Nỗi lo chậm tiến độ cổ phần hóa - Kỳ 3: Cung - cầu khó gặp nhau, do đâu?

(ĐTCK) Ý kiến từ các chuyên gia, NĐT cho thấy, hiện có nhiều lý do khiến cung - cầu cổ phiếu trong các đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) khó gặp nhau, nên khiến nhiều DN khó cổ phần hóa (CPH) thành công.
Lĩnh vực hoạt động của Viglacera không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm chi phối Lĩnh vực hoạt động của Viglacera không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm chi phối

Nhà nước nắm cổ phần quá lớn

Có một điểm chung dễ nhận ra tại các phiên IPO ế nặng thời gian qua, là tỷ lệ cổ phần mà cổ đông nhà nước nắm giữ tại DN hậu CPH quá lớn. Theo giới chuyên gia và NĐT, đây đang là một trong những nguyên nhân chính khiến NĐT không mặn mà với cổ phiếu IPO.

“Qua tiếp xúc với nhiều NĐT trong và ngoài nước, tôi biết có NĐT sẵn sàng bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu IPO của DN hoạt động hiệu quả, với mục tiêu nắm cổ phần chi phối, từ đó trở thành ông chủ mới của DN hậu CPH. Họ không muốn trở thành cổ đông nắm cổ phần thiểu số, không có thực quyền điều hành DN. Thế nhưng, với những gì thực tế đang diễn ra, mục tiêu này của NĐT không thể thành hiện thực…”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), người có kinh nghiệm về CPH, cho hay, đồng thời phân tích thêm, rất nhiều DN thuộc các lĩnh vực mà theo quy định không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối, nhưng hậu CPH, cổ đông nhà nước vẫn nắm tới 80 - 90% cổ phần. Điều này khiến NĐT không mặn mà tham gia mua cổ phiếu IPO.

Đơn cử như hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, hậu CPH, Tổng công ty Viglacera có vốn điều lệ 2.645 tỷ đồng, thì Nhà nước nắm tới 91,48% vốn điều lệ, trong khi chỉ bán cho người lao động trong DN lượng cổ phần chiếm 0,55% vốn điều lệ và bán cho các cổ đông khác số cổ phần chiếm 7,97% vốn điều lệ… Lĩnh vực hoạt động của Viglacera không thuộc danh mục cổ đông nhà nước cần nắm cổ phần chi phối. Thế nhưng, việc cổ đông này sở hữu gần như tuyệt đối lượng cổ phần hậu CPH đã phần nào lý giải tại sao trong đợt IPO vừa qua, Viglacera chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần trên tổng số gần 77 triệu cổ phần đưa ra đấu giá.

Việc cổ đông nhà nước nắm cổ phần quá lớn hậu CPH, gây quan ngại làm chậm quá trình cải thiện chất lượng quản trị, cũng như cung cách làm ăn của DN. Điều này đã được thực tế chứng minh với hàng loạt DN đã được IPO những năm qua, nên NĐT ít có niềm tin về triển vọng tích cực của DN hậu CPH.

Có những DN khi đưa ra IPO bị NĐT chê giá cổ phiếu đắt. Điều này xuất phát từ thực tế có DN được định giá bất ngờ tăng đáng kể so với trước thời điểm IPO. Điều này cùng với việc giải trình thông tin không kịp thời, kém minh bạch từ phía ban chỉ đạo CPH, cũng như ban lãnh đạo DN liên quan đến những thông tin về xác định giá trị DN, khiến cổ đông e ngại giá cổ phiếu IPO đã bị định giá cao so với giá trị thực của DN.

Rủi ro lớn vì không niêm yết

Ý kiến phản ánh từ giới đầu tư còn cho thấy, việc các DN khi tiến hành IPO không đưa ra lộ trình niêm yết cụ thể, cũng là nguyên nhân khiến họ không dám mạo hiểm đầu tư mua cổ phiếu IPO. Thực tế này khiến NĐT đối mặt với hai rủi ro lớn.

Thứ nhất là rủi ro thanh khoản. Sau khi mua cổ phiếu IPO, mặt hàng này gần như “chết” thanh khoản. Điều này dẫn đến, khi NĐT nhận thấy những dấu hiệu kinh doanh kém hiệu quả của DN, thì gần như không thể thực hiện được quyết định thoái vốn (cắt lỗ) để giảm thiểu rủi ro như đầu tư vào cổ phiếu niêm yết.

Thứ hai là rủi ro liên quan đến nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát hoạt động của DN. Với việc DN không niêm yết, đương nhiên sẽ không chịu điều chỉnh bởi các quy định về minh bạch thông tin như với DN niêm yết. Điều này khiến NĐT gặp nhiều khó khăn trong kịp thời nắm bắt thông tin, giám sát về hoạt động của DN, trên cơ sở đó đưa ra quyết định hợp lý để bảo vệ đồng vốn đã đầu tư vào DN.

Do thiếu sức ép cả về mặt pháp lý, lẫn cổ đông (do cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối) về thay đổi quản trị, minh bạch thông tin... đối với DN hậu IPO, lại thêm hiện thiếu các quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐT nhỏ lẻ, nên họ e ngại khi rút hầu bao mua cổ phiếu IPO. Có những DN hậu CPH hoạt động kém minh bạch, thậm chí coi thường quyền lợi của cổ đông, khiến NĐT đối mặt với những thiệt hại không nhỏ... Thực tế này cũng lý giải cho tình trạng NĐT thờ ơ với các đợt IPO.              

Kỳ 4: Cách nào kích cầu?

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục