Theo Bloomberg, gần đây người phụ nữ 54 tuổi này kiếm được một khoản tiền kha khá nhờ việc giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong 3,5 năm qua. Một phần dầu thô tăng giá có liên quan đến lệnh trừng phạt mới nhất mà Mỹ áp lên Nga.
Như hàng chục ngàn người Nga khác, bà Orlova cho biết giao dịch tài chính trong ngành là chìa khóa để bà sống qua cảnh kinh tế lao dốc. Bà vừa mua chiếc Infiniti và đang để dành tiền để mua căn hộ cho hai cháu.
“Các thị trường tài chính là nơi mà bạn có thể thực sự thay đổi cuộc đời mình và thoát nghèo”, bà Orlova nói tại quán cà phê gần căn hộ ba phòng ngủ xây từ thập niên 1950 của mình, ở phía tây ngoại ô Moscow. Bà mỉm cười và chỉ vào chiếc máy tính bảng: “Từ chiều hôm qua, tôi có thêm 1,5 triệu rúp Nga (tương đương 24.000 USD)”.
Bà làm công việc này rất tốt. Phần lớn người Nga có lương bổng khó lòng trả đủ hóa đơn mỗi tháng phải làm nhiều năm liền mới kiếm được số tiền trên.
Dù là giao dịch trong ngày, đánh cược vào các thị trường tài chính, lái xe Uber, đào bitcoin ở Siberia hay cố thành ngôi sao YouTube, ngày càng nhiều người Nga làm công việc thứ hai chỉ để sống qua ngày.
Theo một cuộc khảo sát được một trong các trường đại học hàng đầu Nga là Higher School of Economics tiến hành, nước này đang trải qua một trong các đợt suy thoái kinh tế dài nhất trong 18 năm Tổng thống Vladimir Putin lãnh đạo. Cứ 10 gia đình thì có bốn gia đình chật vật với tiền thực phẩm, quần áo.
Người Nga chật vật với lương bổng thấp. Họ phải dùng nhiều cách như mua thực phẩm rẻ hơn, giảm chi tiêu, kiếm thêm nguồn thu nhập thứ nhì hoặc mượn tiền để xoay sở. Ảnh: Bloomberg.
Tệ hơn, Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Nga, mới đây nhất là trừng phạt hãng nhôm lớn United Rusal Co., khiến đồng rúp Nga giảm 8% trong tháng 4, mức giảm hằng tháng lớn nhất từ năm 2015.
Điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát, số liệu chỉ vừa trượt xuống dưới 4% hồi năm ngoái sau nhiều năm giá tăng chóng mặt.
“Mọi người vẫn chật vật. Thực tế, lương bổng của họ thậm chí còn không bằng mức trước khủng hoảng.
Nhiều người có việc chính thức toàn thời gian, cùng lúc phải tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác vốn không nhất thiết được quy định hay báo cáo”, nhà kinh tế Lilit Gevorgyan về Nga tại IHS Markit ở London (Anh) cho hay.
Dù giá cả lên xuống thất thường, giao dịch trong ngày là hoạt động ngày càng phổ biến với dân Nga, những người mệt mỏi vì cố gắng sống bằng lương bổng chính thức, nhưng vẫn phải chứng kiến tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng hao mòn theo năm tháng.
Sàn giao dịch Moscow mở 250.000 tài khoản giao dịch trong ngày mới cho công dân Nga vào năm ngoái, nâng tổng số tài khoản lên gần 1,4 triệu USD. Các nhà giao dịch cá nhân đứng sau 37% khối lượng giao dịch vốn chủ sở hữu và 7% doanh thu tiền tệ.
Hôm 9/4, ngày giao dịch đầu tiên sau khi Mỹ cập nhật danh sách đại gia và doanh nghiệp Nga chịu lệnh trừng phạt, Sàn giao dịch Moscow có thêm 4.000 khách hàng mới đăng ký, gấp bốn lần so với bình thường.
Thị trường thậm chí còn có nhiều chương trình đào tạo và tổ chức cuộc thi cho các nhà giao dịch trong ngày để theo dõi hoạt động của họ, và để những nhà giao dịch không chuyên không lỗ đậm.
Song với tính khó dự đoán của tình hình địa chính trị, khả năng các nhà giao dịch “thổi bay” tài khoản là rất lớn.
Natalia Orlova theo dõi thông tin giao dịch trên ứng dụng smartphone.Ảnh: Bloomberg.
Đơn cử, như hầu hết các nhà đầu tư, lập trình viên Alexander Semenyakov ở Moscow giao dịch chứng khoán Nga vào thời gian rảnh. Sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt Nga mới nhất, ông mất nửa số tiền đã kiếm được hồi năm ngoái vì chỉ số chứng khoán chuẩn giảm đến 8,3% sau thông tin.
“Thật may là tôi không đầu tư tất cả tiền tiết kiệm. Thị trường lúc này rất khắc nghiệt. Rất nhiều người đã mất tiền”, Semenyakov nói.
Dù vậy, ông vẫn nghĩ rằng đầu tư thì tốt hơn là không. Thu nhập khả dụng của người Nga chỉ đang bắt đầu hồi phục sau hai năm lao dốc vì giá dầu hạ từ năm 2015.
Cứ năm người thì có một người tìm kiếm nguồn thu nhập thứ nhì trong năm qua, tăng 17% so với trước đó một năm.
Với Orlova, đầu tư là cách duy nhất để hỗ trợ con gái vì thời điểm bà về hưu sắp đến gần.
Trong quý 4/2017, số liệu sàn giao dịch cho thấy bà kiếm 4,5 triệu rúp Nga. “Tôi phải để lại cho con cháu cái gì đó vì tôi không biết làm sao chúng có thể sống nếu không có tôi”, Orlova nói.