Nước Nga dưới thời Putin: Chất lượng cuộc sống tăng gấp 3, nợ giảm 75%

Kể từ khi ông Vladimir Putin được bầu làm tổng thống vào năm 2000, nền kinh tế Nga đã có những bước chuyển biến đáng kể trên mọi lĩnh vực.
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Reuters) Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)

Chất lượng cuộc sống

Trước khi Tổng thống Putin đắc cử vào năm 2000, Nga có mức GDP bình quân đầu người là 9.899 USD theo Ngang giá Sức mua (PPP). Con số này tăng gần gấp 3 vào năm 2017 và hiện ở mức 27.900 USD. Nga cũng là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trong khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), vượt Trung Quốc ở vị trí thứ hai với con số 16.624 USD. PPP được xem là chỉ số để đánh giá chi phí sinh hoạt tương đối cũng như tỷ lệ lạm phát để so sánh tiêu chuẩn sống ở các quốc gia khác nhau.

Trong khi đó, tiền lương danh nghĩa trung bình hàng tháng tại Nga tăng gần gấp 11 lần, từ 61 USD lên 652 USD. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 13% xuống chỉ còn 5,2%. Lương hưu tăng hơn 1.000% trong cùng thời điểm, từ 20 USD lên 221 USD.

Sức khỏe nền kinh tế

Nền kinh tế Nga hiện đứng thứ 6 thế giới theo PPP, với GDP khoảng 4.000 tỷ USD. Hãng kiểm toán PwC dự đoán tới năm 2050, Nga sẽ trở thành nền kinh tế số 1 ở châu Âu, vượt cả Đức và Anh.

Vào thời điểm năm 1999, nền kinh tế Nga tính theo PPP chỉ ở mức 620 tỷ USD. Trải qua 18 năm gắn với các nhiệm kỳ tổng thống và thủ tướng của ông Putin, sức tăng trưởng của kinh tế Nga đã lên tới 600%.

Tỷ lệ lạm phát tại Nga đã giảm từ 36,5% xuống còn 2,5% vào cuối năm 2017. Tổng giá trị tài sản của hệ thống ngân hàng Nga tăng gấp 24 lần, lên 1,43 nghìn tỷ USD. Vốn thị trường chứng khoán Nga tăng gấp hơn 15 lần, lên 621 tỷ USD.

Nợ công và dự trữ ngoại hối

Vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% sản lượng kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên mọi con số đã thay đổi đáng kể trong 18 năm qua khi nợ công của Nga hiện giảm xuống chỉ còn 17,4% theo GDP và dự trữ ngoại hối tăng lên 356 tỷ USD. Nợ công thấp và dự trữ ngoại hối tăng giúp Nga vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và đợt suy thoái trong giai đoạn 2014-2016 do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Dự trữ vàng của Nga đã tăng hơn 500% kể từ năm 2000. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã bổ sung 9,3 tấn vàng vào kho dự trữ vào tháng 12/2017, nâng tổng sổ vàng dự trữ hàng năm lên con số kỷ lục là 1.838,211 tấn, tương đương tổng giá trị hơn 76 tỷ USD. Theo Hội đồng Vàng thế giới, Nga không chỉ là nước mua vàng lớn nhất mà còn là nhà sản xuất vàng lớn thứ 3 thế giới.

Nông nghiệp

Mặc dù các nguồn thu từ xăng dầu và khí đốt vẫn “phủ bóng” nền kinh tế Nga, song nền nông nghiệp của Nga cũng tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây. Trong vụ mùa năm 2017, nông dân Nga đã đạt sản lượng lớn chưa từng có, phá kỷ lục 40 năm từ thời Liên Xô, khi thu hoạch hơn 130 triệu tấn.

Năm 2016, Nga trở thành nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Kể từ đầu những năm 2000, thị phần của Nga trong thị trường lúa mì thế giới đã tăng gấp 4 lần, từ 4 lên 16%.

Mặc dù vẫn xếp sau ngành năng lượng, song nông nghiệp đã vượt buôn bán vũ khí để trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Nga. Nga bắt đầu xuất khẩu ngũ cốc từ năm 2002 và bán được hơn 7 triệu tấn. Tới năm 2017, Nga xuất khẩu 45 triệu tấn ngũ cốc, tăng hơn 600%.

Theo kết quả của cuộc khảo sát do trung tâm nghiên cứu VTSIOM thuộc chính phủ Nga công bố ngày 15/1, khoảng 67% người dân Nga dự kiến sẽ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử tổng thống 18/3. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 81,1% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin - người tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Tỷ lệ này giúp ông Putin bỏ xa các đối thủ còn lại, những người được dự đoán có tỷ lệ ủng hộ không vượt quá hai con số, trong cuộc đua vào Điện Kremlin.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục