Hai loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường carbon Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn thí điểm, thị trường carbon Việt Nam sẽ tập trung vào hai loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon là hai loại hàng hóa chính trên thị trường carbon Việt Nam. Hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon là hai loại hàng hóa chính trên thị trường carbon Việt Nam.

Càng gần đến thời gian thí điểm, các thông tin về thị trường carbon Việt Nam càng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân.

Theo bà Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính (Bộ Tài chính), Đề án phát triển thị trường carbon, do Bộ Tài chính chủ trì cùng sự phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết để triển khai sớm nhất.

Bộ Tài chính sẽ triển khai thiết lập sàn giao dịch giống như thị trường chứng khoán, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp cùng một số bộ, ban ngành khác, chịu trách nhiệm vận hành, quản lý.

Trên sàn giao dịch carbon, sẽ có hai loại hàng hóa được trao đổi là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

Các cơ sở có nghĩa vụ đảm bảo lượng phát thải phải ít hơn hoặc bằng lượng hạn ngạch đã được phân bổ.

Trong trường hợp, cơ sở A phát thải vượt hạn ngạch phân bổ, cơ sở A có quyền tìm đến cơ sở B phát thải thấp hơn lượng hạn ngạch được phân bổ để mua hạn ngạch, bù đắp vào lượng hạn ngạch phát thải vượt mức.

Hạn ngạch phát thải do Bộ Tài nguyên Môi trường phân bổ cho cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính. Thời gian đầu, hạn ngạch phát thải chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực lớn, sau đó mới mở rộng dần dần theo lộ trình.

Ngoài hạn ngạch phát thải, sàn giao dịch carbon Việt Nam còn chấp nhận loại hàng hóa thứ hai, là các tín chỉ carbon, với điều kiện các tín chỉ này phải đủ điều kiện giao dịch. Ví dụ, các tín chỉ carbon được đơn vị độc lập, uy tín xác nhận như VCS, Golden Standard, Verra; tín chỉ được tạo ra từ các dự án theo cơ chế bù trừ, trao đổi với quốc tế...

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

“Các doanh nghiệp được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính phải tuân thủ theo mức phát thải ấy. Nếu vượt quá, doanh nghiệp được bù trừ 10% tín chỉ cho lượng hạn ngạch đó. Đây cũng là điều kiện để tín chỉ carbon được trao đổi rộng rãi trên thị trường”, bà Đặng Thị Thủy giải thích.

Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2024, Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp. Đến năm 2025 - 2027, thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật.

Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động; nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới.

Hiện tại, nhiều thị trường carbon lớn trên thế giới đã hình thành, như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thống nhất về cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, xác định và phân bổ hạn ngạch carbon trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, Đề án phát triển thị trường carbon Việt Nam xác định thực hiện thí điểm trên tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện” để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục