“Cái cần không có, cái có thì không cần”
Đó là nhận xét của một cổ đông tổ chức khi tham gia mua cổ phần của một tổng công ty thuộc ngành giao thông trong đợt IPO diễn ra đầu năm nay. Cổ đông rất muốn nắm bắt thông tin về tình hình triển khai dự án, diễn biến ký kết các hợp đồng kinh tế, hiệu quả kinh doanh, nhưng website của DN rất ít cập nhật. Thay vào đó, những thông tin trái với khẩu vị của cổ đông lại được đăng tải dày đặc như thông tin về giải bóng đá, tennis, hội thi tiếng hát…
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, trên trang thông tin điện tử của nhiều “ông lớn” như: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (CIENCO 1), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP (CIENCO 8), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (CIENCO 4)… không có mục thông tin cổ đông/quan hệ cổ đông.
Trong khi đó, đây là những công ty có tính đại chúng cao, cổ đông Nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Đơn cử, CIENCO 1 có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước sở hữu 35%, cổ đông chiến lược sở hữu giữ 31%, cán bộ, công nhân viên trong công ty mẹ nắm giữ 10,88%, các cổ đông khác sở hữu 23,12% vốn điều lệ.
Ngay cả những công ty có mục thông tin cổ đông/quan hệ cổ đông trên website, thì cũng chỉ có theo kiểu hình thức, chiếu lệ, bởi các thông tin cổ đông chờ đợi không được cập nhật. Chẳng hạn, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (TEDI), tại mục thông tin cổ đông có 5 tiểu mục gồm: ĐHCĐ, thông tin quản trị, thông tin tài chính, báo cáo định kỳ và công bố thông tin, nhưng tất cả đều là các thư mục rỗng.
Tình trạng thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN hậu cổ phần hóa tiếp tục mù mờ cho thấy, chất lượng quản trị, cũng như minh bạch thông tin hoạt động của DN không được cải thiện như kỳ vọng.
Mịt mờ lộ trình niêm yết
Sau IPO, một trong những thông tin mà cổ đông hy vọng sẽ nắm được là khi tiến hành ĐHCĐ lần thứ nhất, các tổng công ty sẽ thông qua lộ trình niêm yết cụ thể, để không chỉ góp phần tạo bước chuyển lớn về minh bạch hoạt động của DN, mà còn giúp cổ đông có thông tin để giám sát DN. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra tại các DN, mong muốn chính đáng của các cổ đông, với tư cách là những ông chủ tại DN vẫn chưa được đáp ứng, khi các “ông lớn” vẫn lờ đi kế hoạch niêm yết.
Cụ thể, ĐHCĐ lần thứ nhất của CIECO1 diễn ra gần đây chỉ thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu, mà không có lộ trình cụ thể. Tương tự, tại ĐHCĐ lần thứ nhất của TEDI chỉ thông qua thông qua chủ trương niêm yết 12,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội. TEDI không đưa ra lộ trình niêm yết cụ thể, dù trong phương án trình ĐHCĐ thông qua chủ trương niêm yết, TEDI thể hiện rõ những lợi ích mà Công ty, cổ đông nhận được như: nâng cao hơn nữa thương hiệu TEDI, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn…
Nhiều ý kiến cho rằng, chừng nào các DN hậu IPO chỉ thay đổi về mặt hình thức hoạt động, mà không có sự thay đổi về chất thực sự, thì chừng đó nỗ lực minh bạch quản trị, công bố thông tin sẽ tiếp tục gây thất vọng cho các cổ đông. Lý do là bởi, tuy làm chủ DN, nhưng họ không hề biết kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, cũng như biến động về chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn.