Người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang tự sản xuất dầu ăn bằng cách mua máy ép dầu gia dụng. Đài CNBC dẫn lời truyền thông nước này cho hay, doanh số bán máy ép dầu tại Trung Quốc trong hai tuần qua đã vượt quá doanh số 6 tháng.
Lượng tìm kiếm máy ép dầu đã tăng gấp 22 lần và lượng bán hàng tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ ngày 5-12/7, so với doanh số bán hàng trước khi vụ bê bối nổ ra, truyền thông Trung Quốc dẫn số liệu từ nhà bán lẻ trực tuyến JD.com.
"Nó còn chưa được mở, tôi có nên ăn hay không?" một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, kèm chú thích cho một video về một chai dầu ăn, đã thể hiện sự lo lắng của người dân địa phương. "Thật tiếc khi phải vứt nó đi, nhưng tôi sợ phải đến bệnh viện và mất tiền nếu ăn nó", người dùng sống ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc cho biết thêm.
Chính quyền Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về những lo ngại về an toàn thực phẩm sau khi truyền thông trong nước tiết lộ rằng Sinograin, một công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước, đã sử dụng tàu chở nhiên liệu để vận chuyển dầu ăn.
Tờ Beijing News đưa tin, những tàu hàng đó đã không được làm sạch giữa các chuyến hàng. Tập đoàn tư nhân Hopefull Grain and Oil Group cũng có tên trong bê bối dầu ăn này.
Các tài xế xe tải được phỏng vấn đã cho hay, để tiết kiệm chi phí, các xe chở dầu này thường không được làm sạch trước khi vận chuyển chất lỏng ăn được như dầu ăn, dầu đậu nành và xi-rô ở Trung Quốc. Beijing News đưa tin, một số nhà sản xuất dầu ăn cũng không kiểm tra hoặc đảm bảo nghiêm ngặt thùng chứa có sạch hay không.
Một tài xế tàu chở dầu cho biết, một "bí mật mở" trong ngành vận tải tàu chờ dầu là thực phẩm và chất lỏng hóa học được vận chuyển thay thế cho nhau mà không cần khử trùng hoặc làm sạch.
"Điều đó có nghĩa là [người] Trung Quốc sẽ sợ đi ăn ngoài. Họ không muốn ăn ở nhà hàng", ông Shaun Rein, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group, cho biết. Ông phỏng đoán rằng người tiêu dùng Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu mua dầu nhập khẩu nhiều hơn, so với những tác động lan tỏa của vụ bê bối melamine năm 2008.
Năm 2008, Trung Quốc “rúng động” bởi một trong những vụ bê bối an toàn thực phẩm tồi tệ nhất khi melamine, một hóa chất dùng trong nhựa, được thêm vào sữa khiến 300.000 trẻ em bị đầu độc và khiến 6 trẻ tử vong, theo đài CNBC.
"Người Trung Quốc bắt đầu tới Australia, bắt đầu tới châu Âu để mua sữa bột trẻ em. Tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với dầu ăn. Hãy cẩn thận với các sản phẩm thực phẩm 'Sản xuất tại Trung Quốc'", ông Rein cho biết.
Tờ Times Finance cung đưa tin về doanh số bán máy ép dầu tăng đột biến, đồng thời dẫn lời một người dân địa phương cho biết ông dự định đến Hong Kong để mua dầu ăn và các loại gia vị khác, đồng thời nấu nướng nhiều hơn vì không chắc chắn về loại dầu dùng trong các món ăn mang về.
Chính quyền Trung Quốc đã cam kết sẽ hành động nghiêm khắc đối với thủ phạm. Ủy ban An toàn Thực phẩm của Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố: "Các doanh nghiệp bất hợp pháp và những người có trách nhiệm liên quan sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo luật pháp và sẽ không được dung thứ".