“Hiện tại, nhiều khả năng các hoạt động kinh tế đã chạm tới đáy. Các lệnh cách ly/giãn cách xã hội bắt đầu được gỡ bỏ khi các nền kinh tế cẩn trọng mở cửa trở lại”, Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo gửi tới các khách hàng.
Goldman Sachs dự báo, các hoạt động kinh tế sẽ thu hẹp trung bình 32% trong quý II, trước khi tăng trưởng trở lại 16% trong quý III và thêm 13% trong quý cuối năm.
Tại Morgan Stanley, nhà kinh tế trưởng Chetan Ahya chia sẻ, nhiều chỉ báo mà Morgan Stanley theo dõi thường xuyên cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình tạo đáy.
Hoạt động tiêu dùng đã phần nào được cải thiện, xu hướng di chuyển cũng gia tăng sau quãng thời gian giãn cách nghiêm ngặt. Chi tiêu hộ gia đình giảm chậm hơn so với những tuần đầu tiên khi dịch bùng nổ.
“Chúng tôi đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy trong tháng 2 và khu vực đồng euro nhiều khả năng đạt đáy trong tháng 4, nước Mỹ vào cuối tháng 4”, Ahya cho biết.
IMF đánh giá tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức -3% năm 2020
Ở góc nhìn thận trọng hơn, nhà kinh tế James Pomeroy tại HSBC Holdings Plc cho rằng, nền kinh tế toàn cầu khó lòng phục hồi nhanh chóng. Ông dẫn ra các số liệu về tiêu dùng tại Trung Quốc cho thấy tốc độ leo dốc chậm, bởi người dân vẫn lo ngại khi mua sắm và tình hình việc làm.
Đáng chú ý, khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, tồn tại nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, khiến các hoạt động kinh tế tiếp tục bị đứt gãy.
“Rủi ro lao dốc lớn nhất với triển vọng kinh tế toàn cầu là việc tỷ lệ lây nhiễm gia tăng trở lại khi các nền kinh tế dần mở cửa. Các chiến lược gia của chúng tôi xác nhận rằng, những tín hiệu tốt về dịch bệnh hiện tại chủ yếu xuất phát từ các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội”, Hatzius cho biết.