Nối dài sóng cổ phiếu năng lượng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc đua giá FIT với dự án điện gió đã ngã ngũ, con sóng cổ phiếu năng lượng xanh tăng tới đây được dự báo sẽ lan sang nhóm điện khí.
Nối dài sóng cổ phiếu năng lượng xanh

Sức bật từ cuộc đua giá FIT điện gió

Danh sách những doanh nghiệp có dự án điện gió được hưởng cơ chế giá mua ưu đãi (giá FIT) đã được chốt. Cuộc đua hưởng giá FIT với điện gió đã kết thúc, 84 dự án kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 với tổng công suất hơn 325 MW. Còn 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW không kịp về đích.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã thành công trong cuộc đua này. Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã TTA) chia sẻ, Nhà máy điện gió Phương Mai 1 đã kịp vận hành thương mại trước “giờ G” và việc về đích kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp hưởng lợi.

Tại Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (mã PC1), 3 dự án điện gió đều kịp tiến độ đóng điện trước ngày 1/11/2021. Nhà máy điện gió Liên Lập đã vận hành thương mại trong tháng 8/2021, nhà máy điện gió Phong Huy và Phong Nguyên đều vận hành thương mại vào 29/10/2021. Tổng công suất của 3 nhà máy là 144 MW.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng mảng điện gió sẽ giúp PC1 tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận của mảng phát điện trong năm 2022.

REE vừa cho biết, 3 dự án điện gió của REE và Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (thành viên của REE), gồm nhà máy điện gió Trà Vinh số 3, nhà máy điện gió Phú Lạc 2 và nhà máy điện gió Lợi Hải 2, đã vận hành thương mại thành công trước thời điểm ngày 1/11/2021 được hưởng giá FIT ưu đãi. Công ty Chứng khoán MB nhận định, REE có thể ghi nhận 185 tỷ đồng lợi nhuận từ mảng điện gió vào năm 2022.

Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) có 3 dự án điện gió là VPL Bến Tre, Ia Bang 1 (tại Gia Lai), công suất 50 MW và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (tại tỉnh Tiền Giang) đều đã vận hành thương mại trước thời điểm 1/11/2021.

VCBS dự báo, 3 dự án điện này sẽ đóng góp thêm 396 triệu kWh sản lượng điện và gần 900 tỷ đồng doanh thu hàng năm, hướng đến mốc tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2025 lần lượt là 6.390 tỷ đồng và 1.010 tỷ đồng (điện gió đóng góp khoảng 45% sản lượng điện và 53% doanh thu).

Điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích phát triển trong thời gian qua, với việc áp dụng cơ chế giá mua điện cố định ưu đãi (giá FIT). Chính vì vậy, lĩnh vực năng lượng xanh này thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tham gia và đem lại kết quả kinh doanh tích cực cho các doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Công ty đạt doanh thu gần 1.905 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 701 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 580% so với cùng kỳ năm ngoái. BCG đang đẩy mạnh mảng điện mặt trời và điện gió.

Doanh thu 9 tháng sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ, với 3.912 tỷ đồng, nhưng Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt 1.212 tỷ đồng. REE có các ngành bất động sản, sản xuất điện, ngành nước và cơ điện, trong đó vài năm trở lại đây tập trung vào lĩnh vực điện mặt trời, điện gió.

Tại HDG, trong 9 tháng vừa qua, mảng thủy điện và điện mặt trời đóng góp doanh thu 698 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 28% vào tổng doanh thu. Hà Đô hiện có hai nhà máy điện mặt trời ở Ninh Phước, nhà máy Hồng Phong 4.1 và mảng năng lượng đã bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của mảng kinh doanh chính - bất động sản. Mảng này được kỳ vọng sẽ tạo đà tăng trưởng dài hạn cho Công ty.

Tại Tập đoàn Sao Mai (mã ASM), lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 8.740 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 525 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 22% so với cùng kỳ. Trong đó, điện mặt trời đóng góp 459 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét: “Doanh thu của doanh nghiệp ngành điện rất ổn định, dòng đời dự án lại kéo dài, đây là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư”.

Sóng năng lượng xanh nối dài

Kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm 2021 cùng triển vọng tăng trưởng đột biến trong năm 2022 nhờ về đích trong cuộc đua hưởng cơ chế giá bán điện ưu đãi đã phản ánh vào giá cổ phiếu năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Thống kê cho thấy, cổ phiếu BCG đạt mức tăng 100% so với hồi đầu tháng 7, cổ phiếu REE ghi nhận mức tăng 22,7% trong cùng mốc thời gian, HDG là 44%...

Trong những phiên giao dịch gần đây, các cổ phiếu nhóm này có điều chỉnh nhẹ. Theo ông Nguyễn Thế Minh, cổ phiếu năng lượng tái tạo đã có một sóng tăng trưởng khá dài, nhiều mã đã tăng khá nóng, nay bắt đầu bước vào chu kỳ điều chỉnh và đi ngang ổn định.

Đặc thù của nhóm ngành điện là, các doanh nghiệp sẽ có tăng trưởng đột biến trong năm đầu tiên vận hành thương mại, các năm tiếp theo sẽ ổn định về doanh thu, không có đà tăng mạnh. Điều này phản ánh vào giá cổ phiếu, sau một thời gian tăng nóng sẽ đi ngang ổn định.

“Một số cổ phiếu sẽ có đột biến tăng trở lại nếu doanh nghiệp đó có dự án mới triển khai”, ông Minh nhận định.

Trong tuần qua, cổ phiếu BCG đã có nhịp tăng mạnh nhờ thông tin BCG Energy, thành viên của Bamboo Capital đã ký biên bản ghi nhớ với Siemens Gamesa Renewable Energy (Đức) về việc cung cấp thiết bị và giải pháp kỹ thuật để phát triển điện gió tại Việt Nam. BCG Energy là một trong những doanh nghiệp tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vừa qua.

Thông tin đáng chú ý, Bộ Công Thương vừa chính thức trình Chính phủ dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 130.371 - 143.839 MW. Trong đó, tổng công suất của nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, điện sinh khối) chiếm 24,3 - 25,7%, nhiệt điện khí (tính cả LNG) chiếm 21,1 - 22,3%.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu rõ, định hướng phát triển các nguồn dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ từ 12.550 - 17.100 MW năm 2030, chiếm 10 - 12% tổng quy mô nguồn điện năm 2030, tăng dần đến 43.000 MW, tương đương 15 - 17% tổng quy mô nguồn điện vào năm 2045.

Cổ phiếu điện khí sẽ là hướng chuyển dịch mới của dòng tiền trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

“Cổ phiếu điện khí sẽ là hướng chuyển dịch mới của dòng tiền trong thời gian tới”, ông Minh nói.

Theo ông Thế Minh, trên thị trường có một số doanh nghiệp tham gia phát triển lĩnh vực này như POW (Tập đoàn Điện lực Dầu khí), NT2 (Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2)… Thời gian qua, REE không chi trả cổ tức để dành nguồn lực cho phát triển điện tái tạo và manh nha với điện khí. Sắp tới, có thể BCG cũng gia nhập thị trường này.

Điện khí là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn và xu hướng liên kết đầu tư trong lĩnh vực điện khí có thể mạnh mẽ từ năm 2022.

Với một thị trường nhiều tiềm năng, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào triển vọng dài hạn của nhóm cổ phiếu năng lượng xanh.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục