Hà Nội - Thành phố ngàn năm sáng tạo (Bài 1): Dòng chảy sáng tạo vô tận

0:00 / 0:00
0:00
Thăng Long - Hà Nội là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai, giữa bề dày văn hiến và dòng chảy sáng tạo vô tận.
Hà Nội - Thành phố ngàn năm sáng tạo (Bài 1): Dòng chảy sáng tạo vô tận

KTS Emmanuel Cerise, Trưởng Đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam) đã yêu Hà thành ngay từ cái nhìn đầu tiên vào năm 1997, khi ông còn là chàng sinh viên trường Đại học Kiến trúc Paris, tới đây để tham gia một chương trình nghiên cứu thực tế về kiến trúc Việt Nam.

Ông bộc bạch: “Ngay ngày đầu đặt chân đến Hà Nội, tôi đã bị hàng loạt công trình kiến trúc, nụ cười của người dân mê hoặc. Thế là, tôi nhanh chóng quyết định làm Luận án tiến sĩ với chủ đề “Kiến trúc nhà ở của Việt Nam”.

Càng đào sâu nghiên cứu, chàng sinh viên người Pháp càng “phải lòng” cảnh vật, con người Hà thành. Những gánh hàng rong mang theo hương sắc các loài hoa, bao món quà quê dân dã, mộc mạc, là nét duyên ngầm giữa đô thị phồn hoa. Khu phố cổ sôi động, náo nhiệt, tấp nập người mua, kẻ bán, tạo nên nét đặc trưng rất riêng cho Thành phố.

Còn có cả một Hà Nội xưa trong các cửa hàng, nơi những nghệ nhân làm đồ thủ công truyền thống sinh sống và làm việc. Và những công trình kiến trúc Pháp tuyệt đẹp tạo nên vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên… Tất cả vẽ nên bức tranh Hà Nội đầy quyến rũ. Vì thế, ông chủ động kéo dài thời gian nghiên cứu tới 12 năm, từ 1997 - 2009 để có hiểu biết sâu sắc về kiến trúc Hà Nội đầy sáng tạo, đẹp, lạ, khác biệt.

Năm 2011, khi TS. KTS Emmanuel Cerise giảng dạy tại trường Đại học Kiến trúc Paris, Vùng Ile-de-France đề nghị ông làm Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam. Với sự hiểu biết và tình yêu Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, ông nhận lời ngay.

12 năm nghiên cứu, vị kiến trúc sư có rất nhiều phát hiện lạ, khó tưởng tượng và đầy mê hoặc. Hà Nội trải qua rất nhiều thời kỳ, mỗi giai đoạn lại có những kiến trúc đô thị đặc trưng. Đó là những biệt phủ trước khi người Pháp đến, những công trình kiến trúc Pháp, những khu tập thể thời bao cấp, và những khu đô thị mới với nhà cao tầng.

Còn giờ đây, bức tranh kiến trúc nhà ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung có những nét chấm phá đặc thù hiếm quốc gia nào trên thế giới có được. Đó là những công trình với đủ hình dáng, kích thước được trang trí đủ kiểu, không theo bất cứ quy luật, phong cách, nguyên tắc nào mọc lên khắp nơi.

Sau giờ làm việc, TS. KTS Emmanuel Cerise thường dành thời gian đi bộ lang thang qua các con phố để khám phá những cụm nhà, cụm dân cư, rồi tiến sâu vào các con ngõ để xem ở đó có còn lưu giữ được mảng màu ký ức nào của Hà Nội hay không. Và sau những lần lang thang phố phường, ông đã có rất nhiều khám phá thú vị.

“Ít ai biết Hà Nội có tháp nước Đồn Thủy “anh em song sinh” của tháp nước Hàng Đậu, nằm lọt trong khuôn viên của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm, ở ngõ đường Đinh Công Tráng (gần Bệnh viện 108). Sở dĩ ít được biết đến là lúc mới xây dựng, tháp nằm trong khu Đồn Thủy, là trại lính nơi tướng Henri Rivière đóng quân khi quân Pháp chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội. Vị trí tháp nước Đồn Thủy ngày nay cũng khá ẩn khuất. Tôi thấy mình thực sự đã là người Hà Nội và muốn sống ở đây thật lâu, để khám phá hết Thủ đô hơn ngàn năm tuổi đẹp, lạ, khác biệt này”, TS. KTS Emmanuel Cerise bày tỏ.

Với TS. KTS Emmanuel Cerise, có 3 nét đặc sản làm nên sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội. Trước hết là hệ thống cây xanh và không gian mặt nước dày đặc, nằm rải rác khắp Thành phố. Tuy không có những công viên lớn, nhưng Hà Nội có rất nhiều vườn hoa nhỏ và đặc biệt là các tuyến phố sở hữu hai hàng cây xanh mướt mát như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Lê Hồng Phong… tán cây giao nhau tạo thành vòm mái xanh rất tuyệt vời, là di sản quý báu của Hà Nội.

Không gian mặt nước trong nội đô cũng ấn tượng không kém với sự hiện diện của rất nhiều hồ như: Hồ Tây, Hồ Gươm, hồ Ba mẫu, hồ Bảy mẫu, hồ Ngọc Khánh, hồ Thành Công, hồ Thủ Lệ… góp công lớn trong việc điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan chung cho thành phố.

Thứ hai, cuộc sống ở Hà Nội rất dễ mến vì các dịch vụ rất tiện lợi, dễ dàng tiếp cận, như thuê xe hay mua bán mọi thứ từ cái kim, sợi chỉ.

Đặc biệt, điều khiến bất cứ ai cũng mê mẩn và nhớ mãi về Hà Nội, đó là ẩm thực. Các món ăn của Hà Nội rất ngon, nơi đây cũng quy tụ được rất nhiều đặc sản từ các vùng miền cả nước và thế giới. Đa phần khách du lịch đều rất thích các món ăn đường phố, những quán nhỏ với vô số món ăn rất hợp khẩu vị. Dù họ là người nước nào, gu ẩm thực ra sao, đều có thể thích nghi và hứng thú.

“Đó là ba nét quyến rũ khó cưỡng của Hà Nội trong mắt du khách quốc tế. Ngoài ra, có một Hà Nội rất khác vào cuối tuần, khi khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nhộn nhịp hoạt động, tấp nập người qua lại, thể hiện sự sáng tạo của Thủ đô là vô tận”, TS. KTS Emmanuel Cerise chia sẻ.

Cũng là nhà nghiên cứu, KTS yêu Hà Nội say đắm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam tự hào kể: “Dấu ấn đầu tiên minh chứng cho sáng tạo của tổ tiên người Việt là chuyển dịch kinh đô Văn Lang ở vùng đồi núi trung du (Phú Thọ) về vùng đất Cổ Loa ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng màu mỡ, khai phá vùng đất hoang sơ thành nơi trù phú, dân cư đông đúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thành Cổ Loa hình thành từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, là minh chứng của nền văn minh, của tài năng, trí tuệ và sức mạnh của tổ tiên ta”.

Đặc biệt, sau khi lên ngôi hoàng đế, năm 1010 Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đặt tên là Thăng Long với tầm nhìn sáng suốt: Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa... Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Trong ngàn năm lịch sử, các vương triều đã không ngừng sáng tạo, tạo lập kinh đô nước Việt ngày càng phát triển, để lại quỹ di sản đô thị phong phú cho ngày nay mà không phải Thủ đô nước nào cũng có được”.

Cấu trúc đô thị, cảnh quan, làng nghề, phố nghề và hệ thống công trình kiến trúc có bản sắc. Nổi trội là hệ thống đình, đền, chùa, được bảo tồn, lưu truyền đến ngày nay với cấu trúc, hình thức kiến trúc mang bản sắc riêng, thể hiện văn hóa tâm linh của người Việt.

Các công trình đã được xếp hạng cho thấy đây là quỹ di sản phong phú, minh chứng cho truyền thống văn hóa, sáng tạo của các thế hệ cư dân Thăng Long - Hà Nội.

Trong đó, đặc biệt phải kể đến khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2010 được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới với các giá trị nổi bật toàn cầu, hiện là điểm đến an toàn, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, sáng tạo của Thủ đô.

Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Tiếp đó, khu phố cổ Hà Nội - Di tích lịch sử quốc gia, là ví dụ điển hình cho sự phát triển, chuyển hóa từ mô hình “thị - phường” của đô thị cổ thời phong kiến sang chức năng đô thị phát triển kết cấu hạ tầng gắn với dịch vụ thương mại, không gian kiến trúc tổng hòa nhiều phong cách truyền thống Việt Nam, Trung Hoa, châu Âu... nhưng có sự thống nhất về nhịp điệu, khối công trình và chức năng sử dụng, đặc biệt không gian nhà ở có sự sáng tạo phù hợp điều kiện khí hậu.

Đáng kể là khu phố cổ có quỹ di sản vật thể phong phú, đa dạng và hệ thống di sản phi vật thể hấp dẫn gồm các lễ hội, ẩm thực, nghề truyền thống phản ánh quá trình phát triển Thăng Long - Kẻ Chợ - Hà Nội.

Ngoài ra, khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, làng cổ Đường Lâm và gần 1.350 làng nghề và nghề truyền thống cũng chính là minh chứng thuyết phục cho truyền thống sáng tạo của cư dân Thăng Long - Hà Nội.

Nghiên cứu của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, thời Pháp thuộc, Hà Nội có sự biến đổi về cấu trúc đô thị, về diện mạo đô thị, thể hiện yếu tố hội nhập, tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Tây kết hợp với truyền thống phương Đông tạo nên một đô thị có bản sắc riêng từ quy hoạch tổng thể đến khu vực (khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm...) và các công trình kiến trúc (Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia...).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và nhất là từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh địa giới, 7 lần có Quy hoạch chung được phê duyệt, để lại dấu ấn đậm nét về sự sáng tạo.

“Nói về sáng tạo trong quy hoạch, kiến trúc giai đoạn này, không thể không kể đến các công trình kiến trúc đặc biệt như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội..., các công trình kiến trúc xanh, không gian xanh công cộng, các khu đô thị mới... đã thể hiện rõ bản sắc kiến trúc Việt Nam”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Chưa hết, trong quá trình phát triển Thủ đô, các cây cầu kết nối đôi bờ sông Hồng được xem là dấu ấn sáng tạo rõ ràng. Đầu tiên là cầu Long Biên do người Pháp xây dựng năm 1898, khánh thành năm 1902, như rồng uốn khúc vươn mình nối hai bên bờ sông. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương vào thời điểm đó.

Cầu Long Biên cũng là nơi chứng kiến khí phách hào hùng của người Hà Nội trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Trong chiến tranh phá hoại, cầu Long Biên là mục tiêu hủy diệt của máy bay Mỹ song nơi đây đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Thủ đô. Năm 1973, cầu được “hồi sinh”, trở thành biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội kiên cường, sáng tạo.

Cầu Long Biên xưa và nay

Cầu Long Biên xưa và nay

Năm 1974, cầu Thăng Long được xây dựng, hoàn thành năm 1985, được xem là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô, đồng thời minh chứng cho sự linh hoạt, sáng tạo của người Việt Nam. Năm 1983, cầu Chương Dương được xây dựng để kết nối nội đô với ngoại thành phía Bắc sông Hồng, kết nối Thủ đô Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển vùng Đông Bắc, khánh thành năm 1985.

Năm 2002, cầu Thanh Trì được khởi công, áp dụng công nghệ hiện đại với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản. Sau khi khánh thành vào đầu năm 2007, cầu Thanh Trì trở thành biểu tượng cho sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Thủ đô.

Khi nhu cầu giao thông ngày càng cao, tháng 2/2005, cầu Vĩnh Tuy ra đời. Đặc biệt, năm 2015, cầu Nhật Tân được thông xe, trở thành biểu tượng mới của Thủ đô với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô và 5 cánh hoa đào.

“Tới đây Hà Nội sẽ xuất hiện thêm cầu cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2..., chắc chắn đó sẽ là những biểu tượng sáng tạo mới trong tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững”, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ và khẳng định: “Việc Hà Nội được UNESCO công nhận Thành phố sáng tạo vào tháng 10/2019, không chỉ là ghi nhận truyền thống sáng tạo của Thành phố ngàn năm tuổi, mà còn là động lực để đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước và khu vực, tạo bước tiến mới, nâng tầm vị thế Thủ đô. Trong các quốc gia Đông Nam Á, Hà Nội là thành phố đầu tiên được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Vì là Thủ đô của Việt Nam nên cũng có thể xem Hà Nội là Thủ đô sáng tạo đầu tiên của khu vực”.

Cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân

Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, dòng chảy sáng tạo vô tận của Hà thành đang biến nơi đây trở thành “vườn ươm” cho sáng tạo của cả nước. Hà Nội được bạn bè quốc tế biết đến là một thành phố thanh lịch, văn minh, hiện đại và giàu sáng tạo, một thành viên tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế.

Nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô, như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, đặc biệt chương trình nghệ thuật “Ký ức Hội An” đã trở thành hiện tượng của toàn cầu khi được lưu diễn ở nhiều quốc gia lớn, mang về lợi nhuận “đáng nể”.

Mang trong mình mạch nguồn sáng tạo vô tận cùng tinh thần đổi mới và năng động, toàn thể nhân dân cùng chính quyền Thành phố đang xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo của UNESCO trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, xứng đáng là trung tâm du lịch, trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới.

(Còn tiếp)

Hồ Hạ - Linh Phạm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục