Nhân dịp này, ĐTCK giới thiệu bài viết của Nhóm nghiên cứu MAF về 7 cơ hội lớn nhất với nhà đầu tư được tạo ra từ hoạt động cổ phần hóa các DNNN lớn trong thời gian tới.
Kết thúc làn sóng thứ nhất
Trong gần 15 năm qua, khối DNNN đã được sắp xếp, tái cơ cấu mạnh mẽ. Từ chỗ năm 2001 có 5.655 DNNN, đến nay cả nước đã cổ phần hóa được 3.655 DN và 415 bộ phận DN; giao, bán 365 DN; sáp nhập, hợp nhất 555 DN; chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu 115 DN; giải thể, phá sản 276 DN.
Các DNNN (trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu theo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã đầu tư ngoài ngành là những giải pháp quan trọng nhất nhằm lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, hỗ trợ thị trường vốn, đặc biệt là TTCK phát triển.
Thực tế, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã cổ phần hóa được 114 DN. Trong số đó, đã cổ phần hóa các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (vốn nhà nước 87.861 tỷ đồng), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (vốn nhà nước 22.036 tỷ đồng), Tổng công ty Khí Việt Nam (vốn 18.600 tỷ đồng), Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (vốn nhà nước 10.164 tỷ đồng), Tổng công ty Thép Việt Nam (vốn nhà nước 3.074 tỷ đồng), Tổng công ty Viglacera (vốn nhà nước 2.227 tỷ đồng), Tổng công ty Thiết bị điện (vốn nhà nước 1.366 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, đa số các cuộc IPO lớn này mới chỉ dừng lại ở bán một tỷ lệ nhỏ cổ phần ra công chúng để cổ phần hóa, nhiều DN, nhất là DN lớn gặp khó khăn trong việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược.
Những cơ hội nào cho Làn sóng thứ hai?
Nhóm nghiên cứu lựa chọn 7 công ty nhà nước lớn có kế hoạch cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa nhưng đang tìm kiếm đối tác chiến lược. Trường hợp của Vinamilk, DN mà Nhà nước đang nắm giữ cổ phần lớn và chưa có ý định thoái vốn trong thời gian ngắn, nhưng cũng có những ý kiến có thể xem xét thoái một phần để có nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác, nhóm nghiên cứu vẫn đưa vào danh sách giả định để có thêm thông tin so sánh với các DN còn lại.
Theo tính toán và giả định các yếu tố bán vốn là thuận lợi thì tổng số tiền mà Nhà nước có thể thu về qua bán một phần các công ty này lên đến 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng.
1. Vietnam Airlines
-Giá trị công ty 31.400 tỷ đồng (1,49 tỷ USD)
-Số tiền thu được nếu bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược là 6.300 tỷ đồng (300 triệu USD)
Vietnam Airlines đang kiên trì theo đuổi lộ trình cổ phần hóa công ty mẹ đã được cơ quan chủ quản Bộ Giao thông - Vận tải cam kết với Chính phủ. Theo đó, mục tiêu là từ thời điểm 1/2015, Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển đổi sang mô hình CTCP.
Theo thông tin công bố, với vốn điều lệ dự kiến là 14.100 tỷ đồng cùng giá khởi điểm 22.300 đồng/CP thì giá trị tạm tính của Vietnam Airlines là 31.400 tỷ đồng, tương đương 1,49 tỷ USD. Vietnam Airlines dự kiến phát hành 20% cổ phần, tương đương 282 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược song song với kế hoạch IPO.
Đối tác chiến lược của Vietnam Airlines được dự báo có thể là của một số hãng hàng không lớn trong liên minh Skyteam.
2. Mobifone
-Giá trị công ty là 74.800 tỷ đồng (3,4 tỷ USD)
-Số tiền thu được nếu bán 25% cho đối tác chiến lược là 18.700 tỷ đồng (850 triệu USD)
Năm 2014, một trong các sự kiện đáng chú ý là việc tách Mobifone ra khỏi VNPT, mở đầu cho việc cổ phần hóa Mobifone trong tương lai. Chủ trương cổ phần hóa các DNNN, trong đó có Mobifone là để thay đổi công nghệ, điều kiện, quản trị DN tốt hơn. Khi tách ra, cũng là một trong những điều kiện thuận lợi, để Mobifone tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nếu phương án tách Mobifone ra khỏi VNPT và cổ phần hóa, thì một vấn đề được giới đầu tư đặc biệt quan tâm là, Mobifone sẽ được bán bao nhiêu phần trăm phần vốn nhà nước? Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cổ phần của DN nước ngoài trong các DN hạ tầng và viễn thông có thể đến 49%.
3. Sabeco
-Giá trị công ty 24.967 tỷ đồng (1,13 tỷ USD)
-Số tiền thu được nếu bán 30% cho đối tác chiến lược 7.490 tỷ đồng (340 triệu USD)
Hiện có 4 hãng bia muốn làm cổ đông chiến lược của Sabeco gồm: Sab Miller, Kirin Brewery Company Ltd, Asia Pacific Breweries Ltd và Asahi Breweries Limited. Trong đó, Sab Miller là một trong những hãng bia lớn nhất thế giới; Kirin Brewery Company Ltd là công ty đồ uống lớn nhất Nhật Bản; Asahi Breweries Limited cũng là hãng bia và đồ uống Nhật Bản và Asia Pacific Breweries Ltd là công ty sở hữu nhãn hiệu bia Heineken.
Sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Nhà nước vẫn còn giữ tới 89% vốn ở Sabeco. Thời gian đầu, Sabeco dự kiến bán thêm 20% vốn cho nước ngoài, nhưng nay tỷ lệ bán có thể lên tới 38%, tức Nhà nước vẫn sở hữu 51%, chiếm cổ phần chi phối.
4. BIDV
-Giá trị công ty 41.000 tỷ đồng (1,8 tỷ USD)
-Số tiền thu được nếu bán 30% cho đối tác chiến lược 12.300 tỷ đồng (560 triệu USD)
Vào tháng 1/2014, BIDV đã niêm yết cổ phiếu sau khi IPO thành công. Đây là tiền đề để BIDV thực hiện cấu phần tiếp theo là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo BIDV, hiện có rất nhiều nhà đầu tư tổ chức từ nhiều nước trên thế giới quan tâm đến tìm hiểu về cơ hội hợp tác chiến lược với BIDV. Dự kiến, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho 2 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó một nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ sở hữu 20%, một nhà đầu tư tài chính với tỷ lệ sở hữu từ từ 5 - 10%. Tuy nhiên, nếu cổ đông chiến lược có yêu cầu nâng tỷ lệ sở hữu lên 30% thì BIDV sẽ xem xét trình Thủ tướng quyết định.
5. VINATEX
-Giá trị công ty 5.500 tỷ đồng (250 triệu USD)
-Số tiền thu được nếu bán 24% cho đối tác chiến lược 1.320 tỷ đồng (60 triệu USD)
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ chính thức chào bán gần 122 triệu cổ phần ra công chúng theo lịch điều chỉnh là tháng 9/2014. Đây sẽ là một trong những cuộc IPO đáng chú ý của năm 2014. Nếu đợt IPO thành công, vốn điều lệ của Vinatex sẽ đạt 5.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 51%, cổ đông chiến lược 24%, cổ đông phổ thông 24,4%, còn lại 0,6% dành cho người lao động.
6. PVGAS
-Giá trị công ty: 206.555 tỷ đồng (9,38 tỷ USD)
-Giá trị thu về nếu bán 20% cho đối tác chiến lược: 41.311 tỷ đồng (1,8 tỷ USD)
Với vị thế là DN giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí quốc gia, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) hiện đảm bảo nguồn nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất trên 40% tổng sản lượng điện quốc gia, 70% nhu cầu đạm, đáp ứng trên 60% nhu cầu khí hóa lỏng toàn quốc
Với giá trị vốn hóa trên TTCK trên 9 tỷ USD, DN này đang là một trong những cổ phiếu luôn có sức hấp dẫn lớn trên thị trường. Tuy tỷ lệ vốn nhà nước đang nắm giữ tại PV GAS là 97%, nhưng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa PV Gas, tỷ lệ phần vốn nhà nước tại PV Gas có thể giảm xuống 75%.
7. Vinamilk
-Giá trị công ty 105.846 tỷ đồng (4,8 tỷ USD)
-Số tiền thu được nếu nhà nước thoái 25% cổ phần là 26.462 tỷ đồng (1,2 tỷ USD)
Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 12/2013, đến tháng 4/2004, với việc sáp nhập Nhà máy Sữa Sài Gòn (Saigonmilk), tổng vốn điều lệ của Công ty đạt 1.590 tỷ đồng.
Vinamilk là một trong những đơn vị cổ phần hóa thành công nhất hiện nay. Theo báo cáo, đến nay, hơn 8 năm kể từ sau khi Vinamilk bán vốn ra bên ngoài lần đầu vào tháng 11/2005, giá trị vốn nhà nước đã là 45.839.304 tỷ đồng, tương đương 2.158 tỷ USD.
Theo giả định nghiên cứu, nếu Nhà nước thoái 25% vốn thì sẽ có thể thu về 1,2 tỷ USD tại Vinamilk.
Nhà đầu tư đang quan tâm nhất đến cơ hội nào?
Nhóm nghiên cứu MAF đã tiến hành thăm dò ý kiến các nhà đầu tư về các cơ hội từ tiến trình cổ phần hóa trong giai đoạn sắp tới.
Về câu hỏi, những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của một thương vụ cổ phần hóa, câu trả lời là vấn đề tỷ lệ sở hữu nhà nước (72,12% ý kiến). Theo đó, nếu tỷ lệ sở hữu nhà nước quá cao thì sẽ dẫn đến sự kém hấp dẫn cho các hoạt động IPO và M&A. Mặt khác, chất lượng nguồn cung cũng là yếu tố quan trọng, các nhà đầu tư đang phân tích và đánh giá chất lượng những DNNN dự kiến thoái vốn hoặc tìm đối tác chiến lược, trên cơ sở đó sẽ ra quyết định cụ thể. Giá bán cổ phần, và thủ tục hành chính liên quan cũng là yếu tố quan trọng được các nhà đầu tư lưu ý.
DN nào sẽ hấp dẫn nhất cho nhà đầu tư chiến lược? Trong số các DN lớn đang chờ cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược tại Việt Nam, Mobifone với thương hiệu, thị phần và lĩnh vực tiềm năng đã được lựa chọn xếp vị trí số 1 với 43,5%, xếp thứ hai là PVGas và SABECO. Trong danh sách DN này không bao gồm tên của Vinamilk như trong giả định nghiên cứu, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư được thăm dò cho rằng, nếu đưa Vinamilk vào danh sách thì sẽ xếp DN này đầu tiên.