Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh cho biết, với các sản phẩm nhập khẩu bằng đường chính ngạch, chi phí và thời gian vận chuyển sẽ lâu hơn, nên giá thành cao hơn. Còn những sản phẩm nhập theo đường tiểu ngạch, hay hàng gia công, sản xuất trong nước, giá thành sẽ rẻ hơn.
Ngoài ra, giá bán lẻ sản phẩm còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, hoặc số lượng hàng nhập, hay nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, cùng một dòng sản phẩm của một thương hiệu, nhưng mỗi đơn vị bán lẻ lại đưa ra mức giá khác nhau, tùy vào chi phí mặt bằng, nhân công, quản lý doanh nghiệp, makerting…
Chẳng hạn, với các sản phẩm của PTCasa, do đơn vị này làm thương hiệu rất mạnh, nên giá bán cũng cao hơn so với các đơn vị khác, dù chất lượng sản phẩm có thể tương đương.
“Thực ra, nếu bóc tách từng sản phẩm và cơ quan quản lý đưa ra được một chế tài, quy định chặt chẽ về chi phí quảng cáo, cũng như yêu cầu niêm yết giá công khai, thì người tiêu dùng sẽ lợi hơn”, ông Cường chia sẻ.
Lý giải về việc cùng một sản phẩm, nhưng mỗi đơn vị bán một giá khác nhau, gây khó khăn cho người tiêu dùng, ông Cường lý giải, đây là câu chuyện của PR, makerting.
“Chưa bàn đến chất lượng sản phẩm, nếu một đơn vị làm makerting, PR tốt, thì khách hàng đến với họ sẽ đông hơn các đơn vị khác. Bởi tâm lý người tiêu dùng đôi khi bị đánh lừa ảo giác bởi PR. Cùng một sản phẩm, nhưng đơn vị PR tốt sẽ bán hàng tốt hơn và giá thành cao hơn”, ông Cường nói.
Về phía khách hàng, ông Đỗ Hữu Thắng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một khách hàng đang tìm mua sofa cho biết: “Thị trường sofa hiện nay rất nhiều loại và giá thành cũng khác nhau. Khi tôi tìm mua cũng không am hiểu gì về dòng sản phẩm này, mà chỉ lên mạng tra, chọn mẫu ưng ý. Tiếp đó, so giá thành ở từng cửa hàng, nơi nào hợp lý thì mua. Tin vào thương hiệu cũng chỉ một phần, vì tôi không am hiểu và chỉ đặt niềm tin vào nhà phân phối thôi”.
Ở một góc độ khác, ông Trường (ở 460 Khương Đình, Thanh Xuân), một người có kinh nghiệm kinh doanh sofa cả chục năm nay cho biết, cùng một sản phẩm, chất lượng, kích thước, màu sắc, nhưng mỗi đơn vị lại bán với giá khác nhau, vì người tiêu dùng có niềm tin vào thương hiệu của công ty. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, sử dụng các thủ thuật trong kinh doanh để lừa người tiêu dùng. Tức là, khi thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng, có đơn vị bán 10 sản phẩm, sẽ cài cắm một vài sản phẩm kém.
“Có nhiều đơn vị phân phối nội thất có tiếng trên thị trường hiện nay quảng cáo không có một sản phẩm nào nhập từ Trung Quốc, nhưng thực tế có đến 90% sản phẩm nhập từ thị trường này”, ông Trường nói.
Ngoài ra, theo ông Trường, sofa cũng là một sản phẩm mang tính thẩm mỹ, nên việc định giá cũng khó lường. Tùy thuộc vào gu thời trang, xu hướng tiêu dùng của khách hàng, mà họ có thể chi ra cả trăm triệu đồng cho một bộ sản phẩm.
Thiết nghĩ, để đảm bảo lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng, hơn lúc nào hết, cần có sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan để giám sát từ xuất xứ, đến chất lượng sản phẩm sofa.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com