Thị trường đã duy trì 3 phiên cuối tuần tăng liên tiếp với lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu bất động sản giúp chỉ số VN-Index lấy lại được “phần đã mất” trong những phiên trước đó, nhưng vẫn chưa đủ để xác định xu hướng. Chuyển động thị trường trong tuần tới, tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài sẽ theo chiều hướng nào, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Giai đoạn giao dịch của thị trường trước tết có lẽ điều chỉnh hơn là việc hồi phục tích cực. Mốc kháng cự mạnh của thị trường vẫn đang ở mốc 1.465 1.470 - áp lực bán ra ở nhiều cổ phiếu vẫn gia tăng nên các nhà đầu tư cũng nên thận trọng hơn với pha điều chỉnh trung gian của thị trường hiện nay.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Khả năng xu hướng vẫn là tiêu cực hoặc ít nhất độ tích cực hiện nay đã giảm đi khá nhiều. Lý do không chỉ đơn giản là các sự kiện về FLC, bỏ cọc bất động sản vì điều đó chỉ tác động trong ngắn hạn mà là những vấn đề mang tính chất dài hạn là lạm phát và thắt chặt chính sách toàn cầu.
Ví dụ như TTCK Mỹ, thế giới và cả các thị trường khác như tiền số đã giảm rất dữ dội những ngày qua. Chứng khoán Mỹ như Nasdaq đã giảm 3 tuần liên tiếp, nhiều cổ phiếu trong nhóm này giảm hơn 50%. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất thậm chí không chỉ 1 lần như Nga (7 lần trong 2 năm qua và có lần nhiều hơn mức thông thường là 25 điểm cơ bản mà tới 100 điểm cơ bản)... Nhiều nền kinh tế đã thay đổi hoặc giảm mục tiêu từ tăng trưởng sang kiểm soát lạm phát đang tăng quá nhanh như Mỹ cao nhất 40 năm, Canada, Anh cao nhất 30 năm... toàn những con số đáng sợ.
Lãi suất của FED chưa tăng nhưng dự báo sẽ tăng 3-4 lần trong năm nay và một số lãi suất như lãi suất cho khoản vay mua nhà phổ biến nhất của Mỹ đã tăng tuần thứ tư liên tiếp, với chi phí vay mua bất động sản nhà ở hiện cao nhất trong gần hai năm do thị trường tài chính dự đoán rằng FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn và nhanh hơn dự kiến trước đó nhằm chống lại lạm phát.
Ông Phan Dũng Khánh |
Những điều này tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và đặc biệt là thị trường chứng khoán. Dù lạm phát trong nước trong tầm kiểm soát nên các gói kích thích vẫn sẽ duy trì nhưng quy mô như chúng ta thấy đã giảm đi. Ngoài ra, việc thị trường trên thế giới bị ảnh hưởng, chính sách của họ thay đổi cũng tác động đến thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
VN-Index đã có nhịp phục hồi tích cực sau khi thị trường rơi vào trạng thái quá bán. Tuy nhiên, tôi lưu ý là thanh khoản tại những phiên tăng điểm này khá thấp, thể hiện tâm lý dè dặt của dòng tiền sau khi trải qua một sự sụt giảm mạnh, và thường chỉ tìm đến các doanh nghiệp tốt với thông tin hỗ trợ đi kèm. Vì vậy, xu hướng giảm điểm có thể tiếp tục diễn ra trong tuần tới nếu thanh khoản không được cải thiện, nhất là với nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Về phân tích kỹ thuật, trong tuần tới, nếu VN-Index không có bất kỳ cây nến nào đóng trên vùng cản 1.470-1.480, thì tín hiệu về sự phục hồi sẽ yếu bớt, khả năng cao chỉ số sẽ quay về test lại đáy một lần nữa trước khi quay trở lại đà tăng của mình.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Về cơ bản, giao dịch của nhóm Ngân hàng những phiên gần đây đã có sự phân hóa rõ nét hơn, đa số vẫn biến động giằng co trong biên độ hẹp, chỉ một vài cổ phiếu duy trì được đà tích cực như BID, VCB... tuy nhiên vẫn chưa tạo được sự lan tỏa cần thiết. Đà tăng điểm những phiên vừa qua chủ yếu tới từ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu Bất động sản vốn mang yếu tố kỹ thuật.
Tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào trạng thái giằng co mạnh và đi kèm thanh khoản thấp, xu thế rõ ràng hơn có lẽ phải đợi sau kỳ nghỉ.
Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đã vượt đỉnh năm 2021 trong khi nhóm ngân hàng tư nhân đang trong quá trình test đỉnh kể từ đầu năm. Đây cũng là nhóm cổ phiếu được nhìn nhận tích cực trong năm 2022. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ông bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội, cũng như rủi ro đối với nhóm này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Ông Lê Đức Khánh |
Ngay ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng dòng tiền phân hóa cũng khá rõ nét - Có cổ phiếu tăng tốt như BID, VCB... trong khi các cổ phiếu khác thì không như vậy cơ hội ở các cổ phiếu mà mục tiêu của nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư chỉ số.... và đương nhiên, việc cầm sai cổ phiếu ngân hàng, việc giá cổ phiếu chỉ tích lũy đi ngang lâu cũng đã là 1 rủi ro, thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Với xu hướng tình hình chung đặc biệt là nhóm ngân hàng trong 6 tháng qua rất yếu do đã có giai đoạn tăng tốt tới vài năm trước đó và nhóm có quá trình tăng lâu dài nhất. Do đó, trong ngắn hạn xu hướng này khó thay đổi nhất là NHNN đã yêu cầu hạn chế việc đưa vốn vào nhóm rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Chu kỳ nhóm này cũng quá dài trong khi việc điều chỉnh thời gian qua chưa nhiều.
Một số ngân hàng nhỏ cũng bắt đầu rục rịch tăng lãi suất. Bên cạnh đó, dòng tiền vào nhóm này hiện tại chỉ mang tính chất hô hào là chính chứ chưa thực chất. Vì thế, quan điểm của tôi là nhóm ngân hàng chưa thể dẫn dắt hoặc là bệ đỡ cho thị trường hiện tại. Nhất là dòng tiền thị trường hiện nay khá là hỗn loạn chứ chưa thật sự vào các nhóm ngành nào cụ thể.
Đó là điều nhà đầu tư đang chứng kiến những ngày qua, nhiều mã bị bán tháo, còn các nhóm kỳ vọng là bệ đỡ cho thị trường chỉ "đỡ" được 1 - 2 phiên không đủ để hình thành xu hướng.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Tôi đánh giá nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có mức tăng trưởng kết quả kinh doanh tốt trong năm 2022 sau khi đã “hy sinh” một phần đáng kể lợi nhuận năm 2021 của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây cũng là các ngân hàng có quy mô vốn hóa hàng đầu và sẽ là đích đến của dòng tiền lớn.
Đối với nhóm ngân hàng tư nhân thì dư địa cũng có, tuy nhiên sẽ ở mức thấp hơn, và sẽ phân hóa vào những ngân hàng có câu chuyện riêng như tăng vốn, đối tác chiến lược, M&A…
Xét về mặt rủi ro, yếu tố cần lưu ý hàng đầu là mức nợ xấu tiềm tàng của mỗi ngân hàng, sau khi loại bỏ đi yếu tố hạch toán kế toán. Trong năm tới, theo tôi, trong ngành sẽ nhìn rất rõ được đâu là các ngân hàng có chất lượng tài sản, năng lực quản trị rủi ro tốt và ngược lại.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Trong năm tới đây, tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của ngành Ngân hàng, bởi với điều kiện hiện tại về kinh tế - vĩ mô cùng các chính sách hiện tại, sẽ khó tạo được sự tăng trưởng đột phá như trong năm vừa qua. Khả năng bứt phá để tạo biên lợi nhuận hấp dẫn của cổ phiếu ngành Ngân hàng không được tôi đánh giá cao trong năm 2022.
Tuy nhiên ngược lại, đây cũng là nhóm cổ phiếu được đánh giá là nhóm an toàn, mức độ rủi ro thấp khi nắm giữ trung-dài hạn, đặc biệt khi thị trường có diễn biến tiêu cực.
Ông Dương Hoàng Linh |
Tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản chuyển động khá giật cục, khi giảm sàn, tăng trần như CEO, CII, DIG, DLG... và đây cũng đã tính bằng lần chỉ trong thời gian ngắn. Đầu tư vào nhóm này, nhà đầu tư có niềm tin rằng, giá đất đang tăng nên giá cổ phiếu bất động sản vẫn còn rẻ, nếu tính theo giá trị tài sản. Quan điểm của ông/bà về nhóm này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Định giá, đánh giá các cổ phiếu bất động sản không hề dễ dàng ngay cả đối với các chuyên gia phân tích có kinh nghiệm mà chưa muốn nói là các nhà đầu tư mới.
Nhóm bất động sản, nhiều cổ phiếu đã tăng vượt giá trị mức định giá cơ bản như DIG, CEO, CII.... phần ước lượng giá trị sổ sách, giá trị tài sản kể cả mức giá trị thanh lý trong trường hợp doanh nghiệp gặp vẫn đề khó khăn lớn cũng đã được tính đến cho dù doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hay không?
Do vậy, nhà đầu tư chỉ đầu tư và mua khi rủi ro mua là thấp nhất với triển vọng tăng giá của các cổ phiếu còn nhiều - Còn nếu thị giá không còn hấp dẫn thì nhà đầu tư nên lựa chọn giải pháp bỏ qua và chuyển sang tìm các cơ hội đầu tư khác.
Do vậy, có thể trong nhóm cổ phiếu bất động sản, bất động sản khu công nghiệp vẫn còn có những cơ hội đặc biệt nhưng không phải là tất cả.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Theo tôi trong ngắn hạn, trước mắt nhóm này không hề rẻ, thậm chí là đắt khi nhiều cổ phiếu đã tăng hàng chục lần chỉ trong thời gian ngắn. Do đó, việc giảm sốc dù bất ngờ nhưng có thể hiểu được. Vì thế, việc tăng trở lại mang tính phục hồi nhiều hơn là đổi sang lại xu hướng tăng.
Cần lưu ý, nhiều cổ phiếu đã giảm một nửa, như vậy, muốn tăng lại cần phải tăng gấp đôi, điều này hoàn toàn không dễ nếu chỉ trong vài phiên.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Tôi đồng ý quan điểm giá đất dài hạn sẽ tăng, “cơm không ăn thì gạo còn đó”. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ để xem xét việc lấy mặt bằng giá đất như vừa rồi đã là phù hợp để định giá doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng cần phân tách rõ quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ so với các quỹ đất đang nghiên cứu triển khai.
Cuối cùng, khi nhà đầu tư chỉ mua số lượng ít và chưa đủ quyền chi phối doanh nghiệp, nên nhìn lại về lịch sử quản trị điều hành để xác định được liệu lợi nhuận doanh nghiệp có thực sự đến được tay cổ đông.
Vừa qua, tôi đánh giá rất nhiều cổ phiếu bất động sản tăng giá giống như “tát nước theo mưa”, mức tăng rất phi lý và vượt xa giá trị thật của doanh nghiệp.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Trong những nhận định gần đây, tôi cũng đã có sự cảnh báo về mức độ phi lý của giá nhiều cổ phiếu ngành Bất động sản. Nhà đầu tư cần có sự nhìn nhận kỹ hơn về những khuyến nghị, tư vấn tràn lan thời gian vừa qua.
Tôi lấy ví dụ: một doanh nghiệp Bất động sản sở hữu quỹ đất lớn không đồng nghĩa giá trị cổ phiếu phải cao, mà còn phải đánh giá năng lực triển khai dự án, tiềm năng sinh lời, dòng tiền...
Mặc dù đã trải qua một đợt sụt giảm rất mạnh, nhưng trên quan điểm cá nhân tôi cho rằng mặt bằng giá hiện tại của nhiều cổ phiếu Bất động sản vẫn ở mức độ vượt quá giá trị thật. Điều đó có nghĩa không phù hợp để đầu tư dài hạn, còn ở khía cạnh lướt sóng ngắn hạn thì có thể có lợi nhuận nhưng rủi ro như vừa qua lúc nào cũng hiện hữu.
Cũng có ý kiến cho rằng, đà thắng thế của dòng tiền song hành với lượng nhà đầu tư mới quá lớn bắt đầu lệch hướng, chuyển sang xu thế đầu cơ mạnh mẽ và cũng đã “nếm mùi” thiệt hại. Ở thời điểm này, chọn chiến lược nào cho phù hợp, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Có lẽ có những giai đoạn có thể lựa chọn giao dịch chủ động tích cực và có những lúc mua và nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài hơn, hạn chế giao dịch ngắn hạn - Giai đoạn hiện tại đó là chỉ nắm giữ ưu tiên một số lượng nhỏ cổ phiếu được đánh giá thận trọng và khả năng tăng giá còn nhiều và ưu tiên nắm giữ với tầm nhìn 3 - 6 tháng sẽ là an toàn hơn. Còn việc giao dịch ngắn hạn, mặc dù cơ hội vẫn có nhưng tôi vẫn nghĩ không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng giao dịch ngắn hạn tốt.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Trong 2 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức bán ròng miệt mài nhưng nhà đầu tư cá nhân cân hết thể hiện được làn sóng F0. Tuy nhiên, những ngày qua, tình huống lại có phần ngược lại khi nhóm nhà đầu tư cá nhân bán chính và do dòng tiền từ cá nhân vẫn mạnh nhất trên thị trường và họ là nhà đầu tư giao dịch hàng ngày, tập trung ngắn hạn nên dù các nhóm khác có mua ròng chưa kể nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài luôn có xu hướng nắm giữ lâu dài hơn là việc giao dịch hàng ngày nên vẫn không cân nổi lực bán.
Do vậy, chiến lược theo tôi là tranh thủ các phiên thị trường giảm điểm, cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm ngay các khoản đầu tư có sử dụng đòn bẩy, giảm các cổ phiếu đầu cơ sang dần các nhóm cơ bản và phòng thủ một phần lớn tiền mặt để chờ đợi cơ hội tiếp theo khi xác định được dòng tiền vào các nhóm tiềm năng cụ thể nào trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Những phiên sắp tới theo tôi thị trường vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, khi chưa xuất hiện xu hướng rõ ràng. Thêm vào đó, tuần sau là tuần cận Tết, thị trường chuẩn bị bước vào một kỳ nghỉ dài, thì việc giải ngân T+ có thể không đạt hiệu quả. Do vậy, tôi khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên thực hiện giải ngân với những mã cổ phiếu bluechips hoặc những mã cổ phiếu tiềm năng có thông tin hỗ trợ đi kèm.
Trong tuần tới sẽ có hàng loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021. Tôi dự báo dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu ra tin lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ.
Trong các nhóm cổ phiếu, tôi tiếp tục kỳ vọng vào nhóm ngân hàng nhờ sự dẫn dắt của dòng tiền lớn cũng như số liệu kinh doanh ủng hộ. Ngoài ra, một số ngành khác theo tôi cũng khá triển vọng tuần tới như dầu khí, khu công nghiệp.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Chính bởi xu thế đầu cơ cao, thậm chí mang tính chất “đánh bạc hạng nặng” thời gian qua được thúc đẩy bởi dòng tiền F0, các nhà đầu tư vốn ít kinh nghiệm, nên mới xảy ra tình trạng thua lỗ nặng nề với nhóm Bất động sản, Penny (đặc biệt “họ” FLC)... đây cũng là bài học kinh nghiệm đáng quý cho nhà đầu tư.
Với tôi, việc nghiên cứu kỹ để tìm ra được các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng bền vững và điểm mua với giá hợp lý sẽ là chiến lược đúng đắn. Hạn chế chạy theo các hội nhóm, đội lái.. bởi đó sẽ là canh bạc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.