Nhiều chuyên gia nhận định, với lực đẩy là nền tảng tài chính năm 2021 vững chắc, triển vọng lĩnh vực ngành sáng trong trung và dài hạn, cổ phiếu các doanh nghiệp năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục bay cao.
“Thời kỳ vàng” của cổ phiếu năng lượng tái tạo
Với hiệu ứng từ dòng vốn rẻ, lớp lớp nhà đầu tư F0 gia nhập TTCK, kinh tế vĩ mô Việt Nam dự báo hồi phục “hậu” COVID-19, sự hưng phấn của các nhà đầu tư và dòng tiền nhập cuộc tích cực ..., VN-Index đã liên tục chinh phục các cột mốc mới và phá đỉnh mạnh mẽ trong năm 2021.
Nhiều nhóm ngành có sự tăng trưởng tốt, trong đó nổi bật như ngân hàng, thép, bất động sản.... Đặc biệt, phải kể đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT).
Theo thống kê từ phiên 4/1/2021 – 14/1/2022, 10/12 cổ phiếu công ty có dự án NLTT đều tăng trưởng tốt, trong đó quán quân là TEG của CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (+175,59%), LIG của CTCP Licogi 13 (+167,21%), GEX của CTCP Tập đoàn Gelex (+163,28%), FCN của CTCP Fecon (+142,02%), BCG của CTCP Bamboo Capital (+141,22%)...
Nói về nguyên nhân khiến các cổ phiếu NLTT tăng mạnh, ông Hà Đức Tùng – Chuyên gia Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect nói: “Có một vài lý do khiến các cổ phiếu năng lượng tái tạo tăng mạnh trong thời gian qua, như: Quy hoạch điện VIII đánh giá cao tầm quan trọng của điện năng lượng tái tạo và dự báo công suất nguồn điện này sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng công suất nguồn điện Việt Nam; Cam kết của chính phủ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” trong COP26 vừa rồi là động lực lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục tham gia và mở rộng khai thác nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió và điện mặt trời; Nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên huy động theo định hướng của chính phủ và nhu cầu điện dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022”.
Đặt bên cạnh các yếu tố kể trên, nhiều doanh nghiệp NLTT cũng có câu chuyện riêng làm động lực tăng trưởng cho cổ phiếu.
Đơn cử, đó là BCG với nhiều thương vụ hợp tác, ký kết với Siemens Gamesa Renewable Energy (Đức); Tập đoàn SP (công ty điện lực hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương); Sembcorp Utilities....; Hay, GEX với câu chuyện công ty con là CTCP Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) niêm yết lên sàn UPCOM.
Cùng với đó, phải nhìn nhận rằng đa phần các doanh nghiệp NLTT đều có kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng năm 2021.
Theo dữ liệu, doanh thu thuần TEG 9 tháng 2021 đạt 199,4 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, TEG cũng ghi nhận thêm 13,6 tỷ đồng tiền thoái vốn một số khoản đầu tư. Nhờ đó, lãi ròng công ty đạt đến hơn 19 tỷ đồng, tăng hơn 2.317% - mức tăng trưởng lãi sau thuế cao nhất trong số các công ty NLTT.
Đứng ở vị trí á quân là BCG. Trong 9 tháng 2021, lãi ròng BCG đạt 701 tỷ đồng, tăng gần 579% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo BCG, sự tăng trưởng này có được nhờ vào việc chuyển nhượng một số dự án, đặc biệt là ghi nhận dòng tiền từ các dự án NLTT đã đóng điện thời điểm cuối năm 2020.
Xếp sau TEG, BCG là GEX lãi 1.162 tỷ đồng (+81,3%), KOS 15 tỷ đồng (+68,9%), DL1 35 tỷ đồng (+57,3%)....
Xét về hiệu quả của mỗi đồng vốn bỏ ra, BCG đứng đầu chỉ số ROE đạt 13,74%, xếp sau là PC1 (12,52%), REE (12,27%), GEX (8,56%).
Với ROA, REE là quán quân khi đạt 6,68%, xếp các vị trí sau là PC1 (4,78%), ASM (3,26%), TEG (3,02%).
Sóng cổ phiếu NLTT liệu còn nối dài?
Nhiều phân tích nhìn nhận cổ phiếu năng lượng tái tạo vẫn có dư địa tăng trưởng trong dài hạn.
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá “cơn khát” nguồn năng lượng điện có thể kéo dài trong nhiều năm. Cụ thể, YSVN giả định tỷ lệ đàn hồi tăng trưởng điện/ GDP duy trì ở mức trung bình lũy kế 5 năm là 1,4x, qua đó ước tính nhu cầu về điện sẽ tăng trưởng 9,8%/năm nhằm hỗ trợ cho mức tăng trưởng GDP kỳ vọng trong giai đoạn 2021-2030 từ 6,5% -7,0%.
Cùng quan điểm, Agriseco Research đánh giá ngành điện sẽ đạt được tăng trưởng tốt trong năm tới trên nền thấp của 2021 và theo đà hồi phục của nền kinh tế. Trong trung và dài hạn, nhóm nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ dần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như điện than và thủy điện.
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt của điện mặt trời và điện gió là 35 GW và 41 GW đến 2045, chiếm 20% và 23,3% công suất nguồn. Nhờ các ưu đãi về giá phát điện, công suất ĐMT đã đạt 16.500 MW, chiếm 25% công suất hệ thống và mốc trên 85% quy hoạch đến 2025. Trong khi đó, điện gió đang ở đầu thời kì phát triển khi dự địa tăng trưởng công suất lắp đặt theo quy hoạch còn tới 7 kMW đến 2025, CAGR +30%. Trên cơ sở này, Agriseco Research cho rằng điện gió vẫn sẽ là đối tượng được hưởng ưu đãi trong các năm tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Đáng chú ý, dữ liệu của Agriseco Research cho thấy, nhờ ứng dụng công nghệ và cạnh tranh về giá giữa các nhà cung cấp tuabin và pin mặt trời trên thế giới, chi phí ròng (bao gồm chi phí lắp đặt, chi phí quản lý vận hành, chi phí sửa chữa và các chi phí khác phát sinh từ thời điểm xây dựng đến khi nhà máy dừng hoạt động) trong vòng đời dự án năng lượng tái tạo đang xu thế giảm mạnh.
Agriseco Research đánh giá, nhờ đó chi phí lắp đặt dự án điện mặt trời và điện gió trên bờ có thể sẽ rẻ hơn điện than trong một vài năm tới khi thị trường thiết bị bão hòa. Xu hướng này sẽ đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà đầu tư vào các dự án mới khi cơ chế giá dần chuyển dịch từ ưu đãi trên mức cố định sang cơ chế đấu thầu.
Trong khi đó, ở báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect đã đưa ra đánh giá cao những các cổ phiếu của những công ty sở hữu dự án năng lượng tái tạo với mức giá FIT ưu đãi hấp dẫn và phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo như BCG, FCN,… Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ có thể sẽ hỗ trợ một số công ty điện gió phát triển tốt trong tương lai như HDG, GEG, REE, PC1…