Đường của HAG có đi chệch hướng?

BHS đã được phép nhập 30.000 tấn đường của HAG từ Lào về Việt Nam tinh luyện để xuất khẩu sang Trung Quốc. Vấn đề khiến các doanh nghiệp mía đường trong nước lo lắng là liệu đường đi của số lượng đường này có đúng như HAG đã công bố?
Nông trường mía của HAG ở Attapeu, Lào Nông trường mía của HAG ở Attapeu, Lào

Đường HAG vào, đường BHS ra?

 

Mặc cho các doanh nghiệp đường trong nước phản đối, Bộ Công Thương đã có công văn đồng ý cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) nhập khẩu 30.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam tinh luyện để xuất khẩu sang Trung Quốc. HAG cho biết, việc nhập số đường này chỉ là tạm nhập tái xuất, sau khi gia công tại nhà máy tinh luyện của BHS sẽ xuất đi hết và “không bán một hạt đường nào trong nước”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước vẫn lo ngại.

 

Theo quy định, thời gian hàng hóa được lưu lại ở Việt Nam trước khi xuất là 120 ngày (khoảng 4 tháng). Ngoài ra, doanh nghiệp được gia hạn tối đa 60 ngày nữa. Với thời gian này, không thiếu cách để lượng đường này chảy ra thị trường trong nước.

 

Chuyên gia Tài chính Doanh nghiệp Hoàng Thạch Lân cho rằng trên thực tế, BHS có thể tận dụng đường giá rẻ của HAG để bán lẻ sau khi gia công và thu được lợi nhuận khá cao. Theo HAG, chi phí sản xuất đường của Công ty rất thấp - thấp nhất thế giới, nhờ lợi thế công nghệ và quy mô. HAG đã xây dựng nhà máy đường công suất 7.000 tấn mía/ngày với công nghệ hiện đại mua của Thái Lan và vùng nguyên liệu 6.000 ha mía tự trồng trong mùa vụ 2011-2012. Trong khi đó, công suất sản xuất đường ở một số nhà máy trong nước cao nhất chỉ vào khoảng 5.000 – 6.000 tấn/ngày vì diện tích manh mún. Giá đường trong nước luôn cao hơn thế giới 30% là vì vậy.

 

Sau khi bán xong, BHS có thể dùng đường của mình để xuất như đã đăng ký. Nếu xuất sang Trung Quốc, BHS còn được hoàn thuế giá trị gia tăng 5%. Nếu thực hiện theo cách này, đây quả là kế hoạch lợi cả đôi đường cho BHS. Bởi lẽ, BHS vừa có lợi nhuận, vừa giảm được lượng hàng tồn kho đang tăng cao. Tính đến cuối quý III/2013, BHS đã tồn kho một lượng đường khoảng 496 tỉ đồng, bằng 16% doanh thu năm 2012, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2013, BHS cũng ghi nhận khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử kinh doanh đường - gần 16 tỉ đồng.

 

Đường của HAG có đi chệch hướng? ảnh 1

Biến động lợi nhuận và tồn kho 3 quý đầu năm 2012 và 2013 của BHS

 

Lo ngại thứ hai là BHS có thể bán một phần lượng đường này cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm trong nước. Sau khi gia công xong, BHS sẽ xuất khẩu và các doanh nghiệp thực phẩm có thể mua một phần lượng này bằng thủ tục nhập tại chỗ. Thông thường, các doanh nghiệp này nhập một phần đường từ nước ngoài và mua một phần từ BHS. Nay nếu nhập tại chỗ, họ vừa được lợi về thời gian, vừa đỡ chi phí vận chuyển.

 

Như vậy, cả hai khả năng trên đều có thể khiến đường HAG thâm nhập thị trường trong nước vốn đang được bảo hộ khá chặt chẽ.

 

“Lo thì cũng phải lo”

 

Cơ sở để các doanh nghiệp trong ngành lo lắng là BHS sẽ đứng ra xuất đường, theo văn bản gửi 4 bộ ngành liên quan của Bộ Công Thương. Nếu theo quy định tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp nào nhập thì doanh nghiệp đó xuất. Nếu xét trường hợp của HAG thì chẳng khác nào HAG bán đứt đường cho BHS.

 

Ông Lê Văn Dĩnh, Phó Chủ tịch Công ty Đường Bourbon Tây Ninh (SBT), nhìn nhận: “Lo thì cũng phải lo, nhưng tôi tin pháp luật có đủ các quy định để ràng buộc”. Theo ông, các khả năng trên đều có thể xảy ra, nhưng nếu doanh nghiệp chưa vi phạm thì cũng chưa nói được gì. Ông hy vọng, với vị thế là doanh nghiệp lớn trong ngành, HAG sẽ làm đúng quy định và đúng như thông tin do doanh nghiệp này đã công bố.

 

Ông Dĩnh cũng cho rằng việc nhập đường của HAG, trước mắt sẽ có lợi ở một số mặt. Các nhà máy đường ở Việt Nam chỉ hoạt động được một mùa (khoảng tháng 11 đến tháng 6 hằng năm), còn lại nhà máy bị bỏ phí công suất. Nếu có thêm hàng, nhà máy tinh luyện của BHS sẽ đỡ phí công suất. Hiện nay, cơ cấu sản xuất và gia công của BHS là 50 - 50. Xa hơn, việc này còn tạo ra thêm công ăn việc làm và nhà nước cũng thu được thêm thuế.

 

Ngành đường trong nước đã được bảo hộ trong thời gian dài, nhưng năng lực cạnh tranh hầu như vẫn còn rất yếu. Ông Dĩnh cho rằng, việc nên làm lúc này của các doanh nghiệp đường là tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến năm 2015, khi cộng đồng chung ASEAN được thành lập, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ về mức 0%. Đây mới là điều thực sự đáng lo của các doanh nghiệp đường trong nước.

 

Nhìn xa hơn, tranh cãi xung quanh vụ nhập đường của HAG cũng chỉ nhắm đến mục tiêu bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Nhưng còn người tiêu dùng và nông dân thì không ai nhắc tới. Lâu nay, chuyện bảo vệ quyền nông dân trồng mía luôn được đưa ra như “một tấm bia” để chống lại các yêu sách nhập khẩu đường. Nhưng thử hỏi, có nông dân nào tuyên bố giàu lên nhờ trồng mía? Còn hàng chục triệu người tiêu dùng trong nước đang phải mua đường với giá cao hơn 30% mức trung bình của thế giới thì sao? Người tiêu dùng phải cắn răng chịu đựng trong khi các doanh nghiệp sản xuất đường vẫn công bố lãi to đều đều.

>> Hết BĐS, đến ngành đường sốc vì bầu Đức


NCĐT

Tin cùng chuyên mục