Việt Nam đề xuất Chủ tịch FIATA gỡ khó về cước vận tải biển
Căng thẳng kéo dài trên Biển Đỏ từ cuối năm 2023 đến nay đã khiến chi phí vận tải biển liên tục tăng cao, làm gia tăng lo ngại đối với những nhà nhập khẩu, ảnh hưởng đến những nền kinh tế có hoạt động xuất khẩu lớn như Việt Nam.
Theo dữ liệu của Công ty tư vấn hàng hải Drewry, cước vận tải giao ngay của một container hàng hóa 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) đã đạt mức 9.387 USD vào ngày 11/7/2024, cao gấp đôi so với giá cước hồi tháng 2/2024.
Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Hàn Quốc đến Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng tháng thứ hai liên tiếp và so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 121,6%.
Là quốc gia có hoạt động thương mại quốc tế lớn, trong đó có lượng hàng xuất khẩu đi Mỹ và EU lớn, các doanh nghiệp chịu nhiều tác động từ tăng giá cước vận tải biển.
Ông Nguyễn Văn Hải, Thành viên HĐQT Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng) cho hay: "Thị trường 6 tháng cuối năm vẫn khó cho dệt may do cầu chưa cải thiện, nhưng doanh nghiệp càng khó hơn vì cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7, chi phí tiền điện...".
Trước tình trạng giá cước vận tải biển phi mã, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa gửi thư đề nghị ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) có giải pháp gỡ khó.
Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm đạt từ 14 - 16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 vượt 730 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 370 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, xuất siêu gần 12 tỷ USD. Là nền kinh tế mở, logistics có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam theo xu thế của thế giới.
Theo Bộ trưởng Diên: "Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9%; trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD".
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng Châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với vai trò là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, người đứng đầu ngành Công thương đề nghị FIATA có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng nêu trên.
Những năm qua, FIATA đã thể hiện vai trò là một tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực logistics, tập hợp 114 hiệp hội logistics quốc gia, có phạm vi hoạt động tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 40.000 doanh nghiệp có liên quan.
Đề xuất giải pháp của FIATA cho vấn đề có tính toàn cầu này, ông Diên cho biết: FIATA có thể chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng.
Trong phạm vi ảnh hưởng với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, FIATA nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng Diên đề nghị FIATA hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Công thương khẳng định sẽ chỉ đạo các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics kết nối, hợp tác chặt chẽ, có phương án ứng phó kịp thời để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các diễn biến phức tạp trong tương lai.