Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua 11 tuần leo dốc mạnh nhất trong lịch sử, với chỉ số S&P 500 tăng 44% kể từ 23/3 tới 8/6. Tuy nhiên, đà tăng đã chững lại và bắt đầu xuất hiện sự điều chỉnh khi S&P 500 giảm 2,4% trong tuần vừa qua, còn Dow Jones có ngày giảm điểm mạnh nhất kể từ 11/6 trong phiên cuối tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ 26/5.
Những vấn đề nội tại của thị trường ngày càng bộc lộ rõ, khi các cổ phiếu thuộc S&P 500 giao dịch trung bình ở P/E 20 lần, trong bối cảnh lợi nhuận teo tóp, các khoản nợ chồng chất. FANG - nhóm 5 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất đã chiếm gần 1/4 tổng giá trị vốn hoá chỉ số S&P 500, trong khi vị thế dẫn dắt của các doanh nghiệp này bị đe doạ, nhất là khi Facebook đang đối diện làn sóng tẩy chay từ các nhãn hàng lớn…
Diễn biến chỉ số S&P 500 nửa đầu năm 2020.
Nhìn về nửa cuối năm, giới chuyên gia cho rằng, yếu tố đầu tiên có thể khiến thị trường điều chỉnh vẫn là đại dịch Covid-19. Kỳ vọng nền kinh tế sớm phục hồi chỉ có thể thành hiện thực nếu dịch được khống chế.
Tuy nhiên, mối lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai diễn ra ngày càng lớn, nhất là tại Mỹ. Báo cáo của MarketWatch cho rằng, cần phải có vắc-xin hiệu quả để thay đổi tình hình dịch bệnh, cho phép nền kinh tế mở cửa hoàn toàn và các công việc sản xuất - kinh doanh cũng như đời sống thường nhật trở lại guồng quay.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư trông đợi báo cáo việc làm tháng 6 được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5/7. Báo cáo việc làm tháng 5 gây bất ngờ khi có thêm 2,5 triệu việc làm mới tạo động lực cho đà tăng của chứng khoán.
Trong tháng 6, dự báo sẽ có thêm 3 triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 13,3% xuống 12%. Ngược lại, nếu con số tệ hơn, nhà đầu tư có thể hoảng loạn hơn, tạo dư chấn trên thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, giới chuyên gia cảnh báo, dù thị trường việc làm có tín hiệu khởi sắc, nhưng cần thời gian dài mới có thể hồi phục về mức trước đại dịch. Ryan Detrick, chiến lược gia trưởng tại LPL Financial cho biết, trong 10 cuộc khủng hoảng kể từ năm 1950 tới nay, trung bình cần 30 tháng để thị trường việc làm hoàn toàn phục hồi.
Một yếu tố khác tác động tới diễn biến thị trường trong thời gian tới là việc nhà đầu tư sẽ cân đối danh mục theo kỳ. Thông thường, giới đầu tư duy trì danh mục của mình với tỷ trọng 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu.
Đà tăng nóng của thị trường trong thời gian vừa qua đã khiến danh mục của nhiều nhà đầu tư nghiêng về phía cổ phiếu và hiện tại đã tới thời điểm để tái cân bằng.
Brian Price, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Commonwealth Network chia sẻ, ước tính các quỹ lương hưu sẽ rút ít nhất 75 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán trong tuần này. Trong khi đó, CNBC dự báo con số này nằm trong khoảng 35-75 tỷ USD.
Diễn biến chính trị của nước Mỹ cũng là câu chuyện được theo dõi sát sao, bất kỳ bước ngoặt nào cũng nhanh chóng phản ánh trên thị trường chứng khoán.
Khảo sát công chúng mới nhất của Siena College/New Yorks Times thực hiện cho thấy, ứng cử viên Joe Biden đang dẫn trước Donald Trump với tỷ lệ 50%-36%. Kết quả này tương đồng với khảo sát của Fox News với tỷ lệ 50%-38%.
Biden cho biết, ông sẽ nâng thuế doanh nghiệp lên 28%, phần nào xóa bỏ một số cải cách ông Trump đã thực hiện năm 2017.
Báo cáo của Goldman Sachs ước tính, động thái này có thể khiến EPS của các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 giảm từ mức 170 USD hiện tại xuống còn 150 USD trong năm 2021.
Nhiều chuyên gia phố Wall lên tiếng cho rằng, việc ông Biden lên nắm quyền sẽ mang lại những ảnh hưởng không tích cực tới thị trường chứng khoán.
Jim Cramer, cựu giám đốc quản lý quỹ, chủ chương trình Mad Money tại CNBC chia sẻ: “Biden giống như một vị tổng thống sẽ không ưa chuộng giới tư bản. Nếu ông ấy nắm quyền, tôi sẽ muốn nắm giữ tiền mặt nhiều hơn”.
Trong khi đó, theo Bank of America, kể từ năm 1951 tới nay, khi chủ nhân Nhà Trắng chuyển từ Đảng Cộng hoà sang Dân chủ, chỉ số S&P 500 thường có màn biểu diễn không tích cực trong ít nhất 3 tháng sau đó, trong khi thị trường thường tăng trưởng tốt hơn nếu người tại vị tái đắc cử.