Một trong những câu hỏi được ông Phạm Ngọc Thao, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Sơn La (SLS) nêu lên tại cuộc gặp mặt DN niêm yết của UBCK và HNX ngày 16/8 vừa qua là với một DN đã đưa cổ phiếu lên niêm yết như Công ty ông, nếu muốn bán cổ phần cho nông dân theo một mức giá ưu đãi, có cách nào để thực hiện?
Đây là băn khoăn lớn với Công ty ông lúc này, vì cổ đông Nhà nước (hiện nắm 47,46% vốn) đang có nhu cầu thoái vốn, nhưng nếu thoái qua sàn thì người nông dân trồng mía không biết làm thế nào mua được.
Theo ông Phạm Ngọc Thao, các DN sản xuất mía đường có mối quan hệ mật thiết với người nông dân, chính là các hộ trồng mía, nguồn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Mong muốn của DN là có thêm nhiều cổ đông là các hộ nông dân trồng mía và các cán bộ - công nhân viên của DN tham gia mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn, vì điều này sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho DN. Tuy nhiên, SLS là DN đã niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong khi các nông dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc miền núi, không thể tiếp cận để biết được thông tin giao dịch trên sàn chứng khoán. Vì thế, muốn các hộ nông dân tham gia mua cổ phần thì cần xử lý thế nào?
Khi Nhà nước thoái vốn tại các DN mía đường nên ưu tiên bán cho các hộ trồng mía
Về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, SLS đang đóng hai vai, một là DN có vốn Nhà nước muốn bán bớt; hai là DN đã niêm yết cổ phiếu trên sàn. Ở vai thứ nhất, khi phần vốn Nhà nước muốn bán bớt ra công chúng, DN phải tuân thủ quy định hiện hành, theo đó, nếu bán dưới 10 tỷ đồng thì DN có quyền chọn đấu giá qua Sở GDCK hoặc tổ chức tài chính trung gian (CTCK); còn nếu bán trên 10 tỷ đồng thì DN bắt buộc phải bán đấu giá qua Sở GDCK. Ở vai thứ hai, khi bán vốn Nhà nước, thị giá cổ phần sẽ là căn cứ quan trọng để xác định giá bán, bởi thị giá là mức giá chung mà các cổ đông hiện hữu của Công ty xác lập nên.
Trường hợp DN muốn dành một lượng cổ phần Nhà nước bán cho người nông dân, hướng xử lý, theo ông Sơn là hoặc hướng dẫn người nông dân mua qua đấu giá; hoặc thông qua 1 nhà đầu tư độc lập mua qua đấu giá rồi phân phối lại cho người nông dân. Để có một cơ chế giá ưu đãi hơn cho đối tượng này, SLS phải được sự đồng thuận của tổ chức quản lý phần vốn Nhà nước tại DN và sự đồng thuận của cổ đông hiện hữu. Về phía UBCK, ông Sơn khẳng định, cơ quan này sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế giao dịch để thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại SLS.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HNX cho rằng, với DN niêm yết, không nhất thiết mọi giao dịch chuyển quyền sở hữu của các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước đều phải qua sàn niêm yết với mức giá bị quản lý chặt theo biên độ. Lý do, Luật Chứng khoán cho phép một số giao dịch đặc biệt, các cổ đông được chuyển nhượng ngoài hệ thống khi đáp ứng được các thủ tục pháp lý.
“Cổ đông Nhà nước khi muốn thoái vốn cũng có thể thực hiện xem xét cách này, nhất là khi muốn dành bán ưu đãi giá cho một bộ phận người mua”, ông Dũng nói.
SLS hiện có vốn điều lệ 68 tỷ đồng, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2013, SLS đã đạt 55 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi kế hoạch đặt ra là 16 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước tại SLS là DATC hiện nắm 47,46% cổ phần, nhóm cổ đông lớn tại TP. HCM và cũng là đối tượng tiêu thụ đường của Công ty nắm 45,2% cổ phần, cổ đông nhỏ và một số CBCNV nắm 7,34% cổ phần.
Một vấn đề nữa được lãnh đạo SLS và một số DN niêm yết thắc mắc là, khi DN muốn bán nợ, có phải xin phép UBCK không? Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng, Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho biết, các quy định pháp lý hiện hành về TTCK không có điều khoản nào kiểm soát việc bán nợ của DN. Nếu có, chỉ là ở việc DN phải công bố thông tin, khi giao dịch bán đó chạm ngưỡng phải công bố.
Cũng theo UBCK, điều vướng nhất trong vấn đề xử lý tài chính của DN có vốn Nhà nước hiện nay là ở chỗ, nhiều DN, cổ phiếu giá trên sàn rất thấp, muốn thoái vốn Nhà nước, nhưng quy định tại Thông tư 117/TT-BTC không cho phép DN được bán cổ phần Nhà nước dưới mệnh giá. Để xử lý vướng mắc này, UBCK sẽ có đề xuất Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 117 theo hướng mở hơn, tạo điều kiện cho DN bán cổ phần theo mức giá do cung - cầu thị trường quyết định.