Đại biểu Quốc hội: Bối cảnh này không thể nóng vội mà tung ra những chính sách quá nới lỏng về tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đặt câu hỏi tại phiên họp tổ sáng 25/5 để nói về chính sách giảm lãi suất vẫn còn "nhỏ giọt" khiến doanh nghiệp chưa được hỗ trợ cần thiết.
ĐBQH Trần Văn Lâm phát biểu tại họp tổ Quốc hội sáng 25/5 ĐBQH Trần Văn Lâm phát biểu tại họp tổ Quốc hội sáng 25/5

Ngân hàng cần "chia lửa" nhiều hơn với doanh nghiệp

Sáng 25/5, tại phiên thảo luận tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, kế hoạch năm 2023, đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nền kinh tế đang chịu áp lực lớn để đạt GDP tăng trưởng 6 - 6,5% như kế hoạch.

"Tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, sự khó khăn ngày càng gia tăng, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn cho thời gian còn lại của năm 2023", vị đại biểu nhấn mạnh.

Tổng kết nguyên nhân GDP quý I/2023 thấp, ông Lâm chỉ ra những khó khăn chủ yếu bao gồm: doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thấp hơn số tạm dừng, phá sản; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền; ba chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện chưa hiệu quả…

Vị đại biểu nhận định, trong bối cảnh này không thể nóng vội mà tung ra những chính sách quá nới lỏng về tài chính. Bởi nếu tăng cung tiền đột ngột sẽ lập tức đẩy chỉ số lạm phát cao, khiến lãi suất tăng cao, lúc đó doanh nghiệp không thể vay được tiền để tái sản xuất.

“Vấn đề then chốt vẫn là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức phù hợp”, ông Lâm nói.

Thay vào đó, ông Lâm cho rằng, chính sách tiền tệ phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền. Thực tế, hiện nay doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vì lãi suất vẫn cao.

"Hiện nay, lạm phát ổn định mà lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao là bất hợp lý. Chúng ta đã và đang điều chỉnh lãi suất nhưng mức điều chỉnh này vẫn còn nhỏ giọt. Nhiều doanh nghiệp cho biết, muốn vay ngân hàng thì lãi suất thực chi vẫn là hơn 13%/năm", đại biểu đoàn Bắc Giang nhấn mạnh, đồng thời đặt câu hỏi: "Với lãi suất 13%/năm thì doanh nghiệp lời lãi ở đâu?”.

Chúng ta đã và đang điều chỉnh lãi suất nhưng mức điều chỉnh này vẫn còn nhỏ giọt.

ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

Để giảm lãi suất, theo ông Lâm, phải duy trì kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát thấp tương đối, tiếp đến là giảm chi phí của ngân hàng.

"Tức là chênh lệch lãi suất cho vay và đi vay phải về mức hợp lý. Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi lớn là không hợp lý", ông Lâm nói.

Doanh nghiệp khó khăn, lãi suất đã cao mà ngân hàng còn "ép" khách mua bảo hiểm

Ở một tổ khác, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam cũng cho rằng có sự bất hợp lý khi doanh nghiệp khó khăn mà ngân hàng lại lãi cao.

Thậm chí, vị đại biểu đề cập đến một vấn đề nóng hiện nay là câu chuyện nhiều ngân hàng thương mại "ép" khách mua bảo hiểm thì mới giải ngân khoản vay.

"Trong suy thoái kinh tế, người dân và doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng đã thu lãi cao mà nhiều ngân hàng còn "ép" người dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm. Để xảy ra tình trạng này, ai chịu trách nhiệm?", ông Khải nêu vấn đề.

Đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam

Đại biểu Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam

Theo tìm hiểu của đại biểu đoàn Hà Nam, mỗi ngân hàng lãi hàng chục nghìn tỷ đồng từ việc bán bảo hiểm. Trong khi đó, vị đại biểu nhắc lại, tại cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất chiều 24/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, ngân hàng và doanh nghiệp "phải đi chung con đường".

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết của Quốc hội về giảm VAT nên có đoạn mở là “có thể tiếp tục kéo dài”

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội

Cũng thảo luận tại tổ sáng 25/5, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ đồng tình với chính sách giảm 2% thuế VAT.

Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% trong thời gian 6 tháng là quá ngắn khi mà mốc tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm.

Từ đó ông Cường đề nghị trong dự thảo Nghị quyết nên có đoạn mở là “có thể tiếp tục kéo dài”.

Dẫn chứng chính sách giãn, hoãn, miễn các khoản thu ngân sách như thuế, tiền thuê đất thực hiện trong năm 2022, ông Cường nói rằng, do không có đoạn mở nên hết năm 2022 phải dừng lại, đến tháng 6/2023 lại đề nghị tiếp tục thực hiện, như vậy sẽ bị ngắt quãng, không còn hiệu quả.

“Tôi cho rằng nên để mở, tùy theo tình hình đến giai đoạn đó Chính phủ có thể sẽ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục kéo dài”, vị đại biểu đề xuất.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục