Để giải ngân hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bà Hồng cho rằng cần thêm giải pháp, trong đó có quy định cho phép doanh nghiệp mua nhà xã hội với lãi suất ưu đãi rồi bố trí nhà ở cho công nhân, như Luật Nhà ở chuẩn bị được xem xét.
Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội.
Trong phần phát biểu giải trình làm rõ trước Quốc hội về một số vấn đề chính sách tiền tệ mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói rằng, chính sách điều hành lãi suất và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang chịu áp lực do tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn thách thức, các nhiệm vụ khó có thể đạt được cùng lúc.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiên trì giữ đại cục, ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, theo dõi sát diễn biến tình hình để quyết định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời điểm với tinh thần ứng phó linh hoạt.
Về điều hành lãi suất, Thống đốc nhìn nhận nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của mọi doanh nghiệp và cả ngân hàng, được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được thực hiện trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định và giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Năm 2022, có 2 lý do khiến chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, đó là: lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh; ở trong nước, lạm phát tuy thấp hơn thế giới nhưng vẫn mức cao hơn so với năm 2021 (cuối năm 2022 là khoảng 5%).
Bên cạnh đó, vào tháng 9, 10/2022, áp lực mất giá của đồng Việt Nam lên đến 9-10%. Nếu để đồng Việt Nam mất giá đến 9-10% thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thiệt hại nặng nề do hầu hết doanh nghiệp có thâm hụt lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, một số doanh nghiệp vay vốn nước ngoài...
"Trong hoàn cảnh đó, nếu chúng ta không có chính sách linh hoạt, đồng bộ thì không thể giữ được mức mất giá 3,5% trong năm 2022", Thống đốc thông tin.
Khi ổn định tỷ giá trở lại, trong điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất các khoản cho vay mới giảm khoảng 0,9% so với cuối năm 2021.
Sáng nay (1/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội. |
Đối với điều hành tín dụng, tháng 10/2022 diễn ra sự kiện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB, là sự việc chưa từng có trong lịch sử, có nguy cơ tác động lan truyền trong hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt là đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân.
"Vì vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào thời điểm đó. Sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng", Thống đốc nói.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng nói thêm, với những biến động của các ngân hàng Mỹ trong thời gian vừa qua, ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn.
"Những giải pháp, liều lượng và thời điểm của chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng để tập trung hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân chứ không vì mục tiêu nào khác", bà Hồng nhấn mạnh.
Về vấn đề tiếp cận tín dụng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cần phải mổ xẻ, phân tích nguyên nhân để có giải pháp đúng.
Thứ nhất là về cơ chế, chính sách cho vay, bà Hồng nói rằng không có gì thay đổi, nhưng tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14,16% trong khi 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3%, cho nên không thể nói là do chính sách.
"Về phía các tổ chức tín dụng, những tháng đầu năm nay room tín dụng thoải mái, thanh khoản được Ngân hàng Nhà nước duy trì dư thừa. Không có lý do gì các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi phải trả lãi người gửi mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, lại không cho vay", bà Hồng nói thêm.
Đi sâu phân tích, Thống đốc nói rằng từ phía doanh nghiệp cho thấy có một số nhóm doanh nghiệp như sau:
Nhóm doanh nghiệp không có đầu ra, như đại biểu Quốc hội nói là không có đơn hàng, thì giải pháp phải là gỡ khó đầu ra. Vừa rồi Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt các giải pháp xúc tiến thương mại, tuy nhiên cũng cần có thời gian. Ngoài ra, cần khai thác thị trường nội địa để bù đắp cầu xuất khẩu.
Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn sau đại dịch mà không đủ điều kiện vay vốn thì cần có giải pháp cải thiện điều kiện vay vốn, thông qua các chính sách khác ví dụ bảo lãnh vay vốn...
Nhóm doanh nghiệp bất động sản, là nhóm có tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, nhưng nhóm này có tới 70% khó khăn thuộc về pháp lý nên giải pháp phải hướng tới tháo gỡ pháp lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cũng phải rà soát điều chỉnh giá bất động sản để kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.
Đối với gói chính sách giảm lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng, Thống đốc nhận định kết quả vẫn thấp, đúng như đại biểu Quốc hội nêu nguyên nhân là tâm lý e ngại của người vay, tổ chức tín dụng cũng khó có công cụ đánh giá như thế nào là "có khả năng phục hồi".
"Chính phủ đã trình Quốc hội giải pháp chuyển nguồn, khoảng 24.000 tỷ đồng còn lại cho giảm thuế VAT. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội bỏ chữ "có khả năng phục hồi" trong Nghị quyết 43 để tiếp tục triển khai", Thống đốc thông tin.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đây là gói tín dụng ưu đãi lãi suất do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai, Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về chính sách. Hiện Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn các địa phương lựa chọn dự án. Thống đốc nói rằng trong triển khai cũng có một vấn đề là ai cũng có nhu cầu nhà ở nhưng không phải ai cũng có nhu cầu vay mua nhà, do đó cần có thêm giải pháp.
"Tại Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi tại Quốc hội kỳ này có mở rộng quy định cho phép doanh nghiệp mua nhà xã hội với lãi suất ưu đãi rồi bố trí nhà ở cho công nhân. Hy vọng dư nợ tín dụng gói 120.000 tỷ đồng sẽ tăng thêm", bà Hồng nói.
Nghiên cứu PCI của VCCI có phản ánh bức tranh doanh nghiệp hay không?
Bình luận thêm về ý kiến của doanh nghiệp đối với chính sách tiền tệ, Thống đốc nói rằng bà rất quan tâm đến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố.
Tuy nhiên, PCI 2022 vừa công bố dựa trên việc lựa chọn khảo sát 82.510 doanh nghiệp, liên hệ thành công chỉ được 43.903 doanh nghiệp để mời trả lời trực tuyến, sau đó chỉ có 8.478 doanh nghiệp phản hồi hợp lệ.
"So với số lượng khoảng 800.000 - 900.000 doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, con số 8.478 doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1%, vậy thì kết quả này có phản ánh bức tranh doanh nghiệp hay không?", bà Hồng nêu câu hỏi.