Luật an ninh ở Hồng Kông và câu hỏi cho trung tâm tài chính châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới đầu tư đang tự hỏi, luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ định hình tương lai Hồng Kông - một trung tâm tài chính châu Á như thế nào?
Luật an ninh ở Hồng Kông và câu hỏi cho trung tâm tài chính châu Á

Những câu hỏi lớn vẫn còn về việc Trung Quốc sẽ sử dụng các quyền lực mới của mình ở Hồng Kông như thế nào.

Để đánh giá về tác động của luật này tới thị trường chứng khoán Hồng Kông và các doanh nghiệp, Bloomberg đã một số quan điểm và hành động của các nhà đầu tư, chủ ngân hàng, nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp:

Không có bất ngờ lớn cho thị trường, động thái ngắn hạn trong chứng khoán, đồng nhân dân tệ và đồng đô la Hồng Kông sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ.

Cổ phiếu Hồng Kông sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ lực mua của nhà đầu tư Trung Quốc.

Về dài hạn, phần bù rủi ro cho các tài sản ở Hồng Kông có thể tăng lên dẫn đến định giá kém hấp dẫn và dòng vốn rút ra tăng cao.

Không chắc chắn về việc thực thi luật pháp, phản ứng của người biểu tình và sự trả đũa từ chính quyền Tổng thống Trump có thể hạn chế sự phục hồi kinh tế của Hồng Kông

Các công ty quốc tế đang xem Hồng Kông là trung tâm tài chính châu Á sẽ trở nên miễn cưỡng hơn đối với luật an ninh quốc gia mới và có thể chuyển sang phòng thủ hơn trước rủi ro chính trị.

Các công ty lưu trữ dữ liệu tại Hồng Kông sẽ ngày càng tìm kiếm các lựa chọn thay thế hơn.

Jes Staley, CEO của Barclays Plc cho biết: “Tôi sẽ không tham gia vào chính trị. Chúng tôi hỗ trợ tất cả các đối tác và khách hàng của chúng tôi ở châu Á, Trung Quốc và ở Hồng Kông. Đây là một tình huống chính trị rất khó khăn. Chúng tôi là một ngân hàng lớn của Anh, chúng tôi cần nhận thức những gì diễn ra ở Anh và vị trí của Chính phủ Anh. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào tình hình chính trị ở Hồng Kông”.

Còn Alex Wong, Giám đốc quản lý tài sản của Ample Capital Ltd. tại Hồng Kông cho biết: “Thị trường đã thay đổi hoàn toàn để phản ánh tác động của luật pháp khi nó được công bố lần đầu tiên, những người hoảng loạn và bán sau đó đã được thay thế bởi những người nhận thức rõ về các rủi ro và vẫn chuẩn bị tham gia vào thị trường. Tác động của luật pháp tới thị trường bị hạn chế vì không có thông tin bất ngờ”.

Trong khi Yu Yingbo, Giám đốc đầu tư tại Shenzhen Qianhai United Fortune Fund Management Co. cho biết: “Đối với thị trường chứng khoán, tôi cho rằng, chúng ta không nên kỳ vọng bất cứ thứ gì có thể diễn ra quá cực đoan. Những yếu tố hoảng loạn và thận trọng bán cổ phiếu chủ yếu diễn ra ở Hồng Kông, trong khi một số quỹ đã rất háo hức mua vào, và luật an ninh này cũng không tác động lớn đến các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc”.

Còn theo đánh giá của Ben Emons, người đứng đầu chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Medley Global Advisors, giai đoạn tiếp theo sẽ là việc Mỹ hành động như thế nào trong việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc soạn thảo luật an ninh. Bên cạnh đó, là các thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc và các định chế tài chính nước ngoài.

Các ngân hàng Trung Quốc có ít hơn 50% các khoản nợ bằng đồng USD, các khoản nợ và những nghĩa vụ nợ khác được bảo hiểm bởi khoản tiền gửi bằng đồng USD.

Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là những ngân hàng cho vay bằng đồng USD lớn ở Hồng Kông như Citigroup và HSBC đang có mức độ bảo vệ thấp, bởi các khoản tiền gửi bằng đồng USD ở Hồng Kông.

Điều này gây nên sự mất cân bằng giữa tài sản và nợ phải trả và cũng là một trong những rủi ro chính đối với thị trường Hồng Kông và toàn cầu.

"Nếu các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông sẽ tạo ra sự siết chặt đồng USD ở Hồng Kông và thị trường sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là tất cả các ngân hàng có mức độ liên quan lớn tới Hồng Kông”, Ben Emons đánh giá.

Hạc Hiên
Theo Bloomberg

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục