Ưu tiên thị trường nội địa
Trong bối cảnh thị trường quốc tế “đóng băng”, chưa xác định được khi nào mới có thể đón du khách, ngành du lịch nói chung, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội nói riêng đang kỳ vọng và ưu tiên nguồn lực để xây dựng sản phẩm cũng như thu hút thị trường khách nội địa.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho hay, đơn vị đang khảo sát các sản phẩm du lịch tại Hà Nội và một số địa phương an toàn trong phòng, chống dịch; nghiên cứu chính sách du lịch của các địa phương để thực hiện tour kết nối những điểm đến an toàn, xây dựng sản phẩm du lịch khép kín. Mục đích là để du khách có những trải nghiệm mới sau một thời gian gián đoạn du lịch, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tối đa.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang khai thác lợi thế du lịch Hà Nội để xây dựng các sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, trong đó chú trọng vào sản phẩm du lịch văn hóa. Theo bà Trịnh Mỹ Nghệ, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC, đơn vị này đang phối hợp cùng một số công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa “Một ngày khám phá Hà Nội” và sản phẩm “Khám phá mùa thu Hà Nội”.
“Nếu không có sản phẩm tốt rất khó thu hút được khách, đi cùng với đó phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để tạo sự đồng bộ, chuyên nghiệp”, bà Trịnh Mỹ Nghệ nói.
Với các điểm đến du lịch, đơn vị chủ quản cũng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư y tế, khử khuẩn toàn bộ điểm tham quan, yêu cầu nhân viên thực hiện quy trình hướng dẫn khách phòng, chống dịch.
Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công tác phòng, chống dịch luôn được quan tâm. Dung dịch sát khuẩn tay được bổ sung, đặt tại các điểm bán vé, cửa ra vào và các vị trí thuận lợi để du khách dễ thấy, dễ sử dụng khi mở cửa trở lại. Trung tâm cũng tăng cường bố trí nhân viên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, đảm bảo 5K.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi động lại hoạt động đón và phục vụ khách du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm tham quan, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch gắn với xây dựng và tuyên truyền điểm đến an toàn cho du khách.
Đặt an toàn lên hàng đầu
Do tác động của Covid-19 nên 9 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ có khách nội địa với 2,92 triệu lượt, giảm 57,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8.170 tỷ đồng, giảm 66,2% so với cùng kỳ năm trước.
Để phục hồi ngành kinh tế xanh, Sở Du lịch Hà Nội đang nỗ lực triển khai xây dựng điểm đến, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19.
Cùng với đó, ngành du lịch Thủ đô kỳ vọng dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt trong thời gian tới, các hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi trong trạng thái “bình thường mới”. Đến nay, Hà Nội đã đạt 96,3% dân số trên 18 tuổi và 69,8% tổng dân số được tiêm mũi 1; đạt 17,9% dân số trên 18 tuổi và 13% tổng dân số được tiêm mũi 2. Đây là cơ sở để du lịch Hà Nội sẵn sàng phương án kích hoạt các hoạt động.
Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, các đơn vị hoạt động du lịch từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến của Hà Nội đều luôn sẵn sàng hoạt động trở lại và có nhiều sản phẩm chất lượng, an toàn để phục vụ du khách.
Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang tham mưu UBND Thành phố xây dựng chi tiết kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch gắn với phòng, chống Covid-19 từ nay đến cuối năm. Các giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch bám sát kịch bản diễn biến dịch của Bộ Y tế dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với Covid-19” gắn với 4 giai đoạn.
“Dự kiến trong tháng 10, với sự cho phép của UBND Thành phố, Sở Du lịch Hà Nội sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn III, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thành phố”, ông Trần Trung Hiếu cho hay.
Ngành du lịch Hà Nội cũng tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ, nhằm xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cho các khu, điểm du lịch. Đồng thời, mở rộng hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm và tổ chức sự kiện) gắn với đăng cai tổ chức các sự kiện lớn, tiêu biểu.