Bê bối trên thị trường tín chỉ carbon của Đức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một vụ bê bối nhấn chìm thị trường tín chỉ carbon của Đức có thể khiến các công ty mất hàng tỷ đô la lợi nhuận.
Bê bối trên thị trường tín chỉ carbon của Đức

Chương trình liên quan tới trường tín chỉ carbon của Đức cho phép các nhà sản xuất carbon lớn nhất - các công ty như Shell và các công ty dầu mỏ khác - bù đắp một số lượng khí thải của họ bằng cách hỗ trợ các dự án giảm phát thải carbon ở nước ngoài.

Tuy nhiên, các báo cáo trên phương tiện truyền thông Đức cho thấy, một số dự án đã gây hiểu lầm trong tuyên bố giảm phát thải và một số dự án thậm chí không tồn tại.

Một báo cáo trên tờ Semafor vào thứ Tư (21/8) lưu ý trong một trường hợp, một người tố giác đã thông báo cho Shell một dự án giảm phát thải carbon mà gã khổng lồ dầu mỏ này tham gia thực chất là một trang trại nuôi gà.

Theo một nhóm trong ngành, vụ bê bối đã gây thiệt hại 5 tỷ USD lợi nhuận cho các công ty tham gia vào các dự án gian lận hoặc không được xác minh đầy đủ.

Vào tháng 12/2023, một báo cáo trên tờ Handelsblatt của Đức cho biết, một nửa số dự án ở Trung Quốc có thể là giả mạo hoặc trình bày sai lệch về hiệu quả của chúng.

Vụ bê bối liên quan đến tín chỉ Giảm phát thải thượng nguồn (UER), do các công ty năng lượng bên thứ ba sản xuất và bán cho các nhà sản xuất muốn bù đắp 1,2% lượng khí thải của họ, theo yêu cầu của Chính phủ Đức.

Hầu hết các dự án UER đều nằm ở Trung Quốc, một số khác ở Azerbaijan và Nigeria. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông Đức đã xác định ít nhất 27 dự án không thực sự giảm bất kỳ lượng khí thải nào hoặc đang phóng đại kết quả của họ.

"Trong 27 dự án UER từ Trung Quốc, chúng tôi đã nhận được dấu hiệu về những bất thường lớn và thậm chí là gian lận rõ ràng", một người trong ngành nói với tờ Handelsblatt vào tháng 12/2023.

Một số tiết lộ về các dự án gian lận - như trang trại gà mà Shell tham gia - đến từ những người tố giác, trong khi những tiết lộ khác xuất hiện từ các bức ảnh vệ tinh về địa điểm dự án cho thấy đất trống.

Tờ Semafor lưu ý rằng, vụ bê bối này gây tổn hại rất lớn đến nỗ lực giảm carbon toàn cầu, vốn đang hoạt động dựa trên sự tin tưởng thấp vào khả năng tự điều chỉnh và thực sự giảm lượng khí thải carbon của những bên gây ô nhiễm lớn nhất.

Đây cũng là một đòn giáng vào các cơ quan quản lý vốn được cho là sẽ kiểm soát nỗ lực này và giám sát quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0. Trong trường hợp của các UER gian lận, việc tuân thủ mức giảm 1,2% không phải là tự nguyện mà là bắt buộc theo luật định của chính phủ, dẫn đến những câu hỏi về lý do tại sao các cơ quan không giám sát chương trình chặt chẽ hơn.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục