Tôi đi mua sofa

(ĐTCK) Như bao người đàn ông khác mơ ước sớm hoàn thành các việc trọng đại trong đời, tôi vừa tậu được cho gia đình một căn hộ vừa ý và chuẩn bị chuyển về sinh sống. Nhưng bên cạnh niềm vui nhà mới, giai đoạn lựa chọn nội thất đúng là khiến người ta hoa mắt với các nhãn hiệu thượng vàng hạ cám. Câu chuyện mua bộ sofa mới của tôi cho thấy sự phức tạp của thị trường nội thất, mà một người dân bình thường dù có hiểu biết cũng dễ lạc vào mê hồn trận.
Những bộ sofa nảy ở Quảng Châu (Trung Quốc) có giá từ 5-10 triệu đồng/bộ. Về Việt Nam sẽ tăng giá từ 4 đến 5 lần Những bộ sofa nảy ở Quảng Châu (Trung Quốc) có giá từ 5-10 triệu đồng/bộ. Về Việt Nam sẽ tăng giá từ 4 đến 5 lần

1. Cả hai vợ chồng tôi đều như “lạc vào mê cung” sofa vì không có một chút kiến thức cũng như quen biết ai kinh doanh dòng sản phẩm này.

Người bạn đầu tiên chúng tôi tìm đến chính là google, chỉ cần gõ cụm từ “mua sofa” là có đến hàng ngàn địa chỉ giới thiệu về sản phẩm này. Tuy nhiên, cũng chỉ “nhìn trăng đáy nước” vì không có vốn kiến thức gốc, không biết cách nhận biết thật giả, hàng chất lượng, hàng kém chất lượng như thế nào.

Thế rồi, tôi quyết định cất công “cắp tay nải” lên đường tìm hiểu để mua cho mình bộ sofa ưng ý, vừa “hầu bao” nhưng phải phù hợp với căn phòng và cả màu sắc hợp phong thủy nữa.

May mắn, tôi được người chị giới thiệu cho anh bạn tên Trường ở Thanh Xuân với thâm niên 10 năm trong nghề sofa để tư vấn về dòng sản phẩm này.

Trước những thắc mắc về nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng Trung Quốc và nhập từ các thị trường khác, anh Trường cho biết: “Thực ra, việc đánh giá thị trường sofa hiện nay người có thâm niên trong nghề như chúng tôi đôi lúc còn bị hớ chứ đừng nói đến người tiêu dùng. Vì sản phẩm nhiều nguồn gốc, xuất xứ và có nhiều chất lượng khác nhau rất khó kiểm chứng”.

Theo thống kế của giới trong nghề như anh Trường, trên thị trường sofa hiện nay có  khoảng 90% là sản phẩm nhập từ Trung Quốc qua hai đường tiểu ngạch và chính thống, giá cả thì cũng "trên trời dưới đất".

Hầu hết người tiêu dùng Việt đang bị hớ khi mua sofa 

“Tôi là người sang Quảng Châu (Trung Quốc) rất nhiều để khảo sát về thị trường sofa. Hầu như tất cả các sản phẩm, mẫu mã sofa đang bày bán ở thị trường Việt Nam, bên đấy đều có và giá thì thấp hơn gấp 4 đến 5 lần. Ví dụ với bộ sofa hạng trung bình ở Quảng Châu có giá 2 đến 5 triệu đồng tiền Việt thì khi nhập về Việt Nam họ bán với giá từ 20 - 25 triệu đồng/bộ. Còn nếu nhập chính ngạch từ Quảng Châu với giá 15 - 20 triệu đồng/bộ thì về Việt Nam sẽ bán với giá từ 80 - 90 triệu đồng/bộ.

Theo anh Trường, hiện nay, có nhiều đơn vị phân phối tại Việt Nam nhập hàng từ Trung Quốc về nhưng lại bán với nhãn xuất xứ khác. Việc này khiến cho người tiêu dùng luôn bị hớ khi mua sản phẩm và cả chính những đơn vị kinh doanh mặt hàng này một cách chính thống, minh bạch gặp khó khăn trong cạnh tranh. Cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được, vì khi kiểm tra họ chỉ kiểm tra CO, CQ và giấy tờ xuất xứ chứ không biết thực chất sản phẩm đó như thế nào.  

2. Sau khi nhận được những “câu chuyện cảnh giác” từ Trường, tôi tiếp tục tìm đến các hãng sofa lớn hiện nay ở Hà Nội để khảo sát. Nhãn hiệu đầu tiên tôi ghé thăm là Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh có địa chỉ ở 321 Trường Chinh.

Sau khi tiếp nhận hàng loạt những câu hỏi về cách nhận biết về sofa như: chất liệu da, mút, độ bóng, độ mịn, lò xo, cách nhận biết xuất xứ, hàng nội địa, hàng nhái,… anh Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty Nhà Xinh cho biết, thực ra thị trường sofa hiện nay rất đa dạng từ vật liệu đến xuất xứ. Cả hàng nội, hàng ngoại, nhưng hàng có chất lượng cao cấp sản xuất tại Italia và một số quốc gia uy tín khác chỉ chiếm 10% trong tổng số sản phẩm bày bán hiện nay ở Việt Nam.

 Anh Cường đang giúp chúng tôi cách nhận biết sản phẩm sofa tốt xấu

Bên cạnh đó, những hàng nội địa, may đo (đóng theo yêu cầu của khách hàng) thì nguyên liệu đến từ Trung Quốc chiếm đến 70%. Đấy là chưa kể đến lượng lớn sofa giá rẻ được sản xuất ở Hà Tây. Người ta sản xuất đại trà, đủ loại mẫu mã và xuất đi các tỉnh, thành phố trên cả nước. Với giá từ 4 đến 6 triệu đồng/bộ, thậm chí là 10 triệu đồng/bộ thường có chất lượng kém.

Anh Cường cho biết, nếu xét về tổng quan thị trường và lượng tiêu thụ hiện nay thì phân khúc giá rẻ, trung bình đang có lượng tiêu thụ mạnh nhất với giá trung bình từ 20 - 50 triệu đồng/bộ.

“Nhưng nhận biết hàng chính hãng, hàng tốt hay xấu thì cũng chỉ có giới trong nghề như chúng tôi mới có khả năng, còn khách hàng thì khó lắm”, anh Cường chia sẻ.

Tiếp chuyện một khách hàng tò mò như tôi, Cường tiếp tục tiết lộ thêm về cách nhận biết hàng nhập từ Trung Quốc và các nhãn hàng có uy tín trên thế giới như: Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… đối với hàng nhập nguyên bộ, chủ yếu vẫn bằng con mắt trực quan. Tuy nhiên, nếu không được người trong nghề “chỉ giáo” thì có lẽ hầu hết “thượng đế” đều mù tịt về nguồn gốc thực của sản phẩm.

Bằng chứng là anh Tuấn, người tiêu dùng ở tận TP. Vinh (Nghệ An) cũng tìm ra tận cửa hàng của Nội Thất Xinh để mua sofa. Khi được hỏi về kinh nghiệm, hiểu biết về sản phẩm, Tuấn chỉ cười rồi lắc đầu cho biết: “Thực ra, tôi cũng chỉ xem qua mạng và thấy bộ nào ưng ý, vừa túi tiền, phù hợp với không gian nhà mình thì mua chứ không hiểu gì về sản phẩm này cả”.

“Trong Vinh cũng rất nhiều, nhưng toàn những sản phẩm nhìn có vẻ không bắt mắt, kém chất lượng và cửa hàng không có uy tín lắm nên tôi tìm ra đây cho chắc ăn”, Tuấn chia sẻ thêm

Còn theo kinh nghiệm của anh Cường, việc đầu tiên khi đánh giá bộ sofa nhập khẩu tốt, trước hết khách hàng phải yêu cầu xem giấy tờ xuất xứ sản phẩm, CO CQ đến từ nước nào. Tuy nhiên, với những giấy tờ này cũng khó kiểm chứng. Do đó,  cách nhận biết tốt nhất vẫn là trực quan, mẫu mã phải bắt mắt, cân đối, tỷ lệ nhân trắc học (tức là khi ngồi phải thoải mái, không quá thấp, không quá cao…).

Tiếp đến là độ đàn hồi của mút và lò xo phải đều, êm và không bị cứng. Đường chỉ may phải kín, mịn, không lộ rõ các đường kim, mũi chỉ, hơn nữa da phải bóng, mền có độ nhăn hợp lý để khi ngồi không bị căng và rách, phom dáng, da hơi phồng, căng mặt là tốt còn xẹp là hàng kém chất lượng, da càng mềm thì chứng tỏ da tốt (đối với da công nghiệp),… Tuy nhiên, những yếu tố trên còn tùy thuộc vào mức giá từng mẫu bạn định chọn mua, vì thường là “tiền nào của ấy”.

Giải thích về hàng may đo trong nước, Cường cho biết, hầu hết các vật liệu cũng đều nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng khách hàng phải biết cách chọn chất liệu tốt, từ khung, mút, lò xo… và quan trọng là da. Để nhận biết da tốt hay xấu, cách thử hay nhất là bạn chỉ cần dùng bật lửa hơ sát vào. Nếu da thật sẽ có mùi chất sừng còn giả da có mùi khét của nhựa, hoặc độ đàn hồi của da thật bao giờ cũng tốt hơn da giả.

Mặt khác, khi xem da, khách hàng có thể xem độ rộng lớn của da, nếu da nhập từ Italia hay Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc hay các nước khác đều khác nhau. Để phân biệt da có xuất xứ từ châu Âu hay châu Á, người ta tính bằng đơn vị bia, một bia bằng 30 cm và bò xuất xứ từ châu Âu phải từ 80 đến 100 bia mới chính xác. Ngoài ra, thương hiệu của đơn vị bán hàng cũng là một tiêu chí cho bạn đánh giá về độ “chuẩn” của bộ sofa tốt.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục