Hiệp hội mía đường tiếp tục phản ứng vụ nhập đường của HAG

(ĐTCK) Hiệp hội Mía đường Việt Nam lo ngại, việc cho phép Công ty cổ phần Đường Biên Hòa tạm nhập đường thô của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại Lào để gia công rồi tái xuất sẽ đặt các doanh nghiệp đường trong nước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt.
Hiệp hội mía đường tiếp tục phản ứng vụ nhập đường của HAG

Xuất phát từ mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư tại Lào và tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mà không ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công thương đã đề nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt - Lào cho phép Công ty cổ phần Đường Biên Hòa được nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của HAGL. Số đường này sẽ được gia công, tinh luyện và sau đó bán toàn bộ sang nước thứ 3 qua các cửa khẩu phụ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cũng cam kết sẽ cùng Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lào Cai xây dựng quy trình để giám sát việc tạm nhập, tái xuất số đường này để không thẩm lậu vào nội địa, gây ảnh hưởng đến thị trường đường trong nước.

Đề nghị chính thức trên được đưa ra sau khi Bộ Công thương lấy ý kiến của các bộ liên quan và đều nhận được câu trả lời đồng tình hoặc không phản đối, trừ Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, vụ đường 2013-2014, cả nước dự kiến sản xuất được 1,6 triệu tấn đường. Cùng với lượng đường của vụ trước còn tồn, nguồn cung sẽ vượt cầu khoảng 500.000 tấn. Với thực tế tiêu thụ của các nhà máy đường còn nhiều khó khăn, lượng đường dư thừa trong nước chủ yếu được giải quyết bằng việc xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ. Tuy nhiên, việc ngăn chặn đường lậu và quản lý đường tạm nhập, tái xuất còn nhiều bất cập khiến các nhà sản xuất đường trong nước lo ngại.

Dĩ nhiên, lo lắng trên là có cơ sở. Theo nhận xét của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sự phát triển của ngành mía đường trong nước chưa thực sự bền vững do năng suất và chất lượng mía nguyên liệu của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, giá mía được các nhà máy duy trì ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới, khiến chi phí nguyên liệu chiếm tới 75-80% giá thành sản xuất, trong khi bình quân thế giới ở mức 70%.

Đường do HAGL đầu tư tại Lào có chi phí thấp do có nhiều ưu đãi của Chính phủ Lào. Với giá mía chỉ có 296.000 đồng/tấn, nên giá thành sản xuất đường tại Lào của HAGL chỉ là 4,32 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, tại Việt Nam, với giá mía từ 950.000 - 1.150.000 đồng/tấn, tức là chiếm 9 - 11 triệu đồng trong giá thành 1 tấn đường, nên cơ hội cạnh tranh của đường sản xuất tại Việt Nam với đường của HAGL tại Lào là không thể, nếu không có các hàng rào quan thuế và phi quan thuế. Chi phí sản xuất đường cao tại Việt Nam cũng khiến cho đường nội khó cạnh tranh với đường Thái Lan hay Brazil  - các cường quốc sản xuất và xuất khẩu đường hiện nay của thế giới.

Trên thực tế, hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm đang có xu hướng giảm, năm 2010 là 300.000 tấn, năm 2011 khoảng 250.000 tấn, năm 2013 là 73.500 tấn và chỉ chịu thuế nhập khẩu ưu đãi 5-15%, thậm chí thấp hơn nữa khi nhập khẩu từ Lào. Còn đường ngoài hạn ngạch có mức thuế nhập khẩu cao hơn hẳn, tới 80%, khiến tình trạng buôn lậu đường ngoại từ các nước có ngành đường phát triển như Thái Lan, đặc biệt là qua con đường tạm nhập, tái xuất đang diễn ra.

Số liệu của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay, từ năm 2011 đến giữa năm 2013, đã có 102 vụ vi phạm trong tạm nhập, tái xuất mặt hàng đường bị phát hiện, với 13.805 tấn hàng vi phạm. Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền tới 2,432 tỷ đồng.

Sự xâm lấn của đường ngoại buôn lậu cũng khiến ngành đường Việt Nam mất 30% thị trường nội địa và đang phải tìm cách xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ để không phải đóng cửa nhà máy. Bởi vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam không thể ngồi nhìn HAGL được nhập khẩu đường thô để về gia công, tinh luyện tại Việt Nam và sau đó tái xuất để giành thị trường tiêu thụ của mình.

Đề nghị chỉ cho phép HAGL tạm nhập chính ngạch và tái xuất cũng chính ngạch, qua các cửa khẩu chính và có sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng liên quan, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Thành Long cũng cho rằng, việc cho phép tạm nhập, tái xuất đường của HAGL và Công ty cổ phần Đường Biên Hòa sẽ gây ra thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước và hàng triệu công nhân, trong khi chỉ có hai doanh nghiệp được hưởng lợi.

“Chưa kể, việc này sẽ tạo tiền lệ để các nhà máy, thương nhân nhập khẩu đường từ nước ngoài về chế biến rồi xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, cũng như khuyến khích các nhà máy bỏ bảo hiểm giá mua mía tối thiểu đang có lợi cho nông dân”, ông Long nhận xét.

Thanh Hương(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục