Theo dữ liệu vừa công bố, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6 của Trung Quốc tăng lên mức 50,9 từ mức 50,6 của tháng 5, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hồi phục tốt sau đại dịch.
Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 6 tăng hơn dự kiến.
Với những dữ liệu trên, giới đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế nên rót tiền vào chứng khoán, bất chấp số ca lây nhiễm Covid mới gia tăng mạnh tại Mỹ.
Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, ngoại trừ người Mỹ đeo khẩu trang và thực hiện tốt giãn cách xã hội, nếu không con số nhiễm mới mỗi ngày tại nước này sẽ tăng lên 100.000 ca từ mức 40.000 ca như hiện nay.
Trong khi đó, điều trần trước một ủy ban của Thương viện, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhắc lại là sự phục hồi nền kinh tế sẽ không nhanh, thậm chí không chắc chắn nếu làn sóng bùng phát dịch Covid diễn ra.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones tăng 217,08 điểm (+0,85%), lên 25.812,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 47,05 điểm (+1,54%), lên 3.100,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 184,61 điểm (+1,87%), lên 10.058,77 điểm.
Sau quý giảm 20% đầu năm, phố Wall đã hồi phục mạnh trở lại trong quý II, trong đó S&P có quý tăng tốt nhất từ năm 1998, Nasdaq tăng tốt nhất từ 1999, thậm chí Dow Jones tăng tốt nhất từ 1987.
Cụ thể, trong quý II/2020, Dow Jones tăng 17,77%, S&P tăng 19,95% và Nasdaq tăng tới 30,63%. Riêng trong tháng 6, Dow Jones tăng 1,69%, S&P tăng 1,84% và Nasdaq tăng 5,99%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp của cả 3 chỉ số.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm, chỉ số Dow Jones vẫn giảm 9,54%, S&P giảm 4,04%, trong khi Nasdaq tăng 12,11%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại trái chiều, chỉ có chứng khoán Đức duy trì được sắc xanh, còn chứng khoán Anh và Pháp quay đầu điều chỉnh do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng, đặc biệt chứng khoán Anh giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ dữ liệu GDP kém hơn dự kiến.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 56,03 điểm (-0,90%), xuống 6.169,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 78,81 điểm (+0,64%), lên 12.310,93 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 9,46 điểm (-0,19%), xuống 4.935,99 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng có quý hồi phục tốt trong quý II, trong đó chỉ số FTSE 100 tăng 8,78%, chỉ số DAX tăng 23,9% và CAC tăng 12,28%. Riêng trong tháng 6, mức tăng lần lượt của 3 chỉ số này là 1,53%, 6,25% và 5,12%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp của FTSE và DAX, trong khi với CAC là tháng tăng thứ 2 liên tiếp.
Tính từ đầu năm (6 tháng), chỉ số FTSE vẫn giảm 18,2%, DAX giảm 7,08% và CAC40 giảm 17,43%.
Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ và Trung Quốc cũng giúp chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 293,10 điểm (+1,33%), lên 22.288,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,16 điểm (+0,78%), lên 2.984,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 125,91 điểm (+0,52%), lên 24.427,19 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 14,85 điểm (+0,71%), lên 2.108,33 điểm.
Trong quý II/2020, Nikkei 225 tăng 17,82%, chỉ số Hang Seng tăng 3,49%, Shanghai tăng 8,52%, trong khi Kospi tăng tới 20,16%. Mức tăng lần lượt trong tháng 6 của các chỉ số là 1,88%, 6,38%, 4,64% và 3,88%. Với chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc là tháng tăng thứ 3 liên tiếp, còn chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông hồi trở lại sau tháng giảm trước đó.
Tính từ đầu năm, chỉ số Nikkei 225 giảm 5,78%, Hang Seng giảm 13,35%, Shanghai giảm 2,15% và Kospi giảm 4,07%.
Bất chấp chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, vàng vẫn không giảm đi tính hấp dẫn của mình khi tiếp tục tăng tốt trong phiên thứ Ba lên mức cao nhất 8,5 năm nhờ lực mua kỹ thuật khi vàng vượt ngưỡng kháng cự mạnh. Trong đó, giá vàng tương lai giao tháng 8 đã chinh phục mốc 1.800 USD/ounce.
Kết thúc phiên 30/6, giá vàng giao ngay tăng 7,5 USD (+0,42%), lên 1.780,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 19,3 USD (+1,08%), lên 1.800,5 USD/ounce.
Trong tháng 6, giá vàng giao ngay tăng 2,97%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,80%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Mức trong quý II lần lượt là 12,87% và 12,77%, quý tăng thứ 7 liên tiếp. Tín từ đầu năm, giá vàng giao ngay tăng 17,36%.
Dù nhận tin kinh tế tích cực từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng giá dầu vẫn điều chỉnh giảm nhẹ trở lại sau phiên hồi phục tốt đầu tuần. Giá dầu giảm do nỗi lo số ca nhiễm Covid gia tăng làm giảm nhu cầu, trong khi nguồn cung tại Lybia hồi phục trở lại sau sự gián đoạn từ đầu năm.
Kết thúc phiên 30/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,43 USD (-1,09%), xuống 39,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,56 USD (-1,36%), xuống 41,15 USD/thùng.
Trong quý II, giá dầu thô hồi tăng gần gấp đôi so với cuối quý I với mức tăng lần lượt là 91,75% và 80,96%, trong đó riêng tăng 6 tăng 10,65% và 16,47%. Tuy nhiên, do trong quý I, giá nhiên liệu này lao dốc mạnh, nên tính từ đầu năm, giá dầu thô vẫn giảm 35,69% và 39,82%.