Trong phiên đấu giá sắp tới, Vinatex sẽ IPO với khối lượng 121.999.150 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ. Với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần, Tập đoàn kỳ vọng thu về gần 1.220 tỷ đồng.
Được đánh giá là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, có lợi thế về xuất khẩu, quan hệ bền chặt với 40 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới…, nhưng trong bối cảnh một loạt doanh nghiệp nhà nước IPO từ đầu năm đến nay như Viglacera, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng… đều không đạt mục tiêu bán vốn, liệu cổ phiếu Vinatex có “ế”?
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tiềm năng tăng trưởng doanh thu vững chắc là một trong những điểm mạnh của Vinatex. Vinatex còn có lợi thế từ thị trường xuất khẩu đang tăng trưởng. Lợi thế này còn tăng hơn khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thông qua trong thời gian tới.
Tính đến ngày 31/12/2013, giá trị doanh nghiệp của Vinatex là hơn 4.840 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là hơn 4.299 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu Vinatex, không ít nhà đầu tư nhận định, với sự hạn chế về thông tin trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa, không có đủ cơ sở để khẳng định đây thực sự là một khoản đầu tư hứa hẹn tiềm năng sinh lời tốt?
Có thể nói, áp lực bán thành công của Vinatex trong đợt IPO tới đây là không nhỏ, bởi ngoài yếu tố được giới đầu tư đánh giá là lợi nhuận thấp, do gia công là chủ yếu, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, thì kết quả kinh doanh của Vinatex phụ thuộc vào hoạt động của các công ty thành viên, công ty liên kết.
Điểm yếu ccũng được SSI chỉ ra rằng, Vinatex có lợi nhuận không hấp dẫn, vì hầu hết các nguồn doanh thu của Tập đoàn đến từ hoạt động gia công (may mặc) vốn có lợi nhuận thấp. Những doanh nghiệp có quy mô sản xuất và doanh thu xuất khẩu lớn, đóng góp đáng kể cho Vinatex là Phong Phú, Việt Tiến, Hanosimex, Hòa Thọ, Nhà Bè, May 10… Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp này cổ phần hóa và cũng đang có xu hướng thoát khỏi Công ty mẹ thì Vinatex còn lại gì? Theo SSI, điều này phần nào được phản ánh thông qua việc doanh thu năm 2013 từ ngành cốt lõi của Vinatex là 116 tỷ đồng, trong khi thu nhập nhờ hoạt động tài chính lên tới 423 tỷ đồng.
Cũng phải nói thêm rằng, sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận của Vinatex từ năm 2011 đến nay cũng là vấn đề đáng bàn. Cụ thể, năm 2011, Tổng công ty đạt 21.989 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 833 tỷ đồng, nhưng đến năm 2012 chỉ còn tương ứng 13.526 tỷ đồng và 717 tỷ đồng, sang năm 2013 còn thê thảm hơn, với 11.608 tỷ đồng doanh thu và 272 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đối với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vinatex đặt ra tiêu chí đặc thù cho việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, 3 nhà đầu tư chiến lược sẽ bao gồm 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính và 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng dệt may. Nhà đầu tư chiến lược phải sở hữu công nghệ, thị trường, thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu; sở hữu hệ thống phân phối đến người tiêu dùng hoặc đến các nhà phân phối lớn tại các thị trường chủ chốt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; hoặc sở hữu các thương hiệu mạnh trên thế giới...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Chứng khoán Sacombank cho biết, tại thời điểm này, các nhà đầu tư tư nhân ít quan tâm đến các đợt IPO. Đặc biệt, Vinatex, dù đã có đủ chuỗi cung ứng từ sợi, dệt, nhuộm, may, có lợi thế về tăng trưởng xuất khẩu, nhưng chưa đủ tạo nên sức hút thực sự với một bộ phận nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư lớn. Nhưng có thể, một số quỹ đầu tư, nhất là quỹ đầu tư mạo hiểm, vẫn dành sự quan tâm đến cổ phiếu Vinatex.
Theo đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM, IPO của Vinatex hay Vietnam Airlines, ở góc độ nào đó, đều được thị trường chờ đợi. Nhưng sự quan tâm của thị trường, nhà đầu tư tới đâu thì chưa thể nói trước, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Đại diện một công ty đầu tư tài chính cho rằng, trong thời điểm này, nhà đầu tư ngoại ngại tham gia việc đấu giá hoặc trở thành cổ đông của những doanh nghiệp ngành dệt may. Đặc biệt, doanh nghiệp nước ngoài cực kỳ thận trọng với những dự án nguyên dệt, nhuộm đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và thời gian dài mà Vinatex đang nỗ lực đẩy mạnh nhằm nhanh chóng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.