Góc nhìn về biến động mới ở Hồng Kông

0:00 / 0:00
0:00
Với đạo luật an ninh quốc gia mới, Hồng Kông liệu có còn là trung tâm tài chính trong tương lai và Việt Nam có nhận ra cơ hội nào từ những thay đổi đang diễn ra tại vùng lãnh thổ này?
Thị trường chứng khoán Hồng Kông hầu như không bị tác động tiêu cực bởi luật an ninh mới. Ảnh: AFP Thị trường chứng khoán Hồng Kông hầu như không bị tác động tiêu cực bởi luật an ninh mới. Ảnh: AFP

Hồng Kông và đạo luật an ninh quốc gia mới khắc nghiệt hơn các chuyên gia tưởng tượng

Hồng Kông liệu có còn là trung tâm tài chính và cơ hội nào cho Việt Nam từ thay đổi hiện nay tại Hồng Kông là những câu hỏi luôn quanh quẩn trong đầu tôi khi đọc một loạt bài báo về Hồng Kông thời gian gần đây. Đa số những tờ báo lớn đều nhận định, luật an ninh quốc gia vừa có hiệu lực là khắt nghiệt hơn rất nhiều so với những gì mà người ta lo ngại. Nó vượt xa hơn cả tình huống xấu nhất mà một số nhà phân tích dự báo.

Cụ thể, luật này xem các hoạt động ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài là phạm tội hình sự và các án phạt có thể lên đến tù chung thân. Điều quan trọng là, nhiều từ ngữ trong luật khá mơ hồ, nghĩa là có rất nhiều hoạt động có thể được xếp vào các loại hình ly khai, lật đổ nhà nước hay khủng bố.

Chưa hết, các công ty nước ngoài hoạt động ở Hồng Kông cũng sẽ lo lắng nhiều hơn. Cơ quan an ninh có thể sẽ bắt giữ người nước ngoài, bao gồm cả doanh nhân, và dẫn độ sang Trung Quốc để xét xử. Các công ty nước ngoài cũng có thể bị vướng vào những cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước và an ninh dữ liệu của Trung Quốc vì những điều luật mơ hồ.

Chẳng hạn, Điều 29 cho rằng, việc “đánh cắp, làm gián điệp, mua chuộc hoặc cung cấp bí mật nhà nước hoặc thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia cho một nước khác hoặc tổ chức, hoặc cá nhân sẽ bị coi là phạm pháp”. Một số luật sư cho rằng, khái niệm “bí mật nhà nước” còn mơ hồ, nên các công ty nước ngoài có làm ăn với chính quyền địa phương của Trung Quốc hoặc công ty do nhà nước sở hữu có thể gặp nhiều rủi ro khi xử lý thông tin và văn bản từ các tổ chức này. Điều đáng lo ngại hơn, các công ty nước ngoài và công ty Hồng Kông không có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh có thể bị chèn ép bởi các công ty thân Bắc Kinh do những điều luật mơ hồ.

Một môi trường kinh doanh như vậy sẽ gây sức ép buộc các công ty hoạt động ở đây phải tỏ rõ lập trường ủng hộ Bắc Kinh và tuân thủ các yêu cầu của giới cầm quyền, bao gồm cả yêu cầu chia sẻ dữ liệu để giúp nhà nước theo dõi công dân. Điều đó có thể đi ngược lại tiêu chí của một số công ty đa quốc gia, nên đẩy công ty vào thế tiến thoái lưỡng nan - không tuân thủ thì có rủi ro bị cáo buộc phạm luật Trung Quốc, tuân thủ thì bị chỉ trích ở nước mà họ đặt trụ sở (thậm chí là bị trừng phạt).

Một số nhà quan sát kết luận, luật an ninh quốc gia đánh dấu cái kết dứt khoát về “thời đại của Hồng Kông”. Không ít người dự đoán, đô-la Hồng Kông (HKD) và chứng khoán Hồng Kông sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, tính đến nay, điều đó không xảy ra.

Chỉ số cổ phiếu Hang Seng đã tăng gần 2% trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi luật an ninh quốc gia công bố. Chỉ số này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, khi những bất ổn về luật an ninh quốc gia còn chưa diễn ra. Tỷ giá USD/HKD ở mức thấp nhất trong vòng 6 tháng, cho thấy, HKD vẫn tiếp tục lên giá so với USD.

Nhiều người cho rằng, đây là do Trung Quốc đổ tiền vào hỗ trợ Hồng Kông. Nhưng điều đó không quan trọng lắm.

Với nhiều nhà quan sát, điều tệ hại nhất đã không diễn ra. Dòng vốn quốc tế không có dấu hiệu rút mạnh khỏi Hồng Kông, trong khi nhiều công ty đại lục đang xem xét kế hoạch niêm yết ở Hồng Kông. Những công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ cũng đang xem xét quay về Hồng Kông niêm yết, do lo ngại những sức ép phải “chuyển sàn” từ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc.

Hồng Kông vẫn sẽ là cửa ngõ vốn quốc tế của Trung Quốc?

Số liệu thống kê cho thấy, Hồng Kông vẫn là trung tâm chiếm hơn 60% lượng vốn FDI vào và ra Trung Quốc trong năm 2018, bất chấp nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy Thượng Hải lên thay thế Hồng Kông. Quan trọng hơn nữa, Hồng Kông vẫn vượt xa các trung tâm tài chính ở Trung Quốc trong việc giúp nhà đầu tư Trung Quốc huy động vốn bằng USD.

So với các thành phố khác ở Trung Quốc, nơi mà nhiều biện pháp kiểm soát vốn vẫn được áp đặt, Hồng Kông là một thành phố tự do di chuyển vốn.

Nói chung, khi Trung Quốc vẫn cần tiếp cận vốn bằng USD, thì Hồng Kông vẫn là cửa ngõ vốn quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc sẽ cần Hồng Kông tiếp tục thịnh vượng.

Bạn học thân thiết của tôi chuyên huy động vốn ở Hồng Kông và Thẩm Quyến tỏ ra lạc quan về tương lai của Hồng Kông sau những diễn biến cuối tháng 6/2020.

Thứ nhất, những cuộc biểu tình siêu lớn không diễn ra.

Thứ hai, không có sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu, tiền tệ.

Thứ ba, có nhiều tín hiệu cho thấy, sau khi áp dụng luật an ninh quốc gia, Trung Quốc đang muốn xoa dịu giới kinh doanh ở Hồng Kông và quay sang ủng hộ việc Hồng Kông trở thành trung tâm luân chuyển vốn quốc tế của Trung Quốc.

Đây là một sự thay đổi rất quan trọng trong quan điểm của chính quyền Trung Quốc. Bạn tôi kể rằng, chỉ 2 - 3 năm trước, quan điểm của Trung Quốc với thị trường tài chính Hồng Kông tương đối lạnh nhạt và có xu hướng thúc đẩy Thượng Hải lên thay thế Hồng Kông. Nhưng nay, chính quyền Trung Quốc nhận ra rằng, còn lâu Thượng Hải mới làm được điều đó và họ muốn chứng minh cho thế giới thấy, Hồng Kông vẫn sẽ thịnh vượng và những thay đổi do luật an ninh quốc gia tạo ra sẽ chỉ làm cho Hồng Kông ổn định hơn, không còn những đợt biểu tình và gây rối nữa.

Đối với nhiều công ty nước ngoài, nếu điều này là sự thật, thì họ sẽ an tâm hơn trong việc giữ nhân viên lại làm việc ở Hồng Kông.

Giữa những bất ổn do luật an ninh quốc gia mới, Hồng Kông lại ghi điểm với giới đầu tư quốc tế khi đã giành được quyền thanh toán và mở các hợp đồng phái sinh mới ở châu Á cho MSCI từ tay Singapore vào cuối tháng 5/2020, ngay trong lúc giới đầu tư quốc tế lo ngại Hồng Kông sẽ đánh mất vị trí trung tâm tài chính về tay Singapore. Hợp đồng mới này sẽ lấy đi 10-15% lợi nhuận từ sàn giao dịch SGX của Singapore và khiến cổ phiếu sàn này giảm gần 20% khi tin tức được công bố.

Tất nhiên, những diễn biến đó chỉ là trong ngắn hạn. Về dài hạn, vẫn có những lo lắng nhất định về việc các công ty nước ngoài vẫn sẽ rời khỏi Hồng Kông vì lo ngại môi trường kinh doanh ở đây xấu đi khi hệ thống pháp luật phổ thông theo hệ Anh - Mỹ dần bị thay thế bởi hệ thống luật của Trung Quốc.

Điều đó gần như đồng nghĩa với việc các công ty nước ngoài sẽ ít được bảo đảm hơn trong các quan hệ giao dịch với công ty Trung Quốc, đồng thời, tính thực thi hợp đồng sẽ thấp hơn. Nhà đầu tư là cổ đông thiểu số của công ty cũng có thể ít được bảo vệ hơn.

Ở một khía cạnh khác, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng có thể sẽ dần rời khỏi Hồng Kông vì cảm thấy môi trường sống “ngột ngạt”.

Một học trò cũ của tôi đang làm việc ở một công ty kiểm toán ở Hồng Kông và rất thành đạt vừa gửi email cho tôi để tham khảo ý kiến về việc quay lại nước Anh. Cô có rất nhiều kinh nghiệm với kiểm toán ở Hồng Kông và đại lục, đồng thời được đào tạo bài bản từ nước Anh. Hiện nay, rất nhiều nhân lực chất lượng cao như vậy đang cân nhắc quyết định đi hay ở. Đánh mất nguồn nhân lực này, Hồng Kông sẽ không còn là Hồng Kông.

Đó đều là những nỗi lo hợp lý. Và về lâu dài, không có gì đảm bảo một thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ không quay lại quan điểm ủng hộ phát triển Thượng Hải thay thế Hồng Kông, biến Hồng Kông thành một thành phố tầm thường của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong 5 - 10 năm tới, khi đồng nhân dân tệ vẫn chưa thể trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế và sự tự do luân chuyển vốn bằng USD vẫn còn được đảm bảo ở Hồng Kông một cách tương đối, thì vai trò thị trường tài chính hàng đầu của Hồng Kông vẫn sẽ được bảo đảm.

Tờ Financial Times đã có nhiều bài phân tích chuyên sâu so sánh Hồng Kông với các đối thủ Singapore, Thái Lan và Malaysia và chỉ ra chất lượng nguồn nhân lực, quản trị công ty và khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc là những lợi thế rõ ràng của Hồng Kông, mà trong thời gian ngắn, không có thị trường tài chính nào trong khu vực có đủ khả năng thay thế. Những nỗ lực thúc đẩy Thượng Hải thay thế Hồng Kông liên tục bị thất bại là một minh chứng rõ ràng nhất.

Đặt cược vào việc Hồng Kông sẽ vẫn giữ được vị thế hàng đầu, là cửa ngõ vốn quốc tế trong tương lai của Trung Quốc là một sự mạo hiểm. Nhưng đặt cược rằng, vai trò của nó sẽ sụp đổ, hoặc sẽ bị thay thế trong 5 - 10 năm nữa cũng mạo hiểm không kém. Đó là nhận xét của bạn tôi khi nói về việc Quỹ đầu tư của Kyle Bass đang bán khống HKD.

Anh bạn tôi nhấn mạnh, nếu Warren Buffett cho rằng, không nên đặt cược chống lại nước Mỹ, thì cũng không nên làm điều đó với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lúc này. Đặt cược chống lại Hồng Kông lúc này cũng là đặt cược chống lại ý chí chính trị của Trung Quốc.

Nhận định trên của bạn tôi vô tình trùng với nhận định của cây viết Alex Lo trên tờ South China Morning Post.

Vì vậy, ít ra, với một số người trong cuộc ở Trung Quốc, nhận định “ngã tư quốc tế” Hồng Kông đang bên bờ sụp đổ là quá sớm. Mà không chỉ người Trung Quốc nghĩ vậy. Một số cây viết quốc tế như Henny Sender, phụ trách mảng tài chính quốc tế của Financial Times, cũng đồng tình. Bà cho rằng, áp lực quốc tế lên Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông có thể khiến nước này tập trung nguồn lực đẩy thị trường tài chính này lên nữa.

Bài học gì cho giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam

Bất kể Hồng Kông có thể duy trì vị thế trung tâm tài chính hay không, những bài phân tích quốc tế chỉ bàn đến những thị trường thay thế như Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, không hề có tên Việt Nam. Từ những bài phân tích đó, tôi rút ra được vài điểm mấu chốt mà người ta quan tâm về một thị trường tài chính quốc tế.

Thứ nhất, vai trò cửa ngõ ra vào vốn quốc tế, mà trên hết là sự tự do di chuyển của dòng vốn quốc tế trên tài khoản vốn và tài khoản vãng lai. Điều này là một giới hạn với Việt Nam vì chúng ta chưa bao giờ thật sự đạt đến tự do hóa tài khoản vốn theo đánh giá của IMF.

Thứ hai, chất lượng của nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và luật. Đây cũng là một điểm yếu của Việt Nam so với các đối thủ như Singapore và Malaysia. Làm thế nào để thu hút nguồn chất xám nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước là một điều quan trọng. Lương, thưởng, đãi ngộ đương nhiên là quan trọng, nhưng ngoài ra còn có vấn đề về môi trường sống, giáo dục cho trẻ nhỏ và điều kiện sinh hoạt cho các gia đình nước ngoài. Việt Nam đã có cải thiện không nhỏ về những mặt này trong những năm qua, nhưng các đối thủ cũng như vậy, thậm chí còn nhanh hơn.

Thứ ba, vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Những vụ việc như Huy Việt Nam cho thấy lỗ hổng trong bảo vệ nhà đầu tư vẫn còn lớn ở Việt Nam. Nhiều cơ chế quản trị công ty như thành viên hội đồng quản trị độc lập, công bố thông tin và chất lượng báo cáo kế toán còn quá nhiều bất cập. Đây là lý do chính mà Financial Times cho rằng, Singapore đã mất đi rất nhiều công ty niêm yết trong mấy năm qua và càng mang tai tiếng hơn sau nhiều vụ scandal gần đây với Noble Group, Hin Leong và Wirecard.

Một học trò cũ của tôi cũng chỉ ra một vấn đề khác, đó là với nhiều nhà đầu tư châu Âu, Singapore cũng mang tai tiếng về các nghi ngờ rửa tiền và trốn thuế. Vì vậy, bản thân công ty của anh rất thận trọng khi thực hiện các giao dịch mua bán và giúp khách hàng gọi vốn qua thị trường Singapore.

Tờ New York Times từng có chuỗi bài điều tra và gọi Singapore là “một điểm đến đang lên của những đồng tiền bí mật” (“A Rising Home for Quiet Money”). Mỹ và châu Âu đang ngày càng siết chặt vấn đề rửa tiền và phạt ngày một nặng với các định chế tài chính dính líu đến các vụ việc này. Đây là một bài học mà Việt Nam phải nhớ. Vấn đề rửa tiền không chỉ là nói cho có mà thôi với nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu.

Những phân tích ở trên hàm ý rằng, Việt Nam không có lợi thế để đón dòng vốn từ Hồng Kông, cho dù nó chảy ra mạnh, vì những dòng vốn đó bản chất là muốn tiếp cận thị trường các công ty tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Singapore, Malaysia và Thái Lan có lợi thế hơn nhờ mạng lưới Hoa kiều mạnh, có “chân đứng” ở Hồng Kông.

Thay vào đó, Việt Nam nên nghĩ đến việc làm sao cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN để trở thành một trung tâm thu hút vốn cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trong khu vực này. Đây đã là một thử thách lớn khi nhiều công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã đi mở trụ sở ở Singapore và một số công ty khởi nghiệp có tên tuổi của Việt Nam đang cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) và niêm yết tại Singapore hoặc Mỹ, chứ không phải ở “sân nhà”.

Với điều kiện hiện tại của Việt Nam, thay vì nghĩ nhiều quá đến vấn đề trở thành trung tâm tài chính khu vực, đón vốn từ Hồng Kông, những thứ xa xôi và chưa biết có thể xảy ra không, nên tập trung vào việc thu hút dòng vốn FDI và dòng sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Đây là thứ mà Việt Nam có những lợi thế nhất định và có những thành công nhất định. Hãy làm tốt cái mà ta có thể làm tốt trước đã. Dòng vốn FDI cũng có tính lan tỏa cao ở khía cạnh tạo việc làm và định hình môi trường kinh doanh. Nó sẽ đặt những nền móng vững chắc hơn cho tham vọng trung tâm tài chính trong tương lai.

Ngày 12/11/2017, ASEAN và Hồng Kông đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư song phương (AHKIA).

AHKFTA có hiệu lực với Hồng Kông và 5 nước thành viên ASEAN (bao gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) từ ngày 11/6/2019, tương tự với AHKIA là từ ngày 17/6/2019.

Trong AHKFTA, Singapore cam kết loại bỏ hoàn toàn thuế quan. 4 nước còn lại sẽ cắt giảm hoặc loại trừ thuế quan theo lộ trình đối với hàng hóa có xuất xứ từ Hồng Kông.

Trong AHKIA, 5 nước cam kết bảo hộ các doanh nghiệp của Hồng Kông đầu tư tại các nước này theo nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo vệ và an ninh đầy đủ và sự đảm bảo tự do chuyển tài sản và các khoản lợi nhuận.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol (Anh))
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục