Nỗi lo chậm tiến độ lớn dần - Kỳ 2: Ông lớn cũng khó bán

(ĐTCK) Không chỉ cổ phiếu của các DN nhỏ, ít tên tuổi trên thương trường rơi vào cảnh ế ẩm khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), mà cổ phiếu của nhiều ông lớn, được thị trường nhìn nhận là “hàng ngon” cũng khó bán.
Cổ phiếu Cảng Hải Phòng - hàng “hot” vẫn ế Cổ phiếu Cảng Hải Phòng - hàng “hot” vẫn ế

“Hàng ngon” cũng ế

Được chuyên gia, cũng như giới đầu tư nhìn nhận là “hàng ngon”, bởi đây là những DN đầu ngành, quy mô vốn lớn, có ưu thế cạnh tranh đáng kể so với các DN cùng ngành, nhưng nhìn lại các đợt IPO của hàng loạt “ông lớn” trong 7 tháng đầu năm nay cho thấy, chẳng mấy thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư.

Hệ quả của tình trạng trên là hầu hết cổ phiếu mang ra IPO không bán được. Điển hình như Tổng công ty Viglacera, có vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, khi IPO chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần trên tổng số gần 77 triệu cổ phần đưa ra đấu giá.

Một ông lớn khác cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm khi IPO là Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng (Cảng Hải Phòng). Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), với vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, Cảng Hải Phòng là DNNN có vốn điều lệ lớn nhất tổ chức IPO từ đầu năm 2014 tới nay. So với các DN cảng biển đã cổ phần hoá, cũng như niêm yết, thì Cảng Hải phòng là DN có quy mô lớn, có nhiều lợi thế cạnh tranh khi hoạt động tại địa bàn có cửa ngõ quốc tế đường biển lớn nhất khu vực miền Bắc, cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 40.000 DWT, đồng thời là cảng duy nhất của Việt Nam có hệ thống đường sắt kết nối trực tiếp đến cảng.

Những tưởng các lợi thế này giúp cho cổ phiếu của Cảng Hải Phòng đắt như… tôm tươi khi đem ra đấu giá, nhưng tại phiên IPO diễn ra giữa tháng 5/2014, Cảng Hải Phòng bán chưa được phân nửa trong tổng số 37.635.600 cổ phần đưa ra bán. Do tình cảnh ế ẩm này, nên sau phiên IPO không lâu, Cảng Hải Phòng tiếp tục nỗ lực bán cổ phần, nhưng ế vẫn hoàn ế, khi trong tổng số 30.802.100 cổ phần chào bán thỏa thuận vào đầu tháng 6 vừa qua, chỉ có một nhà đầu tư cá nhân đăng ký và mua 2.000 cổ phiếu của Cảng Hải Phòng, với giá 13.500 đồng/CP…

Tình trạng cổ phiếu IPO ế nặng khiến DN phải bán vốn nhiều lần không phải là trường hợp cá biệt của Cảng Hải Phòng. Có vốn điều lệ 660 tỷ đồng, trong phiên IPO giữa tháng 6/2014, Công ty TNHH một thành viên Cảng Đà Nẵng chỉ bán được 1.633.600 cổ phần trên tổng số 8.301.700 cổ phần đưa ra chào bán. Hậu IPO, Cảng Đà Nẵng cũng nỗ lực tiêu thụ “hàng ế”, nhưng chỉ bán được 90.700 cổ phần trên tổng số 6.713.100 cổ phần chào bán thỏa thuận vào đầu tháng 7/2014.

Hoãn IPO để tìm người mua

Là DN đầu ngành trong lĩnh vực dệt may, với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng năm, mới đây công ty mẹ -Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã phải lùi thời gian tổ chức IPO trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) thêm 2 tháng so với kế hoạch ban đầu là 22/7/2014, do gặp khó trong tìm kiếm nhà đầu tư mua cổ phần, thêm một minh chứng nữa cho thấy, khó khăn trong tìm đầu ra cho cổ phiếu trong các đợt IPO đang tác động tiêu cực đến nỗ lực hoàn thành kế hoạch cổ phần 432 DN giai đoạn 2014-2015.

Tình trạng cổ phần hóa chậm trễ, một lần nữa được Chính phủ thể hiện quan ngại tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014 vừa được ban hành, khi nhấn mạnh: đến hết tháng 7, tiến độ cổ phần hóa DNNN chưa đạt yêu cầu…

Nếu không sớm có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hấp thụ lượng cổ phiều IPO tăng mạnh, nếu không muốn nói là đột biến trong thời gian tới, thì rất có thể một đợt IPO “khủng” khác theo dự kiến sẽ được tổ chức ngay trong quý III này trên HOSE, cũng sẽ gặp trắc trở là trường hợp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Theo tờ trình của Bộ Giao thông  -Vận tải về phương án IPO đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vietnam Airlines có vốn điều lệ hơn 14.101 tỷ đồng, Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 20%; bán đấu giá công khai hơn 3,4%, với mức giá khởi điểm 22.300 đồng/CP. Với khối lượng cổ phiếu chào bán rất lớn, trong khi hàng không là lĩnh vực đặc thù rất kén người mua, nên nếu không có cơ chế và cách bán cổ phần đủ sức hấp dẫn, Vietnam Airlines cũng không dễ IPO thành công.

Kỳ 3: Cung - cầu khó gặp nhau, do đâu?

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ