Giá ô tô sẽ rẻ hơn
Theo lộ trình giảm thuế cam kết trong khu vực ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi từ năm 2016 là 40%, từ năm 2017 là 30% và từ năm 2018 là 0%. Không chỉ thuế nhập khẩu giảm, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội tại kỳ họp này thông qua biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với ô tô theo hướng giảm thuế suất với các xe có dung tích động cơ thấp.
Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có dung tích động cơ dưới 2.0L sẽ về mức 40%, thay vì mức 45% hiện tại kể từ ngày 1/7/2016.
Tác động của việc giảm thuế suất của cả thuế nhập khẩu lẫn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 2.0L như trên sẽ khiến giá ô tô thấp hơn so với thời điểm này.
Cụ thể, với dòng xe có dung tích khoảng 1.0L hiện đang có giá khai báo tính thuế khoảng 4.000 USD/chiếc, nếu tính thuế nhập khẩu từ ASEAN là 50%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 45% và thuế giá trị gia tăng là 10% ở thời điểm này, thì giá sau khi cộng các loại thuế là 10.240 USD. Tuy nhiên, nếu thuế nhập khẩu giảm xuống 40%, thuế tiêu thụ đặc biệt về mức 40% và thuế giá trị gia tăng là 10%, thì giá xe sau khi có thuế là 8.624 USD. Như vậy chênh lệch là 1.616 USD, tương đương khoảng 33 triệu đồng.
Tới năm 2018, khi thuế nhập khẩu về mức 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt về các mức 30%, 35% và 40% cho các xe có dung tích đến 1.0L, trên 1.0L đến 1.5L và trên 1.5L đến 2.0L, thì giá xe sẽ còn giảm sâu hơn. Đơn cử, chiếc xe 1.0L, sau khi cộng hết các loại thuế sẽ có giá 5.720 USD, bằng 50% giá thời điểm hiện nay.
Chưa có thống kê chính thức nào về tỷ trọng xe mang động cơ dưới 2.0L trong tổng lượng xe bán ra của thị trường, tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ này chiếm cỡ 65%.
Ở phân khúc xe phổ thông cũng hiện diện đầy đủ các thương hiệu ở top trên như Mercedes-Benz, BMW, Audi, đến những thương hiệu bình dân như Toyota, Honda, Ford, Mazda, Chevrolet hay Hyundai, Kia.
Tuy nhiên, ngoại trừ các thương hiệu top trên được nhập khẩu nguyên chiếc từ ngoài ASEAN, những thương hiệu phổ thông có doanh số bán hàng tốt như Toyota, Honda hay Ford đều nhập sản phẩm từ các nước ASEAN. Bởi vậy, nếu giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi thuế nhập khẩu từ ASEAN cũng bắt đầu giảm mạnh theo lộ trình thì sẽ chỉ mang lại lợi thế cho xe nhập khẩu từ ASEAN, mà cụ thể là từ Thái Lan, nơi đang dư thừa lớn công suất lắp ráp do doanh số bán hàng năm 2014 sụt giảm mạnh so với năm 2013 tới gần 450.000 xe.
Thực tế này khiến các thương hiệu hiện chưa có nhà máy tại ASEAN cũng buộc phải định giá xe theo mức thuế suất của khu vực ASEAN nếu muốn tồn tại.
Chi phí để "nuôi" xe không rẻ
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, nhu cầu và lượng tiêu thụ ô tô sẽ ngày một tăng. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 340.000 - 400.000 xe, tới năm 2025 là từ 660.000 - 800.000 xe/năm.
Tính tới hết tháng 9/2015, thị trường ô tô đã tiêu thụ 163.443 xe các loại, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, riêng lượng xe du lịch bán ra đạt 94.877 chiếc, tăng trưởng 40%; xe thương mại đạt 59.944 chiếc, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xe rẻ là cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam được sở hữu ô tô. Tuy nhiên, dù mua được xe có giá rẻ hơn, nhưng người tiêu dùng sẽ còn phải đối diện với nhiều chi phí khác để "nuôi" chiếc xe đó.
Ít nhất có 10 loại phí mà người dùng xe sẽ phải đóng khi sở hữu chiếc xe, đó là phí trước bạ 12% giá xe (nếu ở Hà Nội và TP.HCM); 20 triệu đồng phí biển số; 5,4 triệu đồng cho phí đăng kiểm lần đầu với chu kỳ 30 tháng và 180.000 đồng/tháng phí bảo trì đường bộ. Ngoài ra, còn có bảo hiểm xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Để lưu hành xe thì phải trả tiền xăng. Tính trung bình di chuyển 30 km/ngày với dòng xe có động cơ dưới 1.5L thì một tháng cũng mất khoảng 1 triệu đồng cho đổ xăng, cộng thêm khoảng 1,5 triệu đồng cho trông xe, gửi xe.