Grab Việt Nam vừa có thông cáo báo chí để bày tỏ quan điểm về buổi cuộc họp giữa đại diện của Grab Việt Nam và Tổng cục Thuế (ngày 9/12/2020) liên quan đến những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 126/2020-NĐ-CP (hướng dẫn Luật Quản lý thuế).
Grab thất vọng nhưng vẫn cam kết tuân thủ Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Trong thông cáo báo chí, Grab bày tỏ sự thất vọng: “Bởi buổi làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào vì Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế giá trị gia tăng - GTGT”, thông cáo báo chí viết.
Mặc dù Grab khẳng định, vẫn tuân thủ Nghị định 126/2020, Luật thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế. Bởi tuân thủ pháp luật luôn là tiêu chí hàng đầu trong quá trình hoạt động của Grab tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Grab nhấn mạnh: “Rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%. Dù biết rằng các đối tác (tài xế) không có khả năng khấu trừ GTGT đầu vào, nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán. Cụ thể, Tổng cục Thuế “tự khẳng định” tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế GTGT cho khoản doanh thu của mình”.
Giải thích về sự không nhất quán của Tổng cục Thuế, Grab dẫn chứng, theo Công văn 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017, thì khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho 2 chủ thể, gồm phần doanh thu của Grab chịu thuế GTGT 10%; còn phần doanh thu của tài xế chịu thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Văn bản này của Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế là cá nhân kinh doanh và là Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế GTGT.
Thông cáo báo chí của Grab cũng chia sẻ nhiệm vụ của cơ quan thuế là đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có hợp tác kinh doanh với tổ chức. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP (điểm c khoản 5 Điều 7), theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo mức chung của tổ chức là 10%.
Quy định này, theo Grab là chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế; còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế GTGT thì phải căn cứ vào Luật thuế GTGT.
“Do đó, chúng tôi rất quan ngại rằng, cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là Người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật thuế GTGT”, thông cáo báo chí viết.
Cuối cùng, Grab khẳng định là doanh nghiệp có trách nhiệm và luôn nỗ lực tuân thủ quy định của pháp luật, nhưng sẽ tiếp tục gửi công văn đề nghị hướng dẫn một số điểm của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, và rất mong Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và xem xét lại để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và đối tác của Grab.
Grab, Goviet, Bee… có trách nhiệm khai thuế GTGT toàn bộ doanh thu
Trước sự phản ứng của Grab, ông Nguyễn Đức Huy, Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019 (có hiệu lực kể từ 1/7/2020), vì thế, cách tính thuế GTGT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek, Bee... hay còn gọi là đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh có thay đổi. Cụ thể, doanh nghiệp hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời doanh nghiệp khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh…
Theo ông Huy, “điểm mới” của Nghị định 126/2020/NĐ-CP chỉ là quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh giữa tổ chức với cá nhân.
“Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có quy định mới về chính sách thuế GTGT. Chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Như vậy, Nghị định 126/2020/NĐ-CP không làm tăng nghĩa vụ của tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải, do thuế suất thuế GTGT 10% đối với hoạt động kinh doanh vận tải không thay đổi”, ông Huy nhấn mạnh.
“Nói cách khác, doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10%. Cụ thể, hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế GTGT và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa doanh nghiệp và cá nhân” ông Huy giải thích.
“Như vậy, các doanh nghiệp hợp tác kinh doanh với cá nhân như Grap, Goviet, Bee… có trách nhiệm khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân (thuế suất 1,5%) cho tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.
Cách tính thuế mới này nhằm thu thuế GTGT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh, lái xe chỉ có trách nhiệm nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm và sẽ không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay mà trách nhiệm nộp thuế GTGT thuộc về doanh nghiệp”, ông Huy nói thêm.
Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Huy khẳng định, Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất kinh tế phát sinh cũng như thông lệ quốc tế, các tổ chức, cá nhân có liên quan cần tìm hiểu kỹ về phương pháp tính thuế áp dụng theo quy định mới để từ đó nhận thức đúng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Báo Đầu tư Online sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của câu chuyện này.