Chứng khoán ra sao sau giai đoạn “đóng cửa”?
Sự hồi phục mạnh mẽ của chỉ số S&P 500 nói riêng, cũng như các thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung đã trở thành điểm nhấn đặc biệt trong thời gian qua, nhất là khi đại dịch Covid-19 ở thời khắc cao điểm.
Chỉ số S&P 500 vươn lên mốc cao mới (hơn 2.930 điểm) trong tháng 4 từ mức đáy trong tháng 3 nhờ việc nhà đầu tư “nâng niu” từng tín hiệu tích cực của việc khống chế dịch bệch, đặt niềm tin vào các gói hỗ trợ của chính phủ, duy trì rót vốn vào các nhóm cổ phiếu trụ cột và gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường tín dụng.
Thực tế, chỉ số S&P 500 đã gần tiến tới việc có tháng tăng điểm mạnh nhất trong 33 năm qua, một thành tựu quý giá trong giai đoạn khó khăn, trước khi lùi dần về ngưỡng kháng cự ở khoảng 2.872 điểm, ngưỡng cản quen thuộc của thị trường mà mới được vượt qua trong tháng 1/2018, khi phố Wall mừng rỡ trước quyết định giảm thuế đối với các doanh nghiệp.
Ngay cả như vậy, chỉ số S&P 500 vẫn chứng tỏ sức mạnh khi khôi phục lại hơn 60% những gì đã mất vì đại dịch Covid-19 và một lần nữa thử sức ở ngưỡng cản này.
Trong lần này, theo giới chuyên gia, thị trường chỉ có thể xoay sở để tiếp tục leo dốc nếu có những cải thiện rõ rệt của sức khoẻ nền kinh tế và không có gì ngạc nhiên nếu các chỉ số cần phải thử sức nhiều lần mới vượt qua rào cản hiện tại.
Diễn biến chỉ số S&P 500
Theo Edison Group, các số liệu PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) trên toàn cầu trong tháng 4 vừa được công bố cho thấy, nền kinh tế đang ở tình trạng ngặt nghèo trong ngắn hạn. Ít nhất cho tới hết năm 2020, các nền kinh tế cần đối diện với viễn cảnh các quy định giãn cách xã hội được duy trì, rủi ro làn sóng nhiễm bệnh thứ hai xuất hiện khiến hoạt động đầu tư và chi tiêu chịu áp lực lớn.
Đây là lý do Edison Group duy trì góc nhìn “trung lập” (neutral) với triển vọng của thị trường chứng khoán toàn cầu sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhất là khi giá cổ phiếu đã phần nào hồi phục từ đà bán tháo trong tháng 3.
Giai đoạn giãn cách/cách ly xã hội đã gần hoàn thành tại các nền kinh tế
Phụ thuộc vào nhóm công nghệ
Trong nhiều năm qua, chỉ số S&P 500 đã luôn có sự phụ thuộc lớn vào nhóm cổ phiếu lớn nhất, giàu tiềm năng tăng trưởng nhất là doanh nghiệp công nghệ. Điều này khiến “sức mạnh” của chỉ số có phần dễ bị tổn thương. Hoàn cảnh hiện tại không có nhiều khác biệt.
Kể cả thời kỳ đạt đỉnh vào tháng 2/2020, hay mức đáy của đà bán tháo đầy hoảng loạn trong tháng 3/2020, nhóm cổ phiếu công nghệ đình đám (Microsoft, Apple, Amazon, Alphabet và Facebook) đều có màn biểu diễn vượt trội so với thị trường chung. Điều này xuất phát từ việc nhà đầu tư đặt niềm tin vào sức mạnh của các công ty công nghệ lớn, nhất là khi lĩnh vực này ít chịu tác động từ đại dịch hơn so với các ngành công nghiệp khác. Chưa kể, việc sở hữu dòng tiền ổn định trong dài hạn luôn là “bảo bối” để sinh tồn trong môi trường kinh tế nhiều bất ổn.
Diễn biến của thị trường trong những tuần qua cho thấy, tên tuổi của nhóm cổ phiếu công nghệ, cùng với nhóm cổ phiếu phòng thủ (hàng tiêu dùng thiết yếu, y tế, chăm sóc sức khoẻ) đã trở thành trụ cột cho đà leo dốc của chứng khoán.
Tuy nhiên, với việc các kết quả kinh doanh lần lượt được công bố, giới đầu tư phần nào tỉnh thức để có sự tập trung hơn vào bức tranh toàn cảnh: sự mở cửa trở lại của nền kinh tế sau thời gian giãn cách tạo nên môi trường kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Alphabet (công ty mẹ của Google) công bố kết quả quý I/2020 vào cuối tháng 4 với doanh thu tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ việc số lượng người ở nhà gia tăng vì đại dịch, các nền tảng giải trí của Công ty như Youtube có kết quả kinh doanh vượt trội. Dù vậy, số liệu thống kê chi tiết cho thấy, hoạt động tìm kiếm trên Google có liên quan tới nội dung quảng cáo giảm sút. Với việc cả doanh nghiệp, lẫn người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì kinh tế khó khăn, triển vọng tăng trưởng doanh thu quảng cáo của Google không lấy làm tích cực.
Đáng chú ý, doanh thu của nhóm 5 công ty công nghệ hàng đầu kể trên chiếm hơn 20% tổng doanh thu của nhóm S&P 500. Thực tế này khiến nhà đầu tư có phần e dè hơn với việc tập trung vào một nhóm cổ phiếu và bắt đầu mở rộng hoạt động đầu tư sang các góc cạnh khác của thị trường.
Chỉ số Russell 2000 (chỉ số đo khả năng hoạt động của 2.000 công ty có giá trị vốn hoá thị trường nhỏ nhất trong số 3.000 công ty của chỉ số Russell 3000) đã tăng 10% trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, đà tăng không được giữ vững và tiếp tục đi xuống theo đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ, cũng như chỉ số S&P 500.
Mối liên kết sức mạnh giữa chỉ số Russell 2000 và S&P 500 trong 12 tháng qua (đường leo dốc thể hiện Rusell 2000 vượt trội hơn so với S&P 500
Mối liên kết có phần thất thường của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và nhỏ trong những tuần gần đây được phản ánh rõ ràng qua biểu đồ của Bespoke Investment Group. Diễn biến này cho thấy, sự gắn kết giữa các nhóm cổ phiếu khác biệt về quy mô, giá trị, động lực, triển vọng tăng trưởng trở nên “mềm dẻo” hơn, phản ánh nhà đầu tư đang chậm dãi định vị lại danh mục của mình trong bối cảnh mới của nền kinh tế.
Thị trường tín dụng là chìa khoá
Hơn bao giờ hết, thị trường tín dụng đang trở thành trụ đỡ cho sự “sinh tồn” của thị trường chứng khoán. Hàng nghìn tỷ USD từ các gói hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ cho các thị trường tài chính hoạt động ổn định và cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp, tài sản nợ của doanh nghiệp đặt “tấm nệm” nâng đỡ đà lao dốc của giá cổ phiếu.
Trong tháng 4, các thành viên thị trường chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp hoặc nhận được vốn hỗ trợ, hoặc bán được các tài sản nợ cho nhà băng, từ đó thu về dòng tiền đảm bảo trang trải chi phí hoạt động trong thời kỳ nền kinh tế “đóng cửa” vì đại dịch.
Chiến lược gia Tobias Levkovich tại Citi Group nhận định: “Việc Fed sẵn sàng mua vào các loại trái phiếu rủi ro cao (junk bond) đã tạo lực đỡ hỗ trợ đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng hiện tại, mọi chuyện đã ở phía sau, trừ khi Fed tiến hành mua cổ phiếu – điều quá xa tầm với đối với các nhà quản lý tiền tệ. Do đó, chúng ta cần xác định các tin tốt đã được phản ánh vào giá cổ phiếu cho tới thời điểm này, giúp chỉ số S&P 500 chỉ giảm khoảng 10% kể từ đầu năm tới nay, bất chấp nền kinh tế đang ở tình trạng tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1929”.
Cùng chung quan điểm, nhà phân tích Tony Dwyer tại ngân hàng đầu tư Canaccord Genuity cho rằng, sự hỗ trợ của Fed đã vực dậy thị trường từ mức đáy trong tháng 3, nhưng cả thị trường tài chính và chứng khoán vẫn ở trong giai đoạn chịu áp lực lớn, nhất là khi các dự báo cho thấy khả năng bùng phát dịch Covid-19 đợt thứ hai trong năm 2020 gia tăng.
Trong thời gian qua, việc ngân hàng trung ương vào cuộc quyết liệt, nhà đầu tư chuyển đổi từ trạng thái phòng vệ cực đoạn sang tâm lý trung tính hơn đã giúp thị trường chứng khoán theo hướng leo dốc. Tuy nhiên, kể từ nay, xu hướng tăng của thị trường chỉ có thể bền vững nếu có các tín hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế phục hồi, sức khoẻ của nền kinh tế được cải thiện một cách rõ rệt.