Luật Chứng khoán “bó tay” quản doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa

(ĐTCK) Do khoảng hở pháp lý, nên pháp luật về chứng khoán đang gặp khó trong xử lý các công ty đại chúng hình thành sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng không đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).
Theo đề xuất của UBCK, công ty đại chúng hình thành từ 100% vốn Nhà nước sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 30 ngày Theo đề xuất của UBCK, công ty đại chúng hình thành từ 100% vốn Nhà nước sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 30 ngày

Khoảng trống pháp lý

Đến nay, cả nước cổ phần hóa (CPH) được khoảng 3.700 DN. Trong khi đó, theo cập nhật của UBCK hết tháng 7/2014, có 1.007 công ty chưa niêm yết đã đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Trong số các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã CPH, thì ngoài các DN đã niêm yết và đăng ký công ty đại chúng, theo ước tính hiện còn hàng nghìn công ty đại chúng chưa đăng ký công ty đại chúng với UBCK. Điều này tác động tiêu cực đến quyền lợi của các cổ đông, cũng như khiến cơ quan quản lý khó giám sát tính minh bạch của DN trong hoạt động.

Hệ lụy tiêu cực là vậy, nhưng do khoảng hở của quy định pháp lý hiện hành, nên UBCK gần như bó tay trong xử lý các DN không đăng ký công ty đại chúng. Điều này xuất phát từ thực tế, với quy định pháp lý hiện hành, khi DN triển khai CPH, thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thì tuân thủ theo các quy định của pháp luật về CPH, trong khi các quy định này hiện chưa gắn kết với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể là gắn hoạt động IPO với nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán, cũng như đăng ký giao dịch tập trung trên TTCK.

Chính khoảng trống pháp lý trên, mà nhiều DNNN khi thực hiện CPH có kết quả IPO thỏa mãn các tiêu chuẩn là công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán như: đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 NĐT sở hữu, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên, nhưng không hề có chế tài buộc loại DN này phải đăng ký công ty đại chúng với UBCK.

Hệ quả là hậu IPO, tuy về bản chất là công ty đại chúng, nhưng xét về mặt quy định pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán, một khi DN chưa nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng vẫn chưa được coi là công ty đại chúng. Do đó, các DN này nằm ngoài tầm giám sát của pháp luật về chứng khoán, mặc dù lẽ ra khi đã phát hành cổ phiếu ra công chúng, DN phải chịu sự điều chỉnh, giám sát bởi các luật chơi trong lĩnh vực chứng khoán.

Cũng do khoảng trống pháp lý trên, nên trong thực tế, hậu CPH tại nhiều DNNN, thị trường, cổ đông của công ty không nắm được biến động về nhân sự lãnh đạo, chiến lược hoạt động, tình hình chuyển nhượng cổ phần tại DN…Trong khi đây là những yếu tố chi phối lớn tới hiệu quả hoạt động của DN, cũng đương nhiên tác động đến hiệu quả đồng vốn mà nhà đầu tư đã đầu tư vào DN khi tham gia mua cổ phiếu IPO.

Chính vì thiếu sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ từ cổ đông, thị trường, cũng như cơ quan quản lý TTCK, nên hoạt động của các công ty đại chúng chưa đăng ký là công ty đại chúng, đang bị cổ đông, nhà đầu tư than phiền kém minh bạch, nhất là về quản trị công ty, công khai thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông…

DNNN sau cổ phần hóa phải đăng ký công ty đại chúng

Với khoảng trống pháp lý trên, việc đăng ký công ty đại chúng của các DNNN đã CPH, đang chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của DN là chính. Nguyên nhân là hiện nguồn lực, cũng như thẩm quyền hạn chế của UBCK, cũng như thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy, để cơ quan quản lý nắm được DN nào đang trong diện phải đăng ký công ty đại chúng, để nếu không chấp hành, thì có cở sở để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Do việc giải quyết hậu quả của tình trạng “sự đã rồi” đối với các công ty đại chúng hình thành sau CPH các DNNN, nhưng không đăng ký công ty đại chúng gặp khó khăn, nên cơ quan quản lý đang tìm cách tháo gỡ cho trường hợp phát sinh sau này.

Theo đó, UBCK đang hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết thay thế Quyết định 108/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, để trình Bộ này ban hành.

Trong đó, UBCK đề xuất: công ty đại chúng hình thành từ DN 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần sau ngày Thông tư này có hiệu lực, thì phải thực hiện đăng ký công ty đại chúng với UBCK, đăng ký lưu ký tại Trung tâm lưu ký và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

Mục đích của hành lang pháp lý này là hướng DN đến sự minh bạch, tôn trọng nhà đầu tư, cổ đông. Tuy nhiên, để thực thi được là một chặng đường gian nan, bởi ý thức minh bạch, ngay cả với nhiều DN đang niêm yết, còn chưa nghiêm túc, nên những DN bước đầu cổ phần hóa, sẽ không dễ để theo văn hóa này.

Tình trạng nhà đầu tư mua cổ phần của các DNNN cổ phần hóa, sau đó bị chôn vốn, không được thông tin, không nhận cổ tức từ DN, đã diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn nếu những nỗ lực buộc DNNN sau CPH phải thực thi nghĩa vụ minh bạch của công ty đại chúng tiếp tục bị bỏ ngỏ.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục