đổi mới tái cấu trúc, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, rất cần hoàn thiện khung pháp lý về người đại diện vốn nhà nước để họ hiểu và có căn cứ làm tròn vai của mình, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
SCIC đã chủ động phối hợp và trợ giúp rất nhiều
Tôi cho rằng, công tác đại diện vốn nhà nước tại DN rất quan trọng. Tại FPT Telecom, SCIC đã liên tục phối hợp với người đại diện, cập nhật tình hình của Công ty. Đồng thời, luôn đồng hành, theo sát bàn bạc, cùng ban điều hành tìm ra định hướng, chỉ đạo về chiến lược nhằm nâng cao năng suất lao động, sử dụng tối đa hiệu quả nguồn vốn, đem lại lợi ích cho cổ đông và Công ty. Một số ý kiến cho rằng, mệnh lệnh hành chính nhà nước nhiều khi mang tính áp đặt, khiến DN không hoạt động hiệu quả, gây bất đồng. Tuy nhiên, tại FPT Telecom, tôi không thấy có sự chồng chéo nào. SCIC đã chủ động phối hợp và trợ giúp chúng tôi rất nhiều.
Nên tổ chức hướng dẫn, thảo luận về quy chế người đại diện
Hệ thống người đại diện là một phần của Tổng công ty nên rất mong SCIC quan tâm tới quyền lợi của người đại diện, đặc biệt ở một số DN sau khi Tổng công ty thoái vốn. Bên cạnh đó, hàng năm, Tổng công ty có tổ chức đánh giá khen thưởng người đại diện. Theo tôi, nên cung cấp kết quả đánh giá chi tiết để người đại diện biết được những gì mình đã làm tốt, những gì cần phải làm tốt hơn nữa.